Mới đây, một toà án ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã liệt kê một số trường hợp con kiện cha mẹ vì tiền lì xì trên trang Weibo chính thức. Chủ đề này làm dấy lên tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng mạng.
|
Ảnh minh hoạ. |
Vụ kiện gần đây nhất liên quan đến một nữ sinh viên đại học, đến từ tỉnh Vân Nam. Theo đó, nữ sinh này, được gọi là Juan, đã kiện cha mẹ ruột vào năm 2016, với cáo buộc cặp phu huynh đã lấy 58.000 nhân dân tệ (hơn 200 triệu đồng) từ các phong bao lì xì mà cô nhận được trong nhiều năm.
Được biết, Juan bị đuổi học do không đóng học phí. Trong khi cha mẹ của cô đã ly hôn.
Tại phiên xét xử, toà đã đứng về phía Juan, ra phán quyết buộc cha mẹ cô phải trả 1.500 nhân dân tệ (khoảng 5,4 triệu đồng)/tháng.
Ở trường hợp khác, một nam giới, cùng với 3 người con đang ở tuổi vị thành niên, đã kiện vợ (mẹ của 3 đứa trẻ) đã lấy số tiền lì xì 560.000 nhân dân tệ (hơn 2 tỷ đồng) mà nguyên đơn tuyên bố là thuộc về các con.
Toà án ở Nhạc Thanh, tỉnh Chiết Giang – quê của bị đơn, phán quyết, người vợ đã chiếm đoạt số tiền, vốn của bà nội cho 3 đứa bé vào năm 2012, khi cặp vợ chồng ly hôn. Người mẹ buộc phải trả lại tất cả số tiền, kèm lãi suất, cho 3 đứa trẻ.
Tặng tiền lì xì là một truyền thống của Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Đây là “tiền may mắn”, được bỏ trong phong bao màu đỏ, do người lớn đã lập gia đình tặng cho trẻ em và những người trẻ tuổi chưa lập gia đình. Tuy vậy, trong nhiều gia đình ở Trung Quốc, cha mẹ thường thay các con nhỏ giữ khoản tiền này.
Toà án Tế Nam cho biết, việc đưa phong bao lì xì là một hành động cho, và người nhận hành động đó là đứa trẻ, do đó, tất cả các quyền liên quan đến các phòng bao lì xì đều được chuyển giao cho đứa trẻ.
“Mặc dù trách nhiệm pháp lý của người dám hộ là quản lý và bảo vệ tài sản của những người nhận sự chăm sóc của họ, họ không có quyền lạm dụng. Cha mẹ phải nói rõ với con cái rằng, họ chỉ giữ tiền thay, chứ không lấy nó đi. Số tiền này vẫn thuộc quyền sở hữu của đứa trẻ đã nhận nó”, trích tuyên bố trên Weibo.
Sau khi thông báo trên được đăng tải, cư dân mạng Trung Quốc lập tức đưa ra nhiều ý kiến không đồng tình với kết luận của toàn án. Đa số xem việc cha mẹ giữ tiền thay con là lẽ dĩ nhiên.
“Thành thực mà nói, mọi người cho chúng tôi phong bao lì xì vì bố mẹ tôi cũng làm điều tương tự, vì vậy điều đó hoàn toàn công bằng”, một cư dân mạng lên tiếng.
“Nhiều cha mẹ nghĩ trẻ em là tài sản riêng của họ, vì vậy tất nhiên họ sẽ giữ luôn khoản tiền mừng tuổi”, một bình luận cho hay.
Trong khi đó, một bình luận khác nhận được hơn 300 lượt thích, với nội dung: “Hãy nói với mẹ rằng việc lấy tiền lì xì của bạn là bất hợp pháp. Thử xem bà ấy có mắng bạn không”.
Theo Tú Oanh/Tiền Phong