Với sự phát triển của thời đại, điện thoại di động đã trở thành một vật dụng thiết yếu để con người dễ liên lạc với nhau hoặc hơn thế nữa là để vận hành cuộc sống.
Con trẻ cũng sớm sử dụng thành thạo loại thiết bị điện tử này. Nếu cha mẹ là những người nuông chiều và không có sự kiểm soát kịp thời thì rất có thể đứa trẻ dùng chiếc điện thoại để tạo nên những tình huống trớ trêu.
Một ông bố ở Trung Quốc có đứa con vừa vào tiểu học. Cậu bé là đứa trẻ khá hiếu động và nghịch ngợm. Một lần, khi thấy con còn bài tập chưa làm xong, ông bố này định giúp con giảng những bài khó để con nhanh chóng hoàn thành sau đó đi ngủ sớm.
Nhưng đứa trẻ không chịu làm bài mà chỉ muốn đùa nghịch. Sau một hồi không thể chịu nổi, ông bố đã mắng con vài câu và bỏ đi tắm.
Vì không đóng cửa trong lúc tắm, cậu con trai nghịch ngợm đã lấy điện thoại của bố rồi lén chụp cảnh bố đang tắm mà không có mảnh vải che thân. Quá đáng hơn, đứa trẻ còn mở ứng dụng tin nhắn rồi gửi thẳng bức ảnh vừa chụp vào nhóm phụ huynh của lớp mình.
|
Đoạn tin nhắn chứa hình ảnh nhạy cảm của ông bố |
Tất nhiên, sau hình ảnh này, một cú sốc đã đến với tất cả các phụ huynh có trong group. Một hồi lâu sau khi tắm, nghe tiếng tin nhắn vang lên liên tục, người bố mới lật đật tìm điện thoại và mới tá hỏa phát hiện ra vụ việc.
Anh nhanh chóng xóa tin nhắn, gửi lời xin lỗi đồng thời giải thích cho các bố mẹ khác hiểu rằng đây là một "tai nạn".
Lúc này, khi thấy thái độ hốt hoảng của bố, cậu bé mới nhận ra rằng mình đã có hành động không đúng đắn và vô tình mang lại rắc rối lớn cho bố. Em hứa rằng sẽ không tái phạm điều này trong tương lai.
Có thể thấy, đứa trẻ này từng rất được bố mẹ nuông chiều nên mới có những hành vi nghịch ngợm mất kiểm soát, không phân biệt đúng sai như tình huống trên.
Ngày nay, mỗi gia đình đều sinh ít con, bố mẹ có thêm điều kiện để quan tâm nhiều hơn tới đứa trẻ nên nảy sinh tâm lý nuông chiều, xem con là trung tâm.
|
Ảnh minh họa |
Bố mẹ thường ra tay giúp đỡ hay làm thay con tất cả công việc mà không cho con có môi trường để tự rèn luyện và trau dồi bản thân.Đến khi con không vừa ý và khóc lóc, cha mẹ lại thỏa hiệp bằng cách dỗ dành hay mua đồ chơi, cho tiền,... Đây tất nhiên là cách giáo dục không nên được khuyến khích.
Thật vậy, tin chắc rằng điều nhiều bậc cha mẹ vì thương con nên thường bao che, bỏ qua các hành vi xấu con gây ra mà không biết rằng nếu không có sự can thiệp sẽ rất dễ khiến đứa trẻ ỷ lại và tiếp tục mắc sai lầm cho đến cả khi trưởng thành. Vậy cha mẹ nên làm gì nếu trẻ mắc lỗi?
1. Việc trẻ mắc lỗi không phải là điều nghiêm trọng
Sai lầm là điều mà ai cũng sẽ mắc phải, cả người lớn cũng vậy. Một cây nhỏ cần được cắt tỉa liên tục để cây phát triển theo hình dáng đẹp và khỏe mạnh nhất.
Tương tự điều cha mẹ nên làm là giúp trẻ đối mặt với lỗi lầm và sửa sai, điều đó sẽ rất có ích trong quá trình lớn lên của trẻ.
2. Cho phép trẻ phạm sai lầm nhưng không bao che
Con trẻ có thể mắc lỗi, nhưng các hành vi sẽ không được tha thứ một cách mù quáng. Cha mẹ nên cho con hiểu rằng phạm sai lầm không có gì đáng trách nếu chúng ta biết điều chỉnh, uốn nắn và tránh phạm phải nó một lần nữa trong tương lai.
|
Ảnh minh họa |
3. Cảnh báo trẻ rằng những sai lầm tương tự không thể lặp đi lặp lại
Cha mẹ nên cảnh báo con cái rằng những sai lầm tương tự không thể lặp đi lặp lại. Nếu đứa trẻ phạm một lỗi liên tục nhiều lần và dường như điều đó là cố ý thì hãy nghiêm khắc nếu cần thiết.
4. Cha mẹ hãy trở thành hình mẫu tốt nhất cho con cái
Cha mẹ không nên bỏ qua ảnh hưởng của bản thân trước mặt con cái. Muốn con ít phạm lỗi thì cha mẹ hãy chú ý đến lời ăn tiếng nói, hành vi của mình, ít mắc những sai lầm không đáng có trước mặt con. Là cha mẹ, hãy giáo dục và trở thành tấm gương tốt nhất cho con cái.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị