Cuộc sống của những người bế tắc vì kì vọng của gia đình

Google News

Thế giới bí ẩn nào cho những thanh niên Nhật thích "giam" mình trong phòng, tách biệt khỏi những mối quan hệ xã hội giữa thời đại mà kết nối tạo nên sức mạnh.

Dưới đây là bộ ảnh về Hikikomori - hiện tượng tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ và từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian ít nhất là một năm. Bộ ảnh do nữ nhiếp ảnh Maika Elan thực hiện.
Maika Elan tên thật là Nguyễn Thanh Hải, sinh năm 1986, sống tại Hà Nội. Cô là nhiếp ảnh gia Việt Nam đầu tiên đoạt giải ảnh báo chí thế giới World Press Photo trong lịch sử 58 năm thành lập giải.
Nói về bộ ảnh này Maika chia sẻ: "Luôn có 2 hướng đối lập nhau. Một bên hiện đại, một bên truyền thống, một bên rất náo nhiệt, một bên rất cô quạnh.
Nhà hàng và các quán bar luôn chật kín nhưng nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy hầu như mọi người đều ăn một mình. Và trên đường, bất kể vào giờ nào, đều thấy những nhân viên đang mệt lả".
 
Fuminori Akoa, 29 tuổi, đã sống cô lập trong phòng riêng một năm nay. Chàng trai tự nhận mình là người đàn ông xuất sắc, có thể làm những điều phi thường nhưng lại không thường xuyên cố gắng hết.
"Anh ấy hay thay đổi sở thích, mục đích và thường xuyên tự nhủ bản thân là người thất bại", nhiếp ảnh gia Maika Elan chia sẻ.
Những người sống theo xu hướng hikikomori chủ yếu là nam. Họ sống dựa vào chu cấp của gia đình. Theo thống kê của Nhật vào năm 2016, có 540.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 39 sống theo xu hướng này. Con số này có thể tăng gấp đôi.
 
Riki Cook, 30 tuổi, là con lai giữa bố người Mỹ và mẹ người Nhật. Gia đình anh chủ yếu sống ở Hawaii trong khi anh sống một mình ở Nhật. "Riki lúc nào cũng cố gắng trở nên xuất sắc nhưng luôn sợ sai".
Căn phòng của Shoku Uibori, 43 tuổi, đã sống cô lập khoảng 7 năm. "Anh ấy là một doanh nhân và từng sở hữu công ty riêng nhưng đã phá sản. Anh ấy nhốt mình trong phòng cả ngày để đọc và thỉnh thoảng ra ngoài để mua đồ ăn cũng như nhu yếu phẩm ở cửa hàng tiện lợi", Elan cho hay.
Elan kết nối với Oguri Ayako, một phụ nữ Nhật làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận New Start -nỗ lực kéo những người hikikimori ra khỏi ra khỏi sự cô lập.
Theo yêu cẩu của cha mẹ những người hikikimori, Ayako thuờng liên hệ với những người sống theo xu hướng hikikomori, bắt đầu bằng những lá thư. Quá trình này diễn ra trong vài tháng, khơi gợi ở những người cô lập sự cởi mở, hồi đáp, trò chuyện qua điện thoại, giao tiếp qua cửa trước khi cho phép Ayako vào bên trong.
Mục đích cuối cùng của cô ấy là đưa họ đến nơi ở của New Start và tham gia vào chương trình đào tạo nghề nghiệp.
Ayako dẫn Elan đến gặp khoảng 11 trường hợp hikikomori khác nhau và sau khoảng 5 đến 6 cuộc gặp gỡ, những người này đồng ý cho cô chụp ảnh.
"Ban đầu tôi nghĩ họ là những người lười và ích kỷ", Elan nói. Nhưng dần dần, cô hiểu họ sâu sắc và nhạy cảm đến mức nào.
Ayako để lại lá thư trước cửa phòng của Kobayashi Haruto, 40 tuổi, người đã sống cô lập 10 năm và từ chối gặp mặt cô.
Thứ 7 hàng tuần, New Start nấu một bữa ăn để những người hikikomori có thể nói chuyện với các nhân viên và trẻ em. Sau này, nhiều người hikikomori tái hòa nhập thành công cũng quay lại giúp những người vẫn đang sống cô lập.
Hikikomori không phải hiếm gặp ở Nhật. Elan cũng chỉ ra nhiều lí do dẫn đến hiện tượng này như: sự gia tăng số lượng các gia đình sinh con một, cha mẹ đặt hết kì vọng và ước mơ vào đứa con đó, tư tưởng gia trưởng, quan niệm về vai trò mặc định của hai giới vẫn còn tồn tại.
Một lý giải khác cho hiện tượng này tại một đất nước đang chuyển từ xã hội có tư duy tập thể sang một xã hội có tính cá nhân hơn và giới trẻ đang tìm cách thể hiện cá tính riêng của họ.
"Những người hikikomori tách rời xã hội càng lâu thì họ càng có xu hướng nghĩ mình thất bại", Elan giải thích. "Họ mất đi lòng tự trọng và sự tự tin vốn có, việc rời khỏi nhà trở nên khủng khiếp còn việc nhốt mình trong phòng giúp họ cảm thấy an toàn".
Chujo, 24 tuổi, chỉ sống trong nhà được khoảng 2 năm. Cậu mơ trở thành một ca sĩ opera nhưng vì là con cả nên cậu được kì vọng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Chujo làm việc trong văn phòng một năm nhưng điều đó làm cậu cảm thấy áp lực và thường xuyên bị đau dạ dày.
Chàng trai hay so sánh bản thân với người em trai được tự do làm những gì nó thích. Buồn chán, Chujo gây rối, cộng thêm những lời trách móc từ gia đình khiến cậu cảm giác xấu hổ. Chàng trai nhốt mình trong phòng một năm trước khi bị bố mẹ bắt tham gia vào một chương trình hỗ trợ thay đổi.
Theo Duy Nam/Thế Giới Trẻ