Lễ hội mùa Thu “Huế vào thu” (từ tháng 7 - 9) nằm trong chuỗi sự kiện Festival Huế 2023 với điểm nhấn là Lễ hội Áo dài kết hợp các hoạt động tham quan làng nghề, các khu di tích và các hoạt động trưng bày... giúp du khách hiểu hơn về văn hóa, truyền thống nơi đây.
Làng hương Thủy Xuân
Thủy Xuân được biết đến là làng hương lớn nhất ở Huế hiện nay. Tọa lạc trên đường Huyền Trân Công Chúa cách khu trung tâm thành phố khoảng 7-8 km nhưng nơi đây lại rất thuận tiện để du khách có thể kết hợp ghé tới 2 địa điểm du lịch ở gần đó là lăng Tự Đức và đồi Vọng Cảnh.
Ghé thăm ngôi làng hương Thủy Xuân, du khách sẽ có dịp trầm trồ trước những bông hoa hương muôn sắc màu và ngập tràn trong mùi hương trầm thơm ngát. 7-8 năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, làng hương Thủy Xuân trở thành một điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến để ngắm khung cảnh của những mái nhà cổ và xem các nghệ nhân nơi đây làm hương.
Khung cảnh đầy màu sắc tại làng hương Thuỷ Xuân. Nguồn: Vin Wonders
Thời gian lý tưởng nhất để đến thăm làng hương Thuỷ Xuân là vào mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm). Bởi đây là thời điểm mùa khô, có nắng nóng nên người dân làng thường đem hương ra ngoài phơi khô. Do đó, khung cảnh làng hương càng trở nên đẹp và nhiều màu sắc rực rỡ hơn. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên Đán do có nhiều người tìm đến để mua hương nên khung cảnh tại đây cũng trở nên sầm uất hơn thường ngày.
Đến với làng hương Thủy Xuân du khách sẽ được tìm hiểu và tận mắt chứng kiến những công đoạn làm hương. Trước đây, hương Thuỷ Xuân vốn chỉ có hai màu nâu và đỏ, nhưng để bắt mắt hơn, những người thợ đã tìm cách phối thành nhiều màu để nhuộm, xếp thành từng chùm, tỏa ra như những đóa hoa đẹp rực rỡ, khiến bao du khách chiêm ngưỡng phải xốn xang.
Làng hương Thuỷ Xuân mở cửa đón khách từ 7h00 – 19h00, từ thứ 2 đến Chủ Nhật. Du khách có thể đến đây vui chơi, chụp ảnh, ngắm cảnh miễn phí hoàn toàn.
Làng nón
Từ lâu, chiếc nón lá đã được xem là một biểu tượng đẹp gắn với hình ảnh của xứ Huế thơ mộng và địa phương này cũng là nơi sản xuất nón lá lớn của cả nước. Nghề làm nón có nguồn gốc từ làng quê Tây Hồ thuộc huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua nhiều năm phát triển, đến nay đã có không ít làng đi theo nghề này như: Dạ Lê, Phủ Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa…
Duyên dáng nón lá Huế bằng phương pháp thủ công. Nguồn: Baothuathienhue.vn
Đến tham quan làng nghề làm nón lá ở Huế, du khách sẽ được tìm hiểu các quy trình để tạo nên một chiếc nón lá duyên dáng và tinh tế từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, nhằm hoàn thiện chiếc nón đến bước cuối cùng là đánh bóng bảo quản… công phu và tỉ mỉ.
Du khách đến Huế và có mong muốn thăm làng nghề làm nón có thể đến làng Tây Hồ (xã Phú Hồ), làng Mỹ Lam (xã Phú Mỹ), làng Phủ Cam,… Trong đó, Tây Hồ là cái tên nổi bật nhất bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng. Nhiều người thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, lưu tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm, giá cho mỗi chiếc nón lá từ 30.000 – 60.000 đồng.
Phường Đúc
Nghề đúc đồng là nghề truyền thống lâu đời của người Việt nói chung và người Huế nói riêng. Ngày nay, ở Huế có một làng nghề đúc đồng nổi tiếng đó là “phường Đúc” nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ cách thành phố Huế khoảng 3km về phía Tây Nam.
