Chuyện của “siêu nhân“

Google News

Khi những câu chuyện về người hùng, siêu nhân vẫn đang lay động trái tim chúng ta trên phim ảnh, sách truyện, trong những giai thoại truyền miệng thì trong cuộc sống này đã, đang và sẽ có không ít người lặng lẽ làm nên những giá trị sống.

Nhớ lại, ở thời điểm những thiết bị thông minh còn chưa chiếm vị trí độc tôn thì truyện tranh đã khiến nhiều bạn trẻ say mê hình ảnh các siêu nhân. Từ "Thủy thủ mặt trăng", "mèo máy Doremon", "Dragon Ball - 7 Viên Ngọc Rồng" hay: "Thám tử lừng danh Conan", "Bộ truyện tranh One Piece"… Còn nếu nhìn sang các bậc phụ huynh thời đó sẽ thấy họ cũng đang mải mê với những người hùng như: "Thanh tra Corrado Cattani" (Bạch tuộc), "Spider-Man" (Người nhện), Đặc vụ FBI "Michael Cates" (18 bánh xe công lý), "Jackie Chan Thành Long"… Thậm chí, ngồi hầu chuyện bên bàn cờ, bên chén trà với các bậc cao niên cũng sẽ được nghe thuyết lý về những Võ Tòng, Quan Công, Lý Tiểu Long…
Chuyen cua “sieu nhan“
Ông Akio Toyoda, Chủ tịch kiêm CEO của Toyota Motor Corporation từ chức để người trẻ làm xe điện. 
Khi chuyện "đánh đấm", đua xe tốc độ cao, đọ súng lắng xuống, những đứa trẻ đã lớn là lúc những ban nhạc, nam thần, nữ hoàng của làng giải trí lên ngôi. Nếu thế hệ trước đây thần tượng The Beatles, Westlife, Backstreet Boys, Micheal Jackson, Britney Spears thì 8X, 9X tôn sùng SNSD, T-Ara, SuJu, DBSK của xứ sở kim chi… điều đó tựa như những làn sóng xô mãi nhưng chẳng rõ chúng ta đã nhận ra điều gì để đứng vững, tự tạo ra một thị hiếu, một chính kiến về sự cao cả, sự phi thường cho riêng mình.
Chuyện về siêu nhân, thần tượng đơn giản mà lại khó…Ngày đó, người viết đã nghe lỏm được trong một câu chuyện vui quán nước, có người nói: "Thời buổi này bật ti vi lên hay mua báo về xem các mục giải trí, văn hóa đều thấy toàn siêu nhân, người hùng, người của công chúng cả. Trong khi ngó sang phần tin tức thì ôi thôi, thấy toàn chuyện lừa lọc, hèn hạ, thiếu nhân cách. Chẳng biết rồi mọi thứ sẽ ra sao?". Nghĩ lại câu nói ấy, người viết chợt nhận ra, nhu cầu nhận diện về những cá nhân xuất sắc, về người hùng trong cuộc sống cũng đâu có gì viển vông, phù phiếm, thậm chí sẽ rất hữu ích, rất thiết thực với mỗi người. Hiểu đúng sẽ tự tạo cho mình năng lượng sống tốt đẹp và ngược lại…
Mới đây, cư dân mạng đã chia sẻ một câu chuyện cảm động. Tối ngày 12/5, khi phát hiện chiếc xe tải của mình bốc cháy, anh Hoàng Văn Nghị (43 tuổi, xã An Hà, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã dũng cảm lái xe ra khỏi khu vực dân cư. Nhớ lại lúc đó, anh Nghị nói: "Tôi chỉ kịp nghĩ xe đang cháy to mà để ở đó thêm lúc nữa thì không biết chuyện gì xảy ra". Hành động dũng cảm của anh Nghị giống với tài xế Đinh Thành Trung (Cai Lậy-Tiền Giang) hồi tháng 2 năm 2022 khi lái chiếc xe bồn chở xăng đang bốc cháy: "Lúc đó khói lửa bao trùm cả xe, tôi không thấy gì cả, tay mò mẫm khóa van xăng rồi nhảy lên cabin nổ máy chạy. Tôi nghĩ nếu cứ để xe đó, cây xăng phát nổ thì nguyên cả khu nhà cháy hết nên cố lái xe ra khoảng trống…".
Chuyen cua “sieu nhan“-Hinh-2
Tài xế Hoàng Văn Nghị dũng cảm lái xe tải đang cháy dữ dội ra khỏi khu vực đông dân cư. 
Cách đây đúng một năm, anh Trịnh Văn Tài, nhân viên gác chắn đường sắt (phường Phú Bình, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), đã dũng cảm cứu người thoát chết. Khi được hỏi, anh Tài đã chia sẻ: "Lúc đó tôi không suy nghĩ gì nhiều mà chỉ nhanh nhất có thể để kéo ông ra khỏi đường ray, đảm bảo tính mạng". Có lẽ, động lực, sức mạnh và sự kỳ diệu để các anh có được những hành động cao đẹp đó đến từ sự nhân ái, bản năng sinh tồn. Trong thời khắc cam go ấy, thay vì cân nhắc thiệt hơn cho bản thân, hành động đã nói lên tất cả những phẩm chất ưu tú nhất của một con người mà trong cuộc sống hàng ngày rất đỗi bình dị.
Trong chiều ngày 9/5/2023, hai tấm HCV ở cự ly chạy 1.500m và 3.000m (trong vòng 20 phút) của VĐV Nguyễn Thị Oanh của Đoàn thể thao Việt Nam đã thực sự trở thành kì tích bởi ý chí vượt khó, nghị lực phi thường của cô gái Bắc Giang này.
