Tôn Hà Anh và Tôn Hiền Anh được nhiều người ngưỡng mộ khi là hai chị em cùng gia đình lần lượt giành học bổng toàn phần của ĐH Harvard (Mỹ).
Hà Anh tốt nghiệp 3 năm trước và hiện làm nhà tư vấn quản trị với vai trò quản lý trách nhiệm xã hội toàn cầu tại McKinsey & Company New York - công ty tư vấn doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Cô em gái Hiền Anh - đang theo học tại Harvard - gần đây nhận được nhiều sự quan tâm khi góp phần đòi “công lý” cho những sinh viên quốc tế mắc kẹt tại Mỹ do dịch Covid-19. Cô là người nghiên cứu và viết lá đơn kiến nghị lên Harvard, cùng trường chiến thắng vụ kiện trước ICE (Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ), khiến Nhà Trắng bãi bỏ luật visa mới, giúp hơn 1 triệu sinh viên quốc tế không rơi vào cảnh bị đuổi về nước.
Trò chuyện với Zing, Tôn Hà Anh chia sẻ về cuộc sống, thành quả cô gặt hái được sau nhiều năm học tập tại Mỹ cùng những dự định mới. 9X bày tỏ niềm tự hào về em gái Hiền Anh và mong muốn trong tương lai sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng theo đuổi đam mê đến những cô gái Việt Nam khác.
|
Chị em Hà Anh - Hiền Anh cùng cha mẹ.
|
“Chúng mình là những cô gái thuần Việt”
Sau khi học lớp 10 và 11 tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Anh nhận học bổng sang Mỹ học tiếp ở trường cấp 3 nội trú St. Andrew's. Năm 2011, cô được 5 trường đại học danh tiếng là Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley đồng ý trao học bổng toàn phần.
Cuối cùng, 9X chọn Harvard, nơi cha mẹ cô luôn ấp ủ mong ước con mình sẽ đặt chân tới.
6 năm sau, tin vui một lần nữa đến với gia đình khi em gái cô là Hiền Anh cũng nhận được thông báo trúng học bổng toàn phần của ngôi trường này.
Trong những năm học tập và sống tại xứ sở cờ hoa, Hà Anh - Hiền Anh phải học cách hòa nhập với môi trường mới, vượt qua nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu riêng.
Bắt đầu du học Mỹ từ năm cuối cấp 3, Hà Anh tự quan sát, phân tích để thích nghi với môi trường và bạn bè, cố gắng cân bằng giữa học tập và hoạt động ngoại khóa. Với cô, Harvard đã mở ra cánh cổng mới tới môi trường đa dạng hơn về xã hội, sắc tộc, quốc gia, tôn giáo.
“Khác với trường cấp 3 mình từng học, chủ yếu là các bạn da trắng ở miền Nam nước Mỹ, Harvard như một phiên bản lớn hơn, nhiều màu sắc, giúp mình phát triển thành con người toàn diện hơn. Đó là sân chơi cho mình khám phá đam mê cũng như định hướng bản thân”, Hà Anh nói.
|
Hà Anh cho biết Harvard mở ra một cánh cổng mới, giúp cô hoàn thiện mình.
|
Tuy nhiên, Hà Anh cho rằng việc Harvard mở nhiều cánh cổng, đồng thời có nhiều tài nguyên, cơ hội để hỗ trợ sinh viên phát hiện, theo đuổi đam mê cũng đặt gánh nặng lên mọi người trong việc hiểu bản thân và tìm ra lối riêng.
Trong quá trình học tập tại đây, Hà Anh đạt nhiều thành tích nổi bật như tham gia Dự án nghiên cứu độc lập năm 2016 với giáo sư danh tiếng từng đạt giải Nobel Kinh tế Oliver Hart hay đảm nhận vai trò Giám đốc sản xuất của show diễn thời trang Harvard Identities Fashion Show.
Cô còn có cơ hội phụ trách truyền thông và phát triển của tổ chức Harvard Social Innovation Collaborative, chuyên phát triển các dự án doanh nghiệp xã hội. Đây cũng là tiền đề giúp Hà Anh đảm đương tốt vai trò quản lý trách nhiệm xã hội toàn cầu tại công ty hiện tại.
9X cũng nằm trong ban điều hành của Harvard College Events Board trực thuộc Harvard Student Government - chuyên tổ chức các sự kiện cho hơn 6.000 sinh viên với ngân sách hàng năm lên đến 112.000 USD.