Nghệ nhân đúc đồng tại Huế. Nguồn: Sưu tầm
Đến thăm phường Đúc, du khách có cơ hội chứng kiến công đoạn của người thợ đúc tạo nên các sản phẩm bằng đồng tinh xảo như đồ thờ cúng, phù điêu hay tranh bằng đồng. Thậm chí, nhiều du khách còn đặt mua những sản phẩm đồng của phường Đúc về để trưng bày tại nhà khi ghé thăm nơi đây.
Làng hoa giấy Thanh Tiên
Lâu năm không kém làng nghề đúc đồng chắc hẳn phải nhắc đến làng nghề làm hoa giấy truyền thống Thanh Tiên. Đây là vùng đất nổi tiếng về nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa sen. Làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã xuất hiện cách đây hơn 300 năm. Vào tháng Chạp hàng năm, làng nghề này lại rộn rã khách tới mua để về trưng trong nhà dịp Tết.
Làng hoa giấy Thanh Tiên luôn có những bí quyết làm hoa giấy chất lượng và cổ xưa nhất. Để tạo nên những bông hoa có màu sắc và hình dạng đặc biệt, người nghệ nhân đã bỏ ra không ít công sức và bí quyết riêng.
Những cành hoa giấy hoàn chỉnh của nghệ nhân ở làng hoa Thanh Tiên. Nguồn: Báo Người lao động
Làng hoa giấy Thanh Tiên được xem là điểm đến du lịch quen thuộc và đặc trưng tại xứ Huế. Chính vì vậy nhiều du khách hứng thú bởi những bông hoa mỹ nghệ đẹp mắt này. Khi đến đây, du khách có thể tự tay lựa chọn và mua cho mình những bông hoa mong muốn. Giá bán của những bông hoa này không cao, chỉ dao động từ 5.000 - 7.000 đồng một cành hoa giấy đơn giản. Còn đối với những bông hoa trang trí cầu kì hơn sẽ dao động từ 25.000- 40.000 đồng/1 bông, tùy vào kích cỡ của bông hoa.
Làng hoa giấy Thanh Tiên chỉ cách trung tâm Huế khoảng 10km, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nếu du khách muốn di chuyển từ trung tâm thành phố Huế đến làng Thanh Tiên có thể lựa chọn phương tiện di chuyển cá nhân như xe máy hoặc xe ô tô.
Khách du lịch khi đến làng hoa giấy Thanh Tiên sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị, được hòa mình vào làng hoa giấy, ngắm nhìn những nghệ nhân cùng với đôi bàn tay tỉ mỉ uốn tre, cắt và gắn từng gắn hoa vô cùng đẹp mắt.
Làng tranh Sình
Làng Sình là nơi tạo ra những bức tranh dân gian xứ Huế nổi tiếng, góp phần vào sự đa dạng và đặc sắc trong văn hóa của vùng đất Cố đô. Tranh làng Sình là dòng tranh chính phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng của người dân Huế từ bao đời nay. Sau khi cúng xong thì được đốt đi, hoá cho ông bà, tổ tiên.
Ngày nay, nghề làm tranh này vẫn còn được gìn giữ nhưng còn quá nhiều nghệ nhân làm tranh giấy tranh nghệ thuật mà chủ yếu để thờ cúng.
Tranh làng Sình vẫn thu hút du khách ghé thăm. Nguồn: Lê Huy Hoàng Hải
Di chuyển đến làng Sình có hai cách, một là chèo thuyền xuôi theo dòng sông Hương khoảng 9km, làng nằm quay mặt thẳng ra sông Hương thơ mộng, di chuyển theo cách này chủ yếu là du khách nước ngoài hoặc khách thập phương đi theo tour. Cách thứ 2 đi xe máy theo đường bộ, từ trung tâm thành phố Huế dọc theo đường Nguyễn Sinh Cung, qua cầu đến chợ Nọ rẽ trái vào đường 2.
Ghé thăm làng Sình du khách sẽ được nghe nghệ nhân kể các câu chuyện nghề, tìm hiểu nét đẹp văn hóa nghệ thuật độc đáo của loại hình hội họa này. Không dừng lại ở việc tham quan, du khách còn được trực tiếp tạo nên những bức tranh yêu thích dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Ngoài ra du khách còn có thể mua tranh về làm quà hoặc sử dụng, thông thường giá mỗi bức tranh dao động từ 15.000 – 90.000 đồng/bức tuỳ vào loại tranh thờ cúng hay tranh trang trí.
Hạ Nhiên