Enger đã lo lắng và sợ hãi: “Cả đêm trước khi xảy ra vụ trộm, tôi cảm thấy có gì đó bên trong mình nói đừng làm thế, đừng làm thế”. Enger sợ làm hỏng bức tranh trong quá trình đánh cắp, sợ cả việc phải trở vào tù lần nữa. Nhưng cuối cùng, cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Na Uy vẫn không vượt qua được nỗi ám ảnh phải chiếm được Tiếng thét.
Bức tranh 'The Scream' từng bị Enger đánh cắp. Ảnh: Lewis Whyld.
Giờ đây, Pal Enger đã bước sang tuổi 56, ra tù sau vụ đánh cắp chấn động thế giới nghệ thuật và đang thực hiện ước mơ trở thành một họa sĩ. Pal Enger là nhân vật chính trong bộ phim tài liệu The Man Who Stole the Scream, kể về vụ trộm do mình gây ra.
Ám ảnh với ‘Tiếng thét’
“Tôi bị bức tranh ám ảnh từ lần đầu tiên nhìn thấy nó. Ngay khi bước đến gần, tôi có một cảm giác khác thường, một sự lo lắng. Những thứ kỳ lạ xuất hiện trong đầu tôi. Tôi đã có một mối liên hệ với The Scream ngay tức thì và nó không bao giờ rời bỏ”, Enger kể lại cảm giác khi lần đầu nhìn thấy một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới tại Phòng trưng bày quốc gia Na Uy ở thủ đô Oslo.
The Scream hay Tiếng thét được xem là bức tranh nổi tiếng nhất, bị sao chép nhiều nhất thế giới, sánh ngang thậm chí vượt qua cả Mona Lisa. Tác phẩm một người đang gào thét với khuôn mặt kỳ dị, 2 tay ôm đầu, phía sau là bầu trời đỏ rực được danh họa Edvard Munch vẽ vào năm 1893 thể hiện hình ảnh tuyệt vọng.
Phòng trưng bày các tác phẩm của danh họa Edvard Munch tại Bảo tàng quốc gia Oslo. Ảnh: Telegraph.
Theo Dailymail, có lẽ Enger tìm thấy sự đồng cảm với nhân vật trong tranh bởi bản thân ông khi đó là một đứa trẻ 8 tuổi, có cuộc sống không êm đềm với người cha dượng ưa bạo lực.
Pal Enger lớn lên tại Tveita khét tiếng ở Oslo vào những năm 1970 - nơi các đứa trẻ hoặc phạm tội hoặc chơi thể thao. Lúc đầu, có vẻ như ông chọn hướng thứ 2, chơi cho đội trẻ của Valerenga, trước khi lên đội A.
“Nhưng anh ấy có một số sở thích khác”, một đồng đội cũ tại Valerenga cho biết. “Pal chưa bao giờ đi tàu điện ngầm đến thành phố. Thay vào đó, anh ta sẽ ăn cắp một chiếc ôtô để thực hiện hành trình. Tất cả đều khá rắc rối bởi vì chúng tôi có một cảnh sát chơi trong đội”.
Năm 1988, Pal Enger ấp ủ kế hoạch đánh cắp The Scream cùng với một đồng bọn, nhưng âm mưu đã thất bại theo cách khó tin. Họ trộm nhầm bức tranh The Vampire của Munch, rao bán và bị cảnh sát bắt giữ.
Trong 4 năm ngồi tù, Enger vẫn không từ bỏ ý định đánh cắp The Scream. Người đàn ông này dành nhiều thời gian để học hỏi bạn tù về kỹ thuật trộm cắp. "Tôi đã học được rất nhiều trong tù. Các tù nhân khác gọi tôi là 'Người đàn ông hỏi' bởi vì tôi luôn đặt câu hỏi. Có lẽ trước đó tôi là một tội phạm bình thường nhưng khi ra tù, tôi đã là một chuyên gia”, ông kể lại trong bộ phim tài liệu The Man Who Stole the Scream.
Vào một ngày định mệnh năm 1994, hầu hết lực lượng cảnh sát Oslo đã tập trung bảo vệ an ninh cho Thế vận hội Mùa đông, diễn ra tại Lillehammer. Đầu giờ sáng, Enger cùng đồng phạm bắc thang vào Phòng trưng bày Quốc gia, phá cửa sổ, lấy trộm bức tranh và để lại một mảnh giấy ghi 'cảm ơn vì an ninh kém'. Tất cả diễn ra trong vòng 50 giây.
Enger mừng rỡ khi đạt được ước mơ sở hữu The Scream. "Khi có được nó, tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy rất tốt, giống như đang đi bộ cách mặt đất 1m. Tôi cảm thấy thật mạnh mẽ”.
Từ tên trộm kiêu ngạo đến mơ ước trở thành họa sĩ thực thụ
Vụ trộm lập tức gây chấn động Na Uy và phần còn lại của thế giới. Cảnh sát nghi ngờ Enger nhưng không có bằng chứng. Ông kiêu ngạo, chế giễu lực lượng chức năng bằng một mẩu tin trên tờ báo rằng đứa con trai mới sinh của mình đã chào đời “với một tiếng thét”.
Clare Beavis, nhà sản xuất của Curve Films, cho rằng mục tiêu kép của Enger là không bị bắt vì tội trộm cắp nhưng lại được thán phục vì sự táo bạo. Đó là một trong số rất nhiều “mâu thuẫn hấp dẫn trong tính cách của ông ấy”.
Sau khi cuộc điều tra của cảnh sát Na Uy đi vào ngõ cụt. Họ nhờ đến sự trợ giúp từ lực lượng Art Theft của Scotland Yard. Vào thời điểm này, những người có liên hệ với Enger trong giới tội phạm đã nghe nói về số tiền thưởng lớn, bắt đầu quấy rối ông và gia đình.
Một đồng phạm của Enger liên hệ với giới buôn tranh Na Uy để tìm cách bán bức The Scream. Cơ hội đến, thám tử chìm giàu kinh nghiệm Charley Hill đóng giả người đại diện của Bảo tàng nghệ thuật Getty ở California hỏi mua. Dù lo lắng đây là cái bẫy của cảnh sát, Enger vẫn giao tranh cho đồng phạm Bjorn Grytdal đi bán vì quá mệt mỏi với trò mèo vờn chuột.
“Tôi cảm thấy chịu đựng đủ lâu rồi. Tôi hoàn toàn tự tin cảnh sát không có bằng chứng nào để buộc tội mình. Vì vậy, người duy nhất có thể bị tóm là Bjorn”, Enger cho biết.
Ba tháng sau vụ trộm, cảnh sát thu hồi bức tranh nhưng Enger không thoát tội như ông đã nghĩ. Ngược lại, trong 4 người đàn ông phải ra tòa về tội đánh cắp The Scream, Enger là người duy nhất bị tuyên 6 năm 3 tháng tù giam vào năm 1996. Các đồng phạm khác đều trắng án.
Enger đã đạt được danh tiếng - hay chính xác hơn là tai tiếng - mà ông hằng khao khát. Nghịch lý là trong bộ phim tài liệu The Man Who Stole the Scream ông thậm chí xem việc bị kết tội ăn cắp The Scream như một huy hiệu danh dự. “Một điều tôi thích là không ai khác bị kết án và không ai khác được ghi nhận vì vụ trộm. Đó là câu chuyện của tôi”.
Theo Telegraph, những năm tháng tiếp theo là thử thách lớn dành cho Enger. Hôn nhân của ông tan vỡ, không tìm được nơi ở cố định và vừa mãn hạn tù lần nữa vì một vụ trộm từ nhiều thập kỷ trước.
Hiện tại Enger quyết tâm làm lại cuộc đời, kiếm sống bằng nghệ thuật với những tác phẩm lấy cảm hứng từ phong cách hội họa của Munch.
“Giờ đây tôi cố gắng thể hiện bản thân trong hội họa”, ông nói về dự định mới. Enger hy vọng sẽ tổ chức một triển lãm, trưng bày 30 tác phẩm vào dịp Giáng sinh. Khi được hỏi sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó lấy trộm một trong những tác phẩm của mình, ông thừa nhận: “Thực ra tôi chưa nghĩ đến điều đó”.
Theo Nguyễn Hiếu/Vietnamnet