Dù có nhiều năm sống ở nước ngoài, Hà Anh cảm thấy hai chị em vẫn là những cô gái thuần Việt.
“Với chị em mình, một trong những khó khăn lớn khi hòa nhập với môi trường mới là phải xác định và định hướng xem bản thân mình là ai, làm sao để có thể hòa vào một nền văn hóa mà không mất đi bản sắc của mình”.
Hà Anh nói càng có cơ hội đi nhiều, chị em cô càng được kết nối với nền văn hoá và cội nguồn Việt Nam một cách sâu sắc.
“Ai đi sang đây cũng mang theo đồ ăn Việt, nghe nhạc Việt, bạn gái nào cũng mang theo một tà áo dài để giới thiệu văn hoá Việt Nam. Đi xa mới thấy nhớ những thứ thân thuộc ở nhà. Tết nào mọi người cũng tụ tập ăn bánh chưng, mấy đứa xa nhà cùng ăn thấy sống mũi cay cay”, cô nói.
|
Tôn Hà Anh (đứng tại bục thuyết trình) điều phối diễn đàn “Phụ nữ và Sự nghiệp” tại sự kiện Vòng Tay Nước Mỹ.
|
Với Hà Anh, có rất nhiều cách để lan toả văn hoá Việt đến các bạn quốc tế, tạo ra cầu nối cho họ với các cơ hội ở Việt Nam và ngược lại.
Từ khi còn học cấp 3, cô đã luôn mang theo tà áo dài Việt Nam đi đến những buổi lễ và dịp hội ngộ các học sinh quốc tế giới thiệu về văn hoá của mỗi đất nước. Cô được nhận xét là thành viên tích cực trong hội sinh viên Việt Nam tại Harvard, góp sức trong việc tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ sinh viên Việt Nam ở đây và lan toả văn hoá Việt.
Hà Anh có nhiều ấn tượng khi tổ chức chương trình “Bánh Mì Workshop” để dạy các bạn làm bánh mì Việt Nam.
“300 cái bánh mì bọn mình làm sẵn đã 'bốc hơi' chỉ trong vòng 20 phút”, cô hào hứng khi nhớ lại.
Tự hào về em gái nhỏ bé nhưng mạnh mẽ
Nói về Hiền Anh, Hà Anh bày tỏ cô rất tự hào về em gái “nhỏ bé nhưng mạnh mẽ”. Nghe tin về chiến thắng của Harvard trong vụ kiện đòi quyền cho du học sinh với ICE, Hà Anh không giấu được sự xúc động, hạnh phúc thay cho những nỗ lực của em mình.
Trước đó, ngày 6/7, ICE thông báo các du học sinh nước ngoài tại Mỹ sẽ phải rời khỏi đây nếu chương trình họ đang theo học chuyển sang hình thức dạy online 100% trong năm học tới, người ở lại sẽ bị coi là cư trú bất hợp pháp.
Ngay khi ICE ra thông báo về luật mới, Hiền Anh đã thức thâu đêm nghiên cứu luật và các biện pháp giúp học sinh quốc tế ở Harvard.
|
Hiền Anh gây ấn tượng bởi vẻ ngoài nhút nhát, hiền lành nhưng ẩn bên trong là tính cách mạnh mẽ, kiên định.
|
“Em đại diện, bóc tách về những hậu quả tiêu cực sẽ đến với học sinh quốc tế khi điều luật này được thực thi và đề nghị trường có giải pháp. Chỉ một đêm, dù thời gian gấp gáp, em đã vận động được những học sinh quốc tế của Harvard đang kẹt ở Mỹ và các tổ chức có liên quan ủng hộ”, Hà Anh kể về quá trình vận động của Hiền Anh.
Trong vòng 20 giờ đầu tiên, bản kiến nghị của Hiền Anh đã có hơn 1.000 chữ ký của các giáo sư Harvard cùng đông đảo sinh viên và cựu sinh viên.
Chủ tịch trường Harvard, Rakesh Khurana, nhanh chóng trình đơn của Hiền Anh lên cho Hội đồng trường trực tiếp xem xét triển khai kế hoạch học tập cho mùa thu, đồng thời cảm ơn cô đã lên tiếng.
