Gặp rắc rối về quỹ thời gian
- Những ngày dịch COVID-19, công việc và cuộc sống của chị thay đổi thế nào?
- Có thể nói COVID-19 làm xáo trộn nhiều thứ, từ công việc đến cuộc sống của tôi. Trước đây, tôi vốn quen với nhịp làm việc liên tục và di chuyển thường xuyên thì thời gian này, gần như không có các chuyến công tác, việc tác nghiệp bên ngoài cũng hạn chế hơn. Cường độ làm việc, sản xuất tin bài của tôi và đội ngũ phóng viên, BTV Thời sự vẫn rất cao nhưng chủ yếu sẽ tính phương án tổ chức sản xuất làm sao để di chuyển ít nhất có thể mà vẫn đảm bảo chất lượng các nội dung phát sóng.
Việc ít đi lại khiến đôi lúc tôi có cảm giác gò bó, nhưng cũng cho tôi có thêm những khoảng thời gian riêng để chăm sóc gia đình. Nhất là dịp này, con gái nghỉ học, bé ở nhà cả mấy tháng nên tôi cũng cần sắp xếp để lo ăn uống, kèm cặp bé học online. Ban đầu thì khá rắc rối về vấn đề cân đối quỹ thời gian dành cho công việc và thời gian cho con, nhưng tôi đã nhanh chóng tổ chức được những xáo trộn theo trật tự mới.
- Những ngày qua, khi cả nước gồng mình chống dịch, có nhiều hình ảnh gây xúc động. Hình ảnh nào lưu lại nhiều cảm xúc nhất với chị?
- Có lẽ không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều rất trân trọng hình ảnh các y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội đã và đang ngày đêm hi sinh sức khoẻ, hạnh phúc riêng để cống hiến ở tuyến đầu và các điểm nóng, chốt trực trong cuộc chiến với COVID-19. Họ không ngại hiểm nguy, ăn gió nằm sương để dành cho người dân những điều tốt đẹp nhất giữa hoàn cảnh dịch bệnh vô cùng khó khăn.
Trong đó, khiến tôi xúc động nhất là hình ảnh Trung uý Nguyễn Đình Thông, một chiến sĩ Biên phòng tại Long An phải lập bàn thờ bái vọng cha từ đơn vị bởi không thể về để tang, làm tròn bổn phận của người con. Anh đã nén đau thương, gói lại trách nhiệm thiêng liêng với gia đình trong lòng, để thực hiện nhiệm vụ với Tổ quốc, với Nhân dân, tiếp tục công việc tuần tra chống dịch COVID-19 nơi biên giới.
- Là BTV của bản tin thời sự, chị sẽ truyền tải đến khán giả những suy nghĩ tích cực gì ở thời điểm hiện tại?
- Trong mấy tháng qua, tôi và ekip của mình đã thực hiện nhiều phóng sự và các chuyên đề thể hiện góc nhìn đa chiều về cuộc sống thời "Covid". Trong đó, dành rất nhiều thời lượng đề cập đến tinh thần lạc quan, ứng xử nhân văn và trách nhiệm xã hội của mỗi người, mỗi gia đình trong điều kiện khó khăn hiện hữu. Từ quan sát, những đúc rút của bản thân, tôi học được cách thích nghi theo hướng tích cực nhất. Bố mẹ tôi, hay rất nhiều người thế hệ trước vẫn thường kể với chúng ta câu chuyện "ngày xưa/ bây giờ". Và gần đây, phép so sánh quen thuộc ấy lại được nhắc đến rất nhiều.
Dù hiện tại chúng ta đang rất vất vả, khó khăn, nhưng tôi biết chắc chắn dù có thế nào cũng không thể cơ cực như cha mẹ, ông bà trước đây, phải gồng mình qua đói rét, chiến tranh. Vậy nên, không có tai ương nào là kéo dài mãi mãi, mong mọi người hãy lựa chọn "sống trong nghịch cảnh" bằng thái độ tích cực từ suy nghĩ đến hành động.
Tôi luôn cố gắng tự tìm và tạo niềm vui cho bản thân từ những việc rất nhỏ, lan toả và sẻ chia các hoạt động ý nghĩa bằng cách đóng góp, đồng hành cùng một vài chương trình từ thiện trong khả năng của mình. Và điều quan trọng nhất, chúng ta hãy tin tưởng vào nỗ lực của Chính phủ và ngành y, bởi dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.
- Ngoài giờ làm ở đài, chị sẽ ở nhà để giãn cách xã hội, điều này có khiến chị bị ngột ngạt?
- Dịch bệnh khiến tôi phải huỷ hai chuyến đi nước ngoài đã lên kế hoạch từ lâu, một số dự định phải hoãn lại. Công việc đang theo guồng, bỗng dưng lịch trình, thói quen thay đổi, ở nhà nhiều hơn, ít tiếp xúc với mọi người, lúc đầu tôi cũng không tránh khỏi cảm giác khó chịu. Dù bình thường ngôi nhà luôn là nơi mình muốn được trở về sau những lúc căng thẳng, mệt mỏi, nhưng là một người có thói quen đi lại, đã có lúc tôi bị stress với việc cứ phải luẩn quẩn, không thể thực hiện các việc mình muốn làm.
Tuy nhiên, trạng thái đó cũng nhanh chóng qua đi. Tôi lập trình cho mình chu kỳ sinh hoạt và làm việc phù hợp với bối cảnh giãn cách xã hội. Công việc vẫn bận rộn, chỉ là theo cách khác, cộng với việc chăm sóc con cái, gia đình nên tôi cũng không có thời gian dành cho những cảm xúc tiêu cực.
Không coi lời bị mắng là chảnh là thị phi
- Nhiều sao Việt đã tìm niềm vui khi ở nhà bằng cách nấu ăn, chị thì sao? Chị có phải là một người nấu ăn giỏi?
- Bình thường tôi vẫn duy trì thói quen nấu ăn ở nhà, trừ khi đi công tác hoặc công việc quá bận mới ăn ở ngoài. Bây giờ, việc nấu nướng không chỉ là thói quen hay phương pháp giải toả căng thẳng mà còn rất quan trọng để tự bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình nên tôi càng quan tâm, chăm chút các bữa ăn tại nhà hơn. Tôi không dám nhận là mình nấu ăn giỏi, nhưng cũng ở mức khá. Thời gian này tôi tăng cường thực đơn bổ sung nhiều vitamin giúp nâng cao đề kháng, thay đổi nhiều món để bữa cơm gia đình không nhàm chán mà vẫn cân đối về dinh dưỡng để tránh tăng cân vì ít hoạt động. Thấy mọi người trong nhà ăn ngon, đủ chất và an toàn cũng là niềm vui mỗi ngày của tôi.
- Khi có chuyện không vui, chị sẽ cân bằng cảm xúc ra sao?
- Đặc thù công việc nhiều áp lực nên tôi cũng rèn cho mình được khả năng tự cân bằng trong mọi hoàn cảnh. Khi gặp chuyện không vui, tôi thường thích ở đâu đó một mình để nhìn nhận sự việc và tìm cách xử lý vấn đề tốt nhất. Có lúc thì tôi chăm sóc cây cối, cắm hoa, trang trí lại nhà cửa. Tôi cũng thích đọc sách, những lúc buồn hay mệt mỏi, tôi sẽ tìm cuốn sách nào mang lại cho mình năng lượng tốt và sự lạc quan. Tôi có một người bạn rất thú vị, luôn nghĩ ra những trò giải trí để giải toả những điều không vui, đó là cô con gái nhỏ.
- Chị từng vướng phải những "thị phi" từ trên trời rơi xuống như: Bị khán giả mắng là chảnh, mạo danh facebook để chia sẻ những thông tin thất thiệt, chị trải qua cảm xúc đó thế nào?
- Đó chỉ là một vài chuyện thị phi rất nhỏ mà tôi từng gặp phải. Có những việc còn tệ hơn nhiều, nhưng không phải điều gì cũng nên nói ra. Chỉ những chuyện có thể gây ảnh hưởng đến mọi người, ví dụ như chuyện mạo danh cá nhân tôi, lợi dụng lòng tin của mọi người để làm những việc không minh bạch thì tôi mới thể hiện thái độ rõ ràng.
Còn khi bị khán giả "mắng" là chảnh, tôi không coi đó là thị phi, mà đó chính là tình cảm, sự quan tâm khán giả dành cho mình nhưng chờ đợi chưa có sự hồi đáp. Việc đó tôi cũng thấy mình có trách nhiệm phải giải thích để khán giả hiểu hơn và vẫn ủng hộ mình.
Tôi rất sợ có lỗi với những người luôn âm thầm dõi theo và yêu mến mình. Đó là động lực lớn để tôi gắn bó với nghề.
Theo Tổ quốc