Cùng là động tác ăn mừng chiến thắng tự tin như nhiều nam thí sinh từng thể hiện trong chương trình nhưng nữ quán quân "Đường lên đỉnh Olympia 2020" lại bị "ném đá" dữ dội và bị cho là "phản ứng thái quá". Cùng là những giọt nước mắt khi kết quả không mong muốn, thí sinh nam thuộc Top 4 cuộc thi bị gắn nhãn "ủy mị".
Chương trình truyền hình "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 20 chính thức khép lại khi chứcc danh nhà vô địch gọi tên cô bạn Nguyễn Thị Thu Hằng - cô gái duy nhất trong vòng thi Chung kết khốc liệt. Cô bạn cũng là nữ quán quân thứ tư trong lịch sử 20 năm của cuộc thi.
Nữ sinh duy nhất trong vòng Chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 20 giành chức vô địch
Chứng kiến bản lĩnh của những cú bứt phá về đích ngoạn mục không chỉ ở vòng thi Chung kết mà cả ở vòng thi Quý và Tháng trước đó, chắc chắn ai cũng phải thừa nhận rằng: Chiến thắng của Thu Hằng hoàn toàn xứng đáng. Thu Hằng là minh chứng thuyết phục cho sự nỗ lực không ngừng, ý chí quyết tâm và chất "thép" - tỉnh táo trong giờ phút quyết định căng thẳng nhất - để giành vinh quang trong hành trình thi đấu đầy thử thách và cam go.
Với sự tập trung để kiểm soát tất cả những xúc cảm lẫn lộn ấy để giữ cho mình sự bình tĩnh sáng suốt, lẽ dĩ nhiên, nữ quán quân luôn vỡ òa cảm xúc trong mỗi lần chiến thắng bản thân mình - mỗi lần trả lời đúng một câu hỏi khó, thành công với một quyết định táo bạo. Buồn thay, những lời dèm pha vì hành động ăn mừng chiến thắng đầy bản lĩnh, mạnh mẽ và trông-khá-giống-một-cậu-con-trai của cô bạn đã được ném ra một cách vô lý, thay vì những lời khen, lời chúc mừng.
Hành động ăn mừng mạnh mẽ của Hằng lại nhận "gạch đá" từ cộng đồng mạng.
Trong hoàn cảnh "oái oăm" ngược lại, Quốc Anh - top 4 vòng Chung kết chương trình bị chỉ trích khi bật khóc trên sóng truyền hình vì kết quả không mong muốn. Cậu bạn từng nhận được nhiều sự yêu mến của các bạn nữ và sự gato của các bạn nam khi được mệnh danh "hot boy Đường lên đỉnh Olympia" sau vòng thi chung kết bỗng bị gắn nhãn "ủy mị", "yếu đuối".
"Hotboy" Quốc Anh bật khóc trên sóng truyền hình nhận "gạch đá" không kém.
Giờ bạn thử hình dung xem, nếu có một phép "hoán đổi thân xác" giữa Thu Hằng và Quốc Anh, hai bạn có phải nhận "gạch đá" vì cách bộc lộ cảm xúc của mình không? Hay trái lại, cô bạn khóc vì kết quả không mong muốn sẽ nhận được nhiều sự động viên, lời an ủi khích lệ tinh thần. Còn chàng trai ăn mừng chiến thắng một cách mạnh mẽ sẽ có nhiều lượt "thả tim" hay số người theo dõi tăng vọt trên mạng xã hội. Tình huống "nếu như" đó đã không xảy ra.
Hẳn đám đông đã hình dung Thu Hằng sẽ nở nụ cười mỉm chi thay vì giơ nắm đấm rồi huýt lên trời như-con-trai khi giành chiến thắng. Quốc Anh được kỳ vòng sẽ chỉ cắn răng và rồi ngẩng cao đầu khi nghe kết quả không khả quan thay vì bật khóc. Tức là chỉ khi bạn là con gái, bạn mới có quyền thể hiện cảm xúc ủy mị. Tức là chỉ khi bạn là con trai, bạn mới có quyền thể hiện cảm xúc mạnh mẽ, bản lĩnh.
Có hay không một "tiêu chuẩn kép" về giới tính vẫn đang ăn sâu, cắm rễ trong định kiến của chúng ta? Rằng con trai thì phải mạnh mẽ, con gái thì phải nhu mì, và trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ những vỏ bọc cảm xúc theo tiêu chuẩn đám đông trước ống kính máy quay? Trong khi đó, chẳng phải chúng ta vẫn luôn đấu tranh cho bình đẳng giới, cho sự tự do được "là chính mình"? Chẳng phải chúng ta vẫn đề cao nét đẹp phi giới tính, tự hào bất kể bạn là ai đi chăng nữa?
Tại sao lại sai khi một cô gái không được ăn mừng chiến thắng mạnh mẽ? Tại sao lại sai khi một chàng trai không thể bật khóc tại chỗ? Trước khi cất tiếng hô vang những khẩu hiệu lớn lao, phải chăng chúng ta nên bắt đầu thay đổi cách nhìn nhận từ những điều tưởng chừng rất "bình thường" mà thực tế rất "bất bình thường" này?
Theo Wann/Hoahoctro