Ngày 8/7, Đại học Harvard và MIT khởi kiện quy định visa mới, tạo ra làn sóng thu hút hàng chục trường đại học, chính quyền các bang và hơn 10 công ty công nghệ cùng tham gia phản đối chính sách trên.
Đến ngày 15/7, sau những nỗ lực của Hiền Anh cùng đông đảo sinh viên và lãnh đạo nhà trường, chính quyền Trump đã hủy bỏ yêu cầu cấm du học sinh ở lại Mỹ nếu chỉ học trực tuyến.
Mới đây, đích thân Hiệu trưởng Harvard Lawrence Barcow đã gửi thư cảm ơn Hiền Anh vì những đóng góp của cô cho phong trào bảo vệ học sinh quốc tế vừa rồi.
Trong mắt người thân và bạn bè, Hiền Anh là người có chút trầm tính nhưng sâu sắc, ẩn sâu bên trong là sự kiên định, mạnh mẽ, kiên trì đeo đuổi những điều bản thân mong muốn.
Hà Anh kể từ cấp 3, em gái đã cùng các anh chị sinh viên đại học đi từng nhà vận động ủng hộ cho người dân nghèo vùng cao.
“Trong thời gian gap year, cô bé ấy đã soạn và lên giáo án AP Psychology cho các em học sinh cấp 3 ở Việt Nam. Em lặng lẽ giúp tư vấn miễn phí cho rất nhiều bạn học sinh ứng tuyển vào đại học Mỹ, từ sửa luận cho các bạn, hướng dẫn cách xin thư giới thiệu, phỏng vấn”, cô kể.
Ở trường, Hiền Anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khoá giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Cô nằm trong ban lãnh đạo của tổ chức Harvard Vision, gây quỹ cho hơn 100 ca phẫu thuật phục hồi mắt cho trẻ em nghèo, hay quản lý cung cấp bữa ăn và chỗ ngủ ở nhà tạm trú Harvard tổ chức cho người vô gia cư.
Mong truyền cảm hứng cho nữ sinh Việt
Mẹ của hai chị em là bác sĩ chuyên khoa da liễu Lã Hà. Hà Anh tâm sự, với chị em cô, mẹ chính là hình tượng lớn nhất để noi theo, là người truyền cảm hứng và động lực từ những năm đi học đến lúc cô đi làm.
"Sau nhiều năm trong nghề, đã trở thành trưởng khoa, mẹ vẫn tiếp tục lặng lẽ trau dồi kiến thức, tiếp tục lấy thêm kinh nghiệm, đồng thời là giảng viên tiếp tục truyền lửa cho những lứa sinh viên tiếp theo", Hà Anh chia sẻ về mẹ.
Cô nói thêm: "Mỗi khi nhìn mẹ nói say sưa hàng giờ liền về công việc, vẫn trực máy khi có bệnh nhân hỏi, thấy niềm hạnh phúc của mẹ khi được học và theo đuổi đam mê, chị em mình nhận ra bản thân cũng mong theo đuổi mục tiêu của cuộc đời để không bao giờ phải hối tiếc”.
Hai chị em Hà Anh - Hiền Anh cũng ấp ủ mong muốn truyền cảm hứng cho nữ sinh Việt Nam theo đuổi đam mê và mơ ước.
Với mục tiêu đó, Hà Anh là sáng lập viên tổ chức Mạng lưới Chuyên gia Phụ nữ Việt (Vietnamese Women’s Professionals Network) để xây dựng cộng đồng hỗ trợ phụ nữ công sở trong việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng và kết nối với nhau thông qua những buổi hội thảo.
Hà Anh từng tổ chức sự kiện “Women in Business Day” cho các bạn sinh viên Mỹ ở sự kiện "Vòng Tay Nước Mỹ" với khách mời là nữ giáo sư và chuyên viên Việt Nam đang giảng dạy ở trường kinh doanh Harvard, làm ở quỹ đầu tư và các công ty công nghệ như Google.
Hà Anh cho biết sắp tới cô sẽ tiếp tục theo học thạc sĩ ngành Kinh doanh tại trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School).
Cô mong muốn trau dồi thêm kiến thức chuyên sâu về kinh doanh, kinh tế, đặc biệt là trong ngành Y và hàng tiêu dùng. Hà Anh hy vọng áp dụng những kiến thức này để giúp mẹ nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm, phương pháp tốt nhất cho những người cần.
Theo Đào Phương/Zing