Chàng trai về quê làm trò “vô công rồi nghề” mà triệu người xem

Google News

Chiến bỏ phố ra ngôi nhà cũ của bà ngoại ở rìa đồng để làm việc mà nhiều người cho rằng đó là trò của kẻ "vô công rồi nghề". Chàng trai trẻ quyết thực hiện ý tưởng khiến nhiều người ngỡ ngàng.

"Việc đó chỉ dành cho những người vô công rồi nghề"
Con đường nhỏ, cỏ mọc lút mắt cá chân tại phố Vinh Phúc, phường Quảng Thọ, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) dẫn tôi đến ngôi nhà lợp bằng lá kè ở ven cánh đồng. Đây là khung cảnh bình dị xuất hiện trong những "clip triệu view" của chàng trai Lê Xuân Chiến, 25 tuổi.
Chiến bỏ ngang công việc sửa chữa điện tử, điện lạnh ở Thủ đô Hà Nội vốn thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, trở về quê khiến ai cũng giật mình. Bố mẹ truy hỏi thì Chiến nói đi làm thời gian gò bó, phải xa nhà, không chủ động được tài chính vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ và cảm thấy mình không thuộc về công việc, ngành nghề đang làm.
Chang trai ve que lam tro “vo cong roi nghe” ma trieu nguoi xem
Chiến và bà ngoại bên ngôi nhà cũ bình dị (Ảnh: Hạnh Linh). 
Chàng trai nói ý tưởng trồng rau, nuôi gà ở khu nhà của bà ngoại và xây dựng kênh Vlog mang tên "Bếp quê choa" về các món ăn, trò chơi ở quê để mọi người "tìm vé" về tuổi thơ và sẽ kiếm tiền từ nó.
"Nghe ý tưởng, bố mẹ bảo tôi bị điên. Bố tôi cho rằng việc đó chỉ dành cho những người "vô công rồi nghề". Làm clip là làm cái trời ơi đất hỡi gì? Bố đặt câu hỏi và cương quyết phản đối", Chiến tâm sự.
Quyết theo đuổi ý tưởng của mình, Chiến đến nhà bà ngoại, nơi có nhiều kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ. Chàng thanh niên dùng hết số tiền mình có để tu sửa lại, dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm những vật dụng xưa cũ… Tháng 2, kênh youtube, mạng xã hội tiktok, facebook "Bếp quê choa" chính thức ra mắt.
Chang trai ve que lam tro “vo cong roi nghe” ma trieu nguoi xem-Hinh-2
Khung cảnh mộc mạc, chân quê, gợi nhớ những kỷ niệm tuổi thơ của bao thế hệ (Ảnh: Hạnh Linh).
Nói về cách đặt tên kênh, Chiến cho biết, muốn nhấn mạnh từ "choa", trong từ "quê choa" (quê mình, tôi-PV) được nhiều người miền Trung đặc biệt là xứ Thanh sử dụng khi xa quê. Mỗi lần nói đến "quê choa", nhiều người biết đó là người Thanh Hóa.
Chiến chia sẻ, không gian "Bếp quê choa" dung dị, gần gũi gồm ngôi nhà ngói nhỏ, gian bếp lợp bằng lá kè, có khoảng sân rộng, giếng nước, vườn rau, ao cá, bờ rào bằng cây trúc…
Bên cạnh chia sẻ những món ăn đặc trưng của quê hương trên nền không gian làng quê xưa cũ, cuộc sống mò cua, bắt ốc, trồng rau bình dị được Chiến khéo léo sử dụng linh hoạt, phù hợp ngôn ngữ địa phương như "mô - tê - răng - rứa" tạo cho những người xa quê khi nghe có cảm giác gần gũi, nhớ thương.
"Diễn viên bất đắc dĩ"
7 tháng sau khi lập kênh Vlog "Bếp quê choa", Chiến được nhiều người biết đến. Các kênh mạng xã hội cá nhân của Chiến có hàng trăm nghìn lượt người theo dõi. Đặc biệt, chàng trai sở hữu rất nhiều clip "triệu view" khi "diễn" cùng bà ngoại.
Chang trai ve que lam tro “vo cong roi nghe” ma trieu nguoi xem-Hinh-3
Bà Lê Thị Thảnh thấy vui hơn khi cùng cháu làm những món ăn truyền thống, gợi nhớ một thời nghèo khó (Ảnh: Hạnh Linh).
Những clip đầu, bản thân Chiến nhận không ít sự chê bai từ cộng đồng mạng. Nhiều bình luận nói rằng anh còn trẻ biết gì về ngày xưa mà kể hay nhìn mặt "búng ra sữa" mà dám "dạy đời",… khiến chàng trai trẻ suy nghĩ rất nhiều. Chiến "tìm lối đi riêng", mời thêm "diễn viên phụ" là bà ngoại.
Bà Lê Thị Thảnh, 84 tuổi, bà ngoại của Chiến cho biết, ngôi nhà của bà được xây từ lâu, là nơi ở của vợ chồng bà. Các cháu nội ngoại được ông bà chăm sóc, lớn lên dưới mái tranh nghèo này.
"Hôm Chiến bóp vai tôi thủ thỉ, bà quay video với cháu đi. Tôi bảo, thôi cháu, cả vùng này gọi cháu là Chiến dở, ngớ ngẩn… rồi! Nhưng nó cứ năn nỉ, dở những "chiêu trò dụ dỗ" tôi bằng những món ăn do chính tay cháu làm, thế rồi mình tham gia lúc nào cũng không hay", bà Thảnh nói.
Chang trai ve que lam tro “vo cong roi nghe” ma trieu nguoi xem-Hinh-4
Chiến đang có cuộc sống vui vẻ cùng những ký ức tuổi thơ (Ảnh: Hạnh Linh).
"Tiếp sức" cháu bằng vốn kiến thức từ chính bản thân của mình về những món ăn, trò chơi, phong tục tập quán…, bà Thảnh thấy mình vui khỏe thêm khi được trở về với quá khứ, tuổi thơ.
Dẫu có nhiều khó khăn trong quá trình làm, song chưa bao giờ chàng trai "triệu view" bị "nghèo" ý tưởng bởi có sự giúp sức của bà ngoại.
"Bếp quê choa" của anh chàng trai xứ Thanh mang thông điệp "nơi đưa bạn về với tuổi thơ". Vì thế vào những dịp lễ, cuối tuần, nhiều du khách từ các tỉnh, thành về Thanh Hóa lại ghé đến căn nhà của 2 bà cháu trải nghiệm không gian văn hóa nông thôn mộc mạc, bình dị. 
Để có thêm thu nhập, Chiến còn bán các đặc sản quê hương như mắm tép, nước mắm mực, cá thu, cá ngừ... Thu nhập từ bán hàng qua mạng xã hội giúp Chiến thực hiện ước mơ "làm sống dậy những kỷ niệm tuổi thơ", tự chủ về tài chính, thời gian và được sống gần nhà.
"Vui nhất là bố mẹ đã thay đổi, ủng hộ quyết định của con trai. Bên cạnh đó, nhiều người xem để lại cảm nhận, bình luận tích cực: "Cứ xem video lại nhớ đến tuổi thơ" hay "hiếm có kênh nào giữ được nét xưa như vậy", Chiến chia sẻ.
Theo Hạnh Linh/ Dân Trí