Sở dĩ 2 HCV (trong tổng số 136 HCV của đoàn Việt Nam tại SEA Games 32) trở nên đặc biệt bởi đó là phần thưởng xứng đáng của một câu chuyện dài mà khi nghe chị tâm sự, chúng ta không khỏi xúc động: "Khi biết phải dừng tập luyện, tôi rất buồn. Cảm giác như thiếu đi một hương vị gì đó trong cuộc sống. Môn này rất vất vả nhưng khi không còn tập luyện và theo đuổi nó nữa, tôi cảm thấy trống vắng rất nhiều. Khi cảm thấy bản thân mệt mỏi hay chán nản, tôi luôn nhìn vào những tấm gương khó khăn hơn mình, những người phải dùng nghị lực nhiều hơn mình. Tôi thấy những vận động viên khuyết tật, họ còn không đủ sức khỏe như mình, thiếu thốn nhiều mặt, cả về hình thể hay thể lực mà họ vẫn có thể vượt qua, tập luyện, thi đấu giành thành tích cao. Từ đó, tôi nghĩ họ làm được thì mình cũng làm được. Tôi lựa chọn điền kinh rồi thì phải dành trọn tình yêu cho nó, sống hết mình, cháy hết mình với đam mê" (theo: Duy Minh-Zingnews.vn).
Có lẽ "tình yêu" VĐV Nguyễn Thị Oanh nhắc đến cũng có nét tương đồng với những tấm gương dũng cảm đã nhắc đến ở trên. Họ đều có một tình yêu cuộc sống, yêu thương con người, yêu những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn mình.
Chuyen cua “sieu nhan“-Hinh-3
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh đã tạo ra kì tích tại Seagames 32. 
Hành động dũng cảm đôi khi còn đến từ sự biết mình, biết người, biết dừng lại để dành lối đi cho thế hệ trẻ, cho sự phát triển. Còn nhớ khi ông Akio Toyoda, chủ tịch kiêm CEO của Toyota Motor Corporation từ chức, ông đã có chia sẻ rất chân thành trên Báo Financial Times: "Vì niềm đam mê mãnh liệt với ô tô, tôi là một người bảo thủ về kỹ thuật số hóa, xe điện và xe kết nối. Tôi đam mê xe truyền thống, đó là hạn chế của tôi".
Trong cuộc sống này, động lực làm việc của mỗi người đều xuất phát từ hai nguyên nhân chính: muốn làm và phải làm. Trong đó, việc được làm theo sở nguyện (muốn làm) bao giờ cũng khiến con người toàn tâm, toàn ý. Nhưng như Jennifer Leigh Youngs (đạo diễn người Mỹ) đã từng nói: "Thành công trong cuộc sống không tự nhiên mà đến. Bạn cần phải có thái độ sống, khát vọng và cả sự chấp nhận". Có lẽ việc "chấp nhận" là thử thách cao nhất mà một người mang trong mình khát vọng, đam mê phải vượt qua được để tạo ra một giá trị văn hóa mới: văn hóa nhường lối đi cho sự phát triển như cách mà ông Akio Toyoda đã bộc bạch.
Nhưng biết dừng lại liệu có phải là một sự rời bỏ cuộc chơi, một sự thất bại? Thực ra, người dám chấp nhận để trở về "độ 0" là một sự dũng cảm. Còn nhớ, khi bàn về "Khoan dung văn hóa" (trong bài viết về bức tượng "Người đàn ông cúi chào" (Greetingman) được đặt tại Công viên 3-2), nhà báo Đoàn Công Lê Huy đã lý giải: "Bởi, muốn khoan dung, anh phải hạ về độ không của bản thể, trở về ban đầu - back to basic, nghĩa là anh phải cởi bỏ cho hết sạch những lớp y phục của những cái biết, những cái định kiến, thành kiến, tựu trung là "sở tri chướng" anh đã có thì mới có thể cúi đầu khiêm cung chào đón được những khác lạ, những dị biệt, những bản sắc, đa chân lý, những lĩnh vực có thể có nhiều đáp số".
Lâu nay, những gì "đa chân lý", "nhiều đáp số" luôn là chủ đề gây tranh cãi. Như người ta thường nói người cầu an thường chọn nương náu giữa các cuộc bàn luận không đầu, không cuối, người có chính kiến thì sẽ vượt thoát lên đám đông ấy và đi trên con đường của riêng mình. Có những người thành công bởi lặng lẽ vượt thoát lên, có những người dũng cảm bởi chỉ cần làm theo điều trái tim mách bảo vừa lóe lên như tia chớp và có người sẵn sàng trở về với "độ 0" của mình để lớn lao...
Khi những câu chuyện về người hùng, siêu nhân vẫn đang lay động trái tim chúng ta trên phim ảnh, sách truyện, trong những giai thoại truyền miệng thì trong cuộc sống này đã, đang và sẽ có không ít người lặng lẽ làm nên những giá trị sống. Hãy lựa chọn những hướng đi mà ta không bao giờ phải ân hận.
Theo Thu Trang/Văn Nghệ Công An Online