Sự thật về vợ chồng cô gái mù trong chương trình Điều ước thứ 7 của VTV ngày 10/1 làm dư luận dậy sóng mấy ngày gần đây. Khán giả rơi nước mắt vì thương cảm và cả vui sướng trước một câu chuyện cổ tích giữa đời thực: Cô gái Nguyễn Như Đào (quê Anh Sơn, Nghệ An) mất thị lực từ lúc chào đời, từ thuở thơ ấu chỉ có âm nhạc làm bạn, đã cùng chàng trai trẻ tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Nguyễn Nhật Thanh (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) vượt qua định kiến để thành vợ thành chồng. Đôi trẻ sống bằng nghề hát rong và luôn ước thi Sao Mai Điểm hẹn nên đã đặt tên con gái là Sao Mai. Ước mơ của họ đã được chương trình Điều ước thứ 7 giúp biến thành hiện thực: Thanh đã được đứng trên sân khấu Sao Mai Điểm hẹn hát cho vợ nghe.
|
Thanh và Đào trong chương trình Điều ước thứ 7. |
Những rung cảm đẹp đẽ của khán giả về câu chuyện chưa lắng xuống thì sự thật xấu xí hiện ra: Câu chuyện của Đào và Thanh là bịa đặt. Theo đó, Thanh học chưa hết cấp 3 và đã có vợ (không phải Đào) cùng 2 con ở Thanh Hóa. Và trong thời gian được cho là đang hành nghề hát rong ở Huế, Đà Nẵng cùng Đào, anh ta đang ở quê với bố mẹ. Điều này khiến dư luận phẫn nộ vì cho rằng VTV đã dàn dựng chương trình, lừa dối khán giả.
Trả lời báo chí, đạo diễn chương trình Điều ước thứ 7 Lại Bắc Hải Đăng tiết lộ, trước khi chương trình phát sóng, nhân vật Thanh gọi điện thông báo đã có vợ con. Còn chị Đào tuyên bố điều đó không đúng sự thật, Thanh nói vậy để chương trình đừng phát sóng bởi họ giận nhau và đã chia tay. Ít lâu sau, "cặp vợ chồng" này lại xin lỗi và bày tỏ nguyện vọng thấy chương trình lên sóng. Cũng theo đạo diễn Hải Đăng, VTV3 đã yêu cầu BTV Diệp Chi về nhà anh Thanh thẩm định lại thông tin. Nhưng vì quá tin tưởng nhân vật, BTV này chỉ xác minh qua điện thoại, và số điện thoại cũng do nhân vật cung cấp. Và khán giả truyền hình đã được thưởng thức một câu chuyện bịa đặt để rơi nước mắt nhầm vì nó.
Cho dù người đứng đầu chương trình đã nhận sai và xin lỗi, công chúng vẫn không thể ngăn cảm giác ngán ngẩm vì sai sót sơ đẳng tưởng như không thể có của nhà đài, để một vở kịch dối trá được dựng lên lừa khán giả cả nước. Vụ này làm người ta nhớ đến một sự cố nghiêm trọng không kém của VTV cách đây 3 năm, khiến cho uy tín của đài sụt giảm nghiêm trọng, đó là chuyện cô Lượm của chương trình Người xây tổ ấm phát sóng năm 2011.
|
"Lượm" trong chương trình Người xây tổ ấm năm 2011. |
Trong chương trình trên, nữ nhân vật tên Lượm kể rằng mình là trẻ bị bỏ rơi, sống nhờ lòng từ thiện của người lạ, lớn lên bị phụ tình, làm mẹ đơn thân nuôi đứa con trai bị bệnh tim. Để nuôi con, cô thậm chí đã phải hành nghề bán hoa, bị lừa mua ma túy nên bị bắt giam mấy tháng. Thương người mẹ đau khổ, rất nhiều nhà hảo tâm muốn giúp đỡ tiền bạc và hứa xin việc cho Lượm.
Nhưng sau đó, người dân thị trấn Thuận An (Huế) tố giác Lượm chính là Trần Thị Thùy Dương, có bố mẹ, chồng con hẳn hoi, điều kiện gia đình khá giả. Sự thật này khiến dư luận bàng hoàng, và bàng hoàng hơn khi biết rằng VTV cũng bị lừa vì không thẩm định thông tin.
Vụ cô Lượm khiến VTV bị Bộ Thông tin – Truyền thông xử phạt 18 triệu đồng và bị mang tai mang tiếng suốt một thời gian dài. Những tưởng với kinh nghiệm xương máu đó, sự cố tương tự không thể xảy ra nữa, thế nên khán giả truyền hình đã vô cùng sốc khi xảy ra vụ vợ chồng mù của Điều ước thứ 7. Người ta không thể không lắc đầu ngao ngán trước những điểm giống nhau giữa hai vụ việc, mà điểm dễ nhận thấy là VTV lặp lại cùng một sai lầm: không xác minh, thẩm định thông tin, hoàn toàn nghe theo lời kể của nhân vật.
Trong cả 2 trường hợp, khán giả truyền hình đều xúc động khôn xiết trước câu chuyện thương tâm về một cảnh đời éo le, khốn khổ. Cô Lượm và cặp vợ chồng mù đều tạo một hiệu ứng lớn trong công chúng, làm rơi bao nhiêu giọt nước mắt cảm thông. Nếu không phải là bịa đặt, hai câu chuyện này đều có thể coi là điển hình của tinh thần vượt qua nghịch cảnh, và hiệu ứng cộng đồng sau khi phát sóng là minh chứng đẹp đẽ cho tinh thần tương thân tương ái, cho tình đồng loại, nghĩa đồng bào của người Việt. Nhưng buồn thay, trong cả 2 trường hợp, khán giả đều bị lừa và cảm thấy bị xúc phạm khi đã xót thương nhầm, xúc động nhầm.
Một điểm chung khá chua chát nữa là trong cả 2 trường hợp, VTV, với cả đội ngũ nhà báo nghiệp vụ cao cùng phương tiện thu thập thông tin cực tốt, đều bị lừa dối bởi những con người có học vấn rất hạn chế. Cô “Lượm” và anh Thanh đều học chưa hết cấp 3. Lượm buôn bán ở chợ, còn Thanh kiếm sống bằng nghề đánh cá. Dù không thật thà, có lẽ họ chẳng đủ mưu mô xảo quyệt để qua mặt VTV nếu nhà đài điều tra cẩn thận. Nhưng vì điều đó không xảy ra, nên màn kịch vụng về của họ vẫn được thuận buồm xuôi gió lên “sân khấu”.
Sau mấy ngày xảy ra sự cố, hiện khán giả vẫn chờ đợi để xem VTV xử lý sự cố này ra sao, và liệu cuộc sống của những người vô tội như bố mẹ, vợ con anh Thanh có bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự lừa dối của người thân hay không.
Thảo Anh