Chị em "gào thét" vì giúp việc đùng đùng bỏ về quê dịp cận Tết

Google News

Ra sức chiều chuộng nhưng chỉ cần góp ý “một tí” là bác giúp việc tự ái, đùng đùng bỏ về quê. Thậm chí, giúp việc bỏ việc chỉ vì…chồng bắt về. Dịp cận Tết, rất nhiều chị em phải “kêu cứu” trên facebook tìm giải pháp.

“Cứu với!! Bác giúp việc bỏ về quê!!”
“Đau đầu vì giúp việc quá các mẹ ơi! Năm hết Tết đến bận bù đầu mà bác giúp việc đùng đùng xin nghỉ với lý do chồng bắt về. Các mẹ có quen biết ai giới thiệu giúp em với. Cấp cứu lắm rồi ạ. Gà con nhà em 18 tháng chưa đi học”.
Đó là lời “kêu cứu” của một bà mẹ trên diễn đàn dành cho các mẹ bỉm sữa trong thời gian gần đây. Rất nhiều bà mẹ đã nhảy vào “thút thít kể khổ” về việc thuê giúp việc. Nhu cầu tìm kiếm giúp việc luôn “nóng”, bất kể thời điểm nào trong năm, đặc biệt là với các gia đình có trẻ nhỏ.
Chi em
Giúp việc bỏ về quê dịp cận Tết là nỗi kinh hoàng của chị em. Ảnh minh họa. 
Tuy nhiên, thời điểm cận Tết Nguyên đán, khi công việc chồng chất “ngập đầu ngập cổ” thì nhu cầu tìm giúp việc càng trở nên bức thiết. Cái sự cầu lớn hơn cung đã khiến bao chuyện dở khóc dở cười xảy ra.
Đứa lớn mới 2 tuổi, đứa nhỏ vẫn còn ẵm ngửa, trong khi nội ngoại đôi bên đều ở xa, hai vợ chồng lại bận công việc cuối năm túi bụi, chị Huyền Trang (26 tuổi, một dân công sở tại Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã huy động mọi mối quen biết để tìm giúp việc.
Hơn ba tháng tìm người, mặc dù mức lương giờ đã được nâng lên thành 4 triệu đồng/ tháng bao ăn ở, thưởng tháng 13, nghỉ Tết chục hôm vẫn hưởng “nguyên lương” vậy mà chị vẫn chưa thể tìm được người giúp việc. Bởi lý do, giúp việc được bạn bè giới thiệu đã …kín lịch!
Cực chẳng đã, chị phải nhờ bác hàng xóm trông con…theo giờ. Cứ sáng sáng ủn cũi con sang bà hàng xóm, 2h chiều chị lại về đón con rồi về vừa trông con vừa “mần việc”. Cũng may cơ quan tạo điều kiện, linh động giờ giấc không thì nguy to!
Đau đầu vì 1001 chiêu của giúp việc
Chị Trà My, một mẹ bỉm sữa tại Hà Nội đã choáng váng khi tình cờ đọc mẩu tin giúp việc nhà mình…lên mạng tìm việc. Chắc định tìm nơi “ngon” hơn, nhưng không tìm được, lại bị chị My “bóc mẽ” nên cô giúp việc đành “chữa cháy”: “Cô cảm thấy không hợp”.
Quá bực mình về việc giúp việc “đứng núi nọ trông núi kia”, chị My đã lập tức “tiễn vong”. Bởi trước đó, có lần cô giúp việc xin nghỉ “về quê lâu lâu mới lên được, có gì cô báo”.
Không ngờ 10 ngày “về quê” của cô giúp việc là…thử việc nhà khác. Hết thử việc, cô giúp việc gọi cho chị bảo: “Mai cô lên nhé!”. Dù bực mình vì giúp việc chơi “không đẹp” nhưng do cần người nên chị My đành bỏ qua và kết quả là giúp việc lại tiếp tục tái phạm.
Sinh con thứ ba, chị Nguyễn Thục Anh (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) phải thuê tới hai giúp việc. Lương mỗi giúp việc là 4 triệu đồng/ tháng, bao ăn ở, thưởng Tết đầy đủ. Người quán xuyến việc nội trợ và đưa bọn trẻ đi học, người trông bé mới sinh để chị có thể yên tâm làm việc khi sinh con tròn tháng.
Dù chiều chuộng hai bác giúp việc hết nấc nhưng không ít lần, chị cảm giác như mình đang “sống chung với hai bà mẹ chồng”. Điều chị thấy kinh hãi nhất là dịp lễ Tết, hai giúp việc đồng loạt về quê. Mọi sinh hoạt trong nhà bị đảo lộn.
Có lần, chị Thục Anh bắt gặp hội người giúp việc trong ngõ thậm thụt, xì xào với nhau về “kinh nghiệm ép chủ nhà dịp Tết”. Có năm, người giúp việc nhà “đánh bài chuồn” sau Tết, mãi không chịu lên.
Vợ chồng chị lấy cớ về quê có việc rồi đánh xe ô tô đến tận nhà giúp việc “chúc Tết” rồi thiện thể “đưa” họ lên Hà Nội “cho đỡ mất tiền tàu xe”.
“Lắm lúc nhịn như nhịn cơm sống nhưng cũng đành vì con nhỏ bện hơi hai bác giúp việc này. Họ lại sạch sẽ, chịu khó chứ không lười biếng, ở bẩn như những người đến trước. Thêm tiền cũng được, chỉ mong họ gắn bó với gia đình lâu dài một chút, đến khi con mình cứng cáp thì tính tiếp”, chị Thục Anh hy vọng.
Theo Thu Hà/Em Đẹp