Gen Z ăn mặc theo xu hướng từ thời cha mẹ mình

Google News

Không chỉ được thúc đẩy bởi công nghệ và mạng xã hội, Gen Z hào hứng trở lại với thời trang Y2K (những năm 2000) còn vì sự hoài niệm và khao khát thoát ly thực tại biến động.

Gen Z an mac theo xu huong tu thoi cha me minh

 

Sinh ra trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2010, Gen Z lớn lên cùng điện thoại di động, công nghệ mới và mạng xã hội. Họ là thế hệ gắn với selfie, trào lưu video ngắn, tiêu thụ mọi thông tin giải trí, thời trang chỉ với một cú bấm.

Không có gì khó hiểu khi thế hệ này chào đón mọi xu hướng trong chốc lát và loại bỏ chúng nhanh không kém, đẩy nhanh tính chu kỳ của thời trang.

Giờ đây, xu hướng thời trang Y2K từ đầu những năm 2000 đang lên ngôi mạnh mẽ nhờ Gen Z. Thời trang hoài cổ không phải hiện tượng mới, nhưng niềm đam mê của thế hệ này với thời trang những năm 2000 không đơn thuần là sự xoay vòng của trào lưu cũ.

Theo L’Officiel, nhiều nhà mốt như Marine Serre, Balenciaga và Gucci coi thời trang là phương tiện để hoài niệm quá khứ và trốn khỏi thực tại đầy biến động, giống như cách Gen Z kết hợp những mảnh ghép của phong cách Y2K trong trang phục đương đại.

Hoài niệm quá khứ

Theo tạp chí Byrdie, khi nói đến động lực thúc đẩy của thời trang Y2K, các chuyên gia đều đồng tình rằng đó là sự pha trộn giữa hoài niệm, truyền thông xã hội và tiến bộ công nghệ.

Trong khi millennials bắt nhịp với xu hướng những năm 1990, Gen Z lại tìm thấy hứng thú với thời trang Y2K.

Gen Z an mac theo xu huong tu thoi cha me minh-Hinh-2

Y2K trở thành trào lưu phổ biến cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, với tư tưởng theo đuổi tương lai thông qua trang phục.

Từ viết tắt Y2K (Year 2000) được tạo ra bởi nhà lập trình viên David Eddy vào năm 1995. Nó vốn là tên của thảm họa máy tính Y2K (hay thường gọi là “sự cố Y2K”), xảy ra vào thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000 khi hệ thống máy tính toàn cầu được cho sẽ sụp đổ.

Thời đó, đối với nhiều người, năm 2000 bắt đầu một kỷ nguyên mới, nhưng với những người khác, nó là ngày tận thế. Vì vậy, văn hóa thời trang Y2K, kéo dài từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, gắn với tư tưởng theo đuổi tương lai thông qua quần áo.

Giao thừa năm 2000 là thời khắc hồi hộp nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, cuối cùng mọi thứ diễn ra trong êm đẹp. Không có sự cố nghiêm trọng nào được ghi nhận, không một vụ nổ bom hạt nhân hay hệ thống giao thông nào tê liệt như mọi người vẫn lo lắng.

Gen Z an mac theