Nhiều người trẻ đang bị cuốn vào vòng xoáy "đồ hiệu, xe sang" (Ảnh tư liệu)
Chi ra hàng chục triệu đồng để sở hữu chiếc Iphone mới nhất ngay khi chiếc điện thoại này chính thức mở bán tại Việt Nam là điều mà Trần Duy Nhất (20 tuổi) thường xuyên làm trong những năm vừa qua. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện và được chiều chuộng hết mực, “ném tiền” vào điện thoại xịn và đồ hiệu là những gì mà Duy Nhất làm để thể hiện “đẳng cấp” của mình.
Phát cuồng sở thích mua sắm, việc có mặt tại các trung tâm thương mại lớn hay liên tục đặt đồ xách tay của các hãng lớn như Dior, Gucci, LouisVuitton… từ nước ngoài về trở thành thói quen hàng ngày của chàng trai trẻ.
“Mình không muốn tụt hậu so với những người mình chơi cùng hay trở nên kém nổi bật giữa đám đông. Đó là lý do mà mình không bao giờ nghĩ đến chuyện mua hàng tại chợ hay trên sàn thương mại điện tử”, Duy Nhất nói.
Còn Vũ Bích Ngọc (16 tuổi, học sinh một trường THPT tại Hà Nội) thì tỏ ra vô cùng “sành sỏi” mỗi khi bàn luận về chủ đề nước hoa, thời trang, mỹ phẩm hay điện thoại đắt tiền. Dù sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng Bích Ngọc đang sở hữu cho mình khá nhiều món đồ đắt tiền. Nữ sinh cho biết, việc có được những món đồ đó với cô không khó, chỉ cần chăm chỉ, tỏ ra ngoan ngoãn và chăm học với bố mẹ rồi cứ xin nhiều là được đáp ứng.
“Thời buổi bây giờ, ai cũng để ý mình đi xe gì, dùng điện thoại gì, mặc đồ gì. Mình ngại việc đi đâu cùng bạn bè mà không cùng “đẳng cấp” lắm. Những thứ này suy cho cùng cũng là mua sắm cho bản thân thôi mà”, Bích Ngọc thẳng thắn.
Mua sắm những món đồ đắt tiền là cách mà nhiều người trẻ làm để "thể hiện đẳng cấp" của bản thân (Ảnh tư liệu)
Khác với Bích Ngọc hay Duy Nhất, Phạm Khôi Nguyên (22 tuổi, sinh viên vừa ra trường) không có nhiều điều kiện để “vung tay” như vậy. Dù mỗi khi ra đường là diện điện thoại đời mới, xe đắt tiền, những đôi giày hiệu nhưng không ai biết, những thứ hào nhoáng đó đang là “món nợ” cậu nhân viên hành chính với mức lương 7 triệu đồng mỗi tháng đang phải gánh chịu.
“Điện thoại của mình là trả góp, xe thì mình cũng đi mượn, những đôi giày thì có đôi mua thật, có đôi thì mình mua hàng nhái nhưng là nhái “xịn”, thẻ tín dụng thì lúc nào cũng trong tình trạng “đè” cổ mình mỗi tháng. Không có những thứ đó quả thực mình không dám đi chơi cùng bạn bè. Cả một hội đều như vậy nên mình không muốn ở ngoài cuộc”, Khôi Nguyên chia sẻ.
Hệ lụy khó lường
Không chỉ ham hố những món hàng tiêu dùng đắt tiền, nhiều bạn trẻ còn đang chạy theo những trào lưu cực kì tốn kém. Nuôi thú cảnh hàng chục triệu đồng, săn phụ kiện, đồ độc, sưu tầm đồ cổ… là những cách để thể hiện sự sành điệu và độ chịu chơi của một bộ phận giới trẻ. Khi mà văn hóa hội nhập, những thú tiêu khiển tưởng chỉ có ở trên phim ảnh hay ở nước ngoài, của những người nổi tiếng thế giới giờ đây ngày càng phổ biến với giới trẻ Việt.
Đôi khi việc sử dụng các món đồ hiệu chỉ là cách mà nhiều người gây sự chú ý tới cộng đồng
Trong cuộc khảo sát về hành vi mua sắm của giới trẻ tháng 10 vừa qua của Google, phần lớn người tham gia trả lời rằng họ đam mê những món đồ đắt tiền vì yêu thích các nhãn hàng xa xỉ. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ lại mua sắm vì muốn bắt kịp xu hướng (30%) và sợ bị bạn bè xa lánh (15%).
Hiện nay, ngày càng nhiều học sinh, sinh viên đam mê mua sắm đồ hiệu, sau đó chụp ảnh, quay video và đăng tải lên mạng xã hội. Tuy vậy, để có được lượng người theo dõi và sức ảnh hưởng trên thế giới ảo, họ cần phải đánh đổi bằng nhiều thứ hơn thế.
Để sở hữu các xa xỉ phẩm, những người tiêu dùng trẻ vẫn cần dựa vào sự hỗ trợ từ gia đình. Vì vậy, thói quen mua sắm đắt đỏ của họ đang trực tiếp tạo áp lực tài chính cho cha mẹ. Ngoài ra, việc không có tiền để mua sắm cũng dẫn tới hành vi phạm tội như một vài vụ việc nghiêm trọng được đăng tải trong thời gian vừa qua.
"Ném" tiền vào "điện thoại xịn, đồ hiệu, xe sang", nhiều người trẻ đang ngập mình với các khoản nợ (Ảnh tư liệu)
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên chia sẻ: “Được thể hiện là một nhu thiết của con người nhưng nó chỉ thực sự tốt khi điều đó hợp lý và vừa sức với khả năng chi trả.
Mặc một chiếc áo “hiệu” có thể khiến bạn đẹp hơn trong mắt người đối diện nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ chinh phục hay chiếm được thiện cảm từ họ. Giá trị thực của mỗi người đến từ tâm hồn, tri thức và cách sống văn minh, tử tế đối với cộng đồng. Tiêu tiền hợp lý cũng là một cách xử sự văn minh như vậy.
Đa số người trẻ thường chi tiêu quá trớn, gây ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng trong tương lai của mình. Do đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần dạy dỗ, khuyên nhủ các em nên quý trọng tiền bạc và ngừng quan tâm đến những giá trị ảo như danh tiếng trên mạng hay áp lực đồng trang lứa".
Theo Trung Đức / Tuổi trẻ Thủ đô