Thời gian gần đây có trào lưu thải độc như tiêm, truyền dịch, uống thuốc. Theo Tiến sĩ Trương Hoàng Hưng - bác sĩ giảng dạy lâm sàng tại Đại học Kỹ thuật Texas (Mỹ), con người phải ăn, uống, hít thở hằng ngày. Mọi yếu tố đều có thể là chất độc nếu sử dụng quá liều hay không đúng cách. Ví dụ, nước uống vô cùng quan trọng nhưng nếu bạn uống quá nhiều (khoảng 10-20 lít), nồng độ natri trong máu sẽ giảm, não phù, co giật kéo dài và chết. Đó là ngộ độc nước.
Vitamin A bổ da, bổ mắt, có trong các sản phẩm vitamin tổng hợp trên thị trường. Nếu bạn uống liều cao kéo dài gây da khô, tăng áp suất nội sọ, co giật, tổn thương gan, suy gan. Tương tự thuốc trị bệnh, muối, đường hay chất béo nếu dùng quá liều đều độc hại cho cơ thể. Cơ thể chúng ta hằng ngày đối mặt với nhiều “độc chất tiềm năng”.
Tuy nhiên, cơ thể con người vốn là nhà máy xử lý hóa chất công suất cao vận hành 24/7. Mỗi ngày, cơ thể có nhiệm vụ phân loại xử lý tất cả các thực phẩm bạn đã hấp thụ. Những chất tốt được giữ lại, thứ nào không tốt, không cần hoặc thừa sẽ thải ra ngoài. Hệ thống xử lý của cơ thể gồm nhiều cơ quan như gan, thận, da, phổi.
Uống đủ nước cũng là cách thải độc cơ thể. Ảnh: Shutterstock
Hiện nay, trên thị trường có nhiều thuốc quảng cáo giải độc, thanh lọc gan. Bác sĩ Hưng cho rằng chưa đánh giá được tác dụng nhưng khi uống thuốc giải độc, gan và thận phải làm việc để xử lý thuốc đó, thêm gánh nặng, lâu dài chắc chắn không tốt.
Khi giải độc cho cơ thể cần phải xem bạn thừa chất gì. Mỗi chất dư thừa có chất kháng độc hay thải độc khác nhau, không phải một loại thuốc có thể giải hết các độc tố. Bác sĩ Hưng nhấn mạnh cách giải độc đơn giản nhất là ngưng đầu độc cơ thể. Bạn có thể thực hiện theo các cách đơn giản sau:
Thứ nhất, hạn chế ăn uống, sử dụng quá nhiều một thứ nào đó: nên có chế độ ăn cân bằng, vừa phải. Chế độ ăn cần duy trì nhiều rau xanh, trái cây, không ăn quá nhiều đường, chất béo.
Thứ hai, tìm hiểu về thức ăn sạch, ít hóa chất, ít các thành phần bảo quản. Ăn thực phẩm tươi nếu có thể. Học cách nấu nướng lành mạnh, ăn ít thực phẩm nướng, chiên, không dùng thực phẩm lên mốc.
Thứ ba, ngưng tự hạ độc mình bằng rượu, thuốc lá và các chất gây nghiện. Trường hợp cần uống rượu nên dùng lượng vừa đủ.
Thứ tư, không dùng thuốc hay thực phẩm chức năng tùy tiện, không rõ nguồn gốc, tác dụng, liều lượng, độ an toàn. Không dùng thuốc nếu không cần thiết, kể cả vitamin, thuốc giải độc, thanh lọc cơ thể, thực phẩm chức năng, cân nhắc khi dùng lâu dài sản phẩm nào đó.
Thứ năm, cố gắng hít thở không khí trong lành. Dùng khẩu trang y tế nếu có thể, thay lọc máy lạnh nhà, xe thường xuyên.
Thứ sáu, cần uống đủ nước, giúp thận lọc bỏ các chất không cần thiết, giúp đổ mồ hôi nhiều hơn, không táo bón.
Thứ bảy, tập thể dục thường xuyên. Đổ mồ hôi là cách giải độc rất tốt, ngoài các tác dụng cho sức khỏe, tim mạch, tập thể dục giúp giải độc khi đổ nhiều mồ hôi kèm theo muối, chất béo, kim loại nặng, làm chậm tốc độ lão hóa ADN giúp trẻ lâu, ngăn ngừa ung thư. Khi tập luyện cần phải đổ mồ hôi vì vậy mỗi ngày nên tập ít nhất 30-60 phút.
Thứ tám, luôn giữ tinh thần tích cực, vui vẻ, hòa đồng, tận hưởng cuộc sống. Lo âu, stress, sân hận là cách hạ độc cơ thể một cách toàn diện nhất từ tinh thần đến thể chất, gây nhiều bệnh như loét dạ dày, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Theo VietNamNet