Từng đặt chân tới nhiều quốc gia như Pakistan, Nhật Bản, Thái Lan,… song Nguyễn Thùy Trang (SN 1995, quê ở Hải Phòng) thừa nhận, Ấn Độ cũng là điểm đến để lại trong lòng cô nhiều ấn tượng, đặc biệt là trải nghiệm “không thể nào quên” – chứng kiến tục hỏa táng bên sông thiêng.
Thùy Trang cho biết, trước khi du lịch tới quốc gia vùng Nam Á, 9X đã nhiều lần tìm hiểu và xem tục hỏa táng trên Youtube.
Tuy nhiên, hầu hết những người chia sẻ thông tin, hình ảnh về tục lệ trên đều là nam vì đối tượng này dễ dàng tiếp cận được các khu vực hỏa thiêu - còn phụ nữ hiếm được tới gần do khó chi phối được cảm xúc.
Điều này khiến nữ travel blogger càng tò mò muốn được đặt chân tới đây và trực tiếp đến khu vực hỏa thiêu để chứng kiến cũng như cảm nhận về tục thiêu xác.
Thùy Trang cho hay, Varanasi - một trong 7 thành phố linh thiêng của Ấn Độ giáo, nằm bên bờ sông Hằng được coi là vùng đất thánh của các tín đồ Hindu giáo và Phật Giáo. Đến đây, cô được chứng kiến tục hỏa thiêu, giữa những ngọn lửa bất kể ngày hay đêm luôn rực cháy.
Tục hỏa táng ở Varanasi diễn ra hàng ngày, hàng giờ và đông đúc nhất vào tầm chiều tối (từ 16h trở đi). Trong đó, Manikarnika Ghat ở thành phố Varanasi cũng là nơi duy nhất có thể hỏa táng cả ngày.
Sông Hằng bắt nguồn từ dãy Hymalaya ở phía bắc Ấn Độ, chảy theo hướng đông và nam qua Bangladesh. Dòng sông này vốn được coi là dòng chảy thiêng liêng, rửa sạch tội lỗi loài người theo quan niệm Ấn Độ giáo (Ảnh: Nguyễn Thùy Trang).
Dọc theo sông Hằng, người Ấn Độ dựng 87 ghat (những bậc thang dẫn xuống bờ sông) làm nơi cúng dường và tiến hành nghi lễ. Phần lớn các ghat phục vụ nhu cầu tắm rửa của dân chúng, một số khác là nơi cử hành nghi lễ hỏa táng người đã qua đời nhưng chỉ 2 ghat được phép tiến hành hỏa thiêu (Ảnh: Hang Bui).
Thùy Trang chia sẻ, trước khi tục hỏa táng diễn ra, xác người chết được bọc trong một "quan tài" đặc biệt bằng vải màu vàng (hoặc bạc) cùng với các vật dụng đặc trưng của tín đồ Hindu giáo. Gia đình người đã khuất sẽ chọn gỗ trầm hoặc đàn hương để sử dụng cho việc hỏa thiêu, tùy vào hoàn cảnh và xuất thân của người mất.
Sau đó, người ta khiêng xác ra sông, gột rửa bằng nước sông Hằng và bôi một loại dầu để giảm bớt mùi khi đốt. Tiếp đến, nghi thức hỏa táng được tiến hành ngay tại Manikarnika Ghat.
Người ta tin rằng, nếu một người được hỏa táng ở Varanasi rồi thả tro cốt xuống dòng nước thiêng và tinh khiết của sông Hằng thì vòng luân hồi sẽ kết thúc và đến được Niết Bàn (Ảnh: Hang Bui).
Sau khi thi thể được bọc vải trắng và phủ đầy hoa được đặt lên giàn thiêu chất đầy củi, các Dom (những người trông coi và giữ lửa cho các giàn thiêu) sẽ có mặt, trao ngọn đuốc cho con trai của người chết. Khi người này đi quanh giàn thiêu và châm lửa, họ hàng đứng dõi theo trong im lặng.
Thông thường phải mất 4-5 tiếng thì xác chết mới được thiêu rụi. Khi nghi lễ kết thúc, phần tro thu được từ quá trình hỏa táng sẽ được đem rải xuống sông Hằng. Người ta tin rằng, việc làm này giúp giải phóng hoàn toàn linh hồn khỏi các ràng buộc phàm trần.
"Có lẽ một phần quan niệm của người Ấn cũng giống người Việt, rằng cái chết chưa bao giờ là sự kết thúc mà nó tiếp tục mở ra những cuộc đời mới trong một vòng luân hồi", Thùy Trang chia sẻ.
Cũng từng đến Ấn Độ và ghé Manikarnika Ghat vào năm ngoái, Khánh Huyền (ở Hà Nội) không khỏi rùng mình khi tận mắt xem cảnh hỏa táng bên sông Hằng.
“Ở dọc bờ sông, củi đốt chất thành đống. Xác người chết cũng được đưa đến đây để chờ hỏa thiêu”, Khánh Huyền nhớ lại.
Củi chất thành đống dọc các bậc thang khắp bờ sông Hằng (Ảnh: Nguyễn Thùy Trang).
Qua tìm hiểu thông tin từ hướng dẫn viên địa phương, nữ du khách trẻ được biết chi phí thiêu xác ở đây trung bình khoảng 100.000 rupee (khoảng 28 triệu đồng), bao gồm củi lửa và thầy cúng làm các thủ tục để đưa người chết về miền cực lạc.
Tùy từng địa điểm và cách thức mà giá hỏa thiêu cũng khác nhau, càng gần bờ sông càng đắt. Trong đó, thiêu bằng lò điện là rẻ nhất. Khi thiêu, xác đàn ông được đặt nằm ngửa và đàn bà nằm sấp.
Trong nghi lễ này, đặc biệt, phụ nữ không được xuất hiện do khó chi phối được cảm xúc. Vì theo quan niệm của người Ấn Độ, cái chết là một dịp mừng vì người quá cố rồi sẽ được tái sinh nhờ nước của sông Hằng và nước mắt sẽ làm linh hồn người chết vấn vương, khó dứt bỏ trần thế để siêu thoát (Ảnh: Nguyễn Thùy Trang).
Khi thấy các xác chết được khiêng vào khu vực thiêu, những người chứng kiến không nên bày tỏ nỗi sợ hãi mà thành tâm cầu nguyện cho người đã mất được ra đi thanh thản.
“Ở đây, người ta hỏa thiêu bằng gỗ trầm hoặc đàn hương vì có mùi thơm đặc biệt khi đốt cháy. Song tôi vẫn cảm thấy rùng mình, lạnh sống lưng vì mùi cháy khét của rất nhiều tử thi”, 9X kể.
Sau khi hoàn tất thủ tục hỏa táng, họ mang tất cả tro, cốt, và quần áo của người chết đổ xuống sông Hằng. Do giá thành củi đốt ngày càng đắt đỏ, những gia đình nghèo không đủ khả năng làm nghi thức hỏa táng cho người chết đành quấn xác họ một cách sơ sài rồi thả về với sông mẹ.
Tới đây, ngoài chứng kiến tục hỏa thiêu, du khách có thể trải nghiệm đi thuyền trên sông với giá khoảng 200 rupee/người (gần 60.000 đồng), mua hoa và đèn cúng để thả xuống sông hoặc mua các loài cá để phóng sinh, cầu phước lành,…
Theo Phan Đậu/Vietnamnet