Bên cạnh màn trình diễn ấn tượng của U23 Việt Nam, một trong những điều đáng nhớ nhất đọng lại ở những trận đấu vừa qua của thầy trò HLV Gong Oh-kyun là hình ảnh cờ đỏ sao vàng rợp trên khán đài Tashkent ở Uzbekistan.
Dù U23 Việt Nam thi đấu ở nơi cách quê nhà hơn 5.000km, nhưng nhiều khán giả vẫn lặn lội đường xa, mang cờ, trống, băng rôn cổ vũ để đến tận nơi "tiếp lửa" cho các cầu thủ.
Hành trình đến Uzbekistan không hề đơn giản, phải bay nối chuyến, tốn hàng chục triệu đồng tiền bay, chưa kể vé vào sân, chi phí ăn ở đi lại ở nước ngoài,... nhưng không ít CĐV vẫn bỏ tiền của, thời gian để mang tới sự động viên ấm áp cho các cầu thủ nơi đất khách quê người.
|
Khán giả Việt Nam luôn đến sân ủng hộ đội tuyển, dù đá trên sân nhà hay sân khách. (Ảnh: Ngọc Duy/VOV) |
Những cổ động viên ấy không đáng phải chịu sự chê bai của một bộ phận truyền thông, người hâm mộ chỉ vì một, hai lời cổ vũ nghe có phần lạ tai ở trận đấu trước.
Chuyện là, câu cổ vũ "Bay lên trời là bay ra ngoài" đã được sử dụng ở trận U23 Việt Nam gặp U23 Hàn Quốc bởi một nữ cổ động viên đã đồng hành cùng đội tuyển nhiều năm qua. Mỗi khi đối thủ của U23 Việt Nam được hưởng một quả đá phạt góc, phạt cố định hay dứt điểm từ xa, cổ động viên sẽ hát vang câu cổ vũ này để bóng không bay vào khung thành.
|
Tự hào những khán đài rợp cờ đỏ sao vàng ở Tashkent. (Ảnh: Ngọc Duy/VOV) |
Đó không phải lời cổ vũ kiểu ủng hộ, mà chỉ cất lên cho vui, thậm chí có phần... mê tín. Nhiều khán giả thích thú với câu hát này, bởi cứ mỗi khi nó vang lên, bóng sẽ không đi vào khung thành U23 Việt Nam.
Nhưng dù nội dung lời cổ vũ có thế nào, nó cũng đều mang tính ủng hộ và hy vọng những điều tốt đẹp nhất đến cho đội tuyển.
Tôi từng có thời gian đứng cùng khán đài với hội cổ động viên bóng đá Việt Nam ở khán đài D phía sau cầu môn. Đó là vị trí khó theo dõi trận đấu nhất, hầu như không xem được trận đấu, nhưng cổ động viên vẫn lựa chọn, bởi việc của họ là cổ vũ, hát hò, tiếp lửa cho đội tuyển, thay vì thưởng thức trận đấu như những khán giả bình thường khác.
Là khán giả, có thể lựa chọn vỗ tay, hò hét hoặc cổ động bất cứ lúc nào họ muốn trong trận, thường khoảng thời gian sân bóng huyên náo nhất là khi đội nhà có bàn thắng, hoặc đang dồn lên ép sân đối thủ. Tuy nhiên, cổ động viên không có lựa chọn.
Các nhóm cổ động sẽ hát và hô khẩu hiệu ủng hộ đội tuyển trong cả trận đấu, kể cả lúc thắng, lúc thua và không có thời gian ngơi nghỉ. Cách cổ vũ cũng rất văn minh, luôn ủng hộ tập thể, hô vang hai tiếng Việt Nam, chứ không thiên vị cổ vũ cho riêng cá nhân cầu thủ nào.
Khi trận đấu khép lại và khán giả trên sân chuẩn bị ra về, các cổ động viên chuyên nghiệp vẫn ở lại, chờ vỗ tay động viên cảm ơn cầu thủ rồi mới dọn đồ cổ vũ để về.
Những cổ động viên Việt Nam trên sân Tashkent của Uzbekistan đều "vì yêu mà đến", ủng hộ đội tuyển dù thi đấu ở những miền đất xa xôi, giúp các cầu thủ có chơi bóng ở đâu cũng luôn nghe được những thanh âm cổ vũ ấm áp từ quê nhà.
Sự huyên náo, ồn ào mà cổ động viên Việt Nam tạo ra là một phần của bóng đá. Khi dịch COVID-19 ập đến, khiến sân bóng không còn khán giả, người ta mới thấy nhớ những âm thanh ấy, dù không thuộc về diễn biến trên sân nhưng đã là mảnh ghét không thể thiếu của mỗi trận đấu.
Những ca từ cổ vũ có thể hợp ý người này, không vừa lòng người kia, nhưng suy cho cùng, đó đều là những lời cổ vũ không mạt sát chỉ trích ai, từ đội nhà cho tới đối thủ.
So sánh những lời cổ vũ ấy với những lời mạt sát, lăng mạ của nhiều hội nhóm cổ động viên quá khích trên thế giới là sự so sánh vô cảm, bất công với nỗ lực mà những người hâm mộ trung thành của bóng đá Việt Nam đã bỏ ra.
Vượt đường xa tới Uzbekistan, hay đội nắng đội mưa đi theo dõi các trận đấu cách quê hương rất xa, các cổ động viên Việt Nam không được "lợi lộc" gì, ngoài thỏa mãn đam mê bóng đá cá nhân, cùng niềm hạnh phúc khi được tận mắt chứng kiến đội nhà thi đấu và chiến thắng.
Tình yêu ấy đã chinh phục các cầu thủ. Sau mỗi trận, cầu thủ luôn đến sát khán đài vỗ tay tri ân theo kiểu "Viking" nổi tiếng của Iceland, rồi cúi đầu cảm ơn khán giả. U23 Việt Nam hiểu rõ và trân trọng tình cảm thuần khiết ấy. Khi chính họ - đối tượng được cổ vũ, còn không thấy khó chịu, cớ sao những người khác lại buông lời cay đắng?
Theo Hạ Nhiên/ VTCNews