|
Ảnh minh họa. |
Thế là dù chả phải người biết uống cà phê, tôi vẫn theo mọi người vào quán. Một quán nhỏ yên tĩnh mà chị hướng dẫn du lịch nói là rất đặc biệt với món bạc xỉu (cà phê, sữa đánh bông lên). Cái đặc biệt nữa là vào quán cà phê mà không ngửi thấy mùi cà phê, không như ngoài Hà Nội, có những quán thơm lừng cả một góc phố.
Và may mắn là chúng tôi được đi với một người rất am hiểu về cà phê và văn hoá Tây Nguyên. Chị là Rcơm H'Lê, người dân tộc Gia Lai, đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp và hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần Lữ hành Gia Lai Xanh. Chị kể về các loại cà phê, cách uống, uống loại nào ở đâu ngon... say sưa và hứng thú.
Chị bảo hồi học đại học có một môn thi nếm thử hàng mấy chục loại cà phê bột khác nhau rồi chỉ ra mỗi loại có bao nhiêu phần là cà phê gì, pha thêm những thứ gì... chị đã được điểm tuyệt đối. Và dù bây giờ chị không làm công việc gì liên quan đến chuyên môn, nhưng những hiểu biết đó đã như ngấm vào máu rồi, nó cũng rất có ích cho chị khi giới thiệu với du khách về quê hương mình.
Được gặp chị, trò chuyện với chị tôi thấy được làm người giỏi, người hiểu biết sâu về một lĩnh vực nào đó thật là sung sướng. Không phải sướng vì kiếm được nhiều tiền, mà đơn giản là nó giúp cho ta tự tin và biết cách sống, biết cách thưởng thức cuộc sống. Ví dụ như ly cà phê này, chắc nó cũng chỉ giống như muôn vàn ly cà phê khác thôi, nhưng vừa nghe chị kể, vừa nhấp từng ngụm thì trong cái vị thơm như thấm vào từng tế bào thần kinh, trong cái vị béo ngậy này còn như có cả nắng, cả gió, cả những cơn mưa rào của Tây Nguyên... Thật không gì thú vị bằng.
Ngày còn nhỏ, ai hỏi học giỏi để làm gì, lũ chúng tôi thường nói những lời to tát như để xây dựng đất nước, để làm những việc này việc nọ... Ngày nay, nếu hỏi bọn trẻ thì sẽ nhận được câu trả lời thực tế hơn: để kiếm được nhiều tiền, để được giàu có... Thực ra điều cốt lõi nhất của việc học là để biết cách sống. Không chỉ là sống mà là biết thưởng thức cuộc sống. Cũng giống như thưởng thức ly cà phê này.
Minh Anh