Với tốc độ phát triển của Internet và sự ra đời của các ứng dụng chuyên về video, tầng lớp lao động chân tay ở Trung Quốc đang tìm kiếm nội dung giải trí và xây dựng văn hóa của họ trên các nền tảng trực tuyến, theo Sixth Tone.
Những năm về trước, nhóm lao động nghèo làm việc tại các khu công nghiệp ở Trung Quốc chỉ biết tìm đến các dịch vụ truyền thống như karaoke giá rẻ, quán cà phê để giải trí sau giờ làm. Đây được coi là cách họ cân bằng đời sống tinh thần sau nhiều giờ làm việc kéo dài trong nhà máy.
|
Với sự phát triển của Internet, tầng lớp lao động chân tay ở Trung Quốc cũng trở thành người sáng tạo nội dung. |
Nhưng sự gia tăng của các ứng dụng quay video như Kuaishou và Douyin trong các năm gần đây, nhóm lao động chân tay cũng gia nhập đội ngũ sáng tạo nội dung trên mạng, trở thành các vlogger, streamer.
Hàng trăm triệu công nhân từ các ngành công nghiệp khác nhau trên khắp đất nước từ đó kết nối với nhau dễ dàng. Nhiều người lao động nhập cư còn trở thành các nhà văn mạng, viết về cuộc sống của người dân nghèo dưới góc nhìn của họ.
Tác giả tên Fan Yusu, vốn làm nghề giúp việc cho các gia đình, thậm chí còn thu hút lượng độc giả trải khắp các tầng lớp xã hội.
Manuel Geng, một thợ sửa ôtô và thợ hàn, từng làm việc tại Bắc Kinh trước khi trở về quê nhà và bắt đầu quay đều đặn, tải lên thường xuyên các clip anh thể hiện kỹ năng nghề nghiệp của mình.
"Nghề nghiệp tôi vốn gắn bó nhiều năm nay là điểm sáng thu hút, gây tò mò nhất cho người xem", Geng cho hay.
|
Tuy nhiên, những clip sáng tạo nội dung của nhóm lao động nghèo thường bị chế giễu, cười cợt. Ảnh: Sixth Tone. |
Một trong những cộng đồng trực tuyến nổi tiếng nhất của tầng lớp lao động Trung Quốc là nhóm các tài xế xe tải ở khắp đất nước.
Hàng triệu tài xế dành thời gian nghỉ ngơi và những lúc rảnh rỗi để lên Douyin và Kuaishou để kết bạn với những người khác trong nghề - các đồng nghiệp mà họ có thể rất hiếm khi gặp.
Năm ngoái, vào thời điểm bùng phát dịch Covid-19 ở thành phố Vũ Hán, chính nhóm tài xế quen nhau trên mạng này đã tập hợp trên Douyin để họp bàn, chuyển rau tươi từ nơi khác đến tiếp tế cho tâm dịch.
Tuy nhiên, theo Wang Hongzhe - giáo sư tại Trường Báo chí và Truyền thông của Đại học Bắc Kinh, số đông vẫn còn tồn tại những suy nghĩ thiếu tích cực về những người dân lao động nghèo khi thấy họ cũng gia nhập "cuộc vui" trên mạng xã hội.
Giáo sư Wang đưa ra ví dụ mỗi khi các nội dung do nhóm lao động nghèo sáng tạo ra được truyền thông Trung Quốc tiếp nhận và phát sóng lại, chúng thường đi kèm với các cụm từ miêu tả "vô vị" như "truyền cảm hứng", "ấm lòng" hay "cảm động".
Trên mạng xã hội Weibo, câu chuyện còn diễn ra theo cách xấu hơn khi nhiều người chia sẻ lại các video với thái độ giễu cợt, thiếu tôn trọng. Những người lao động nghèo trở thành đối tượng để trêu chọc, bị cười nhạo bởi công việc hay tính cách đơn giản, phong cách ăn mặc của họ.
Theo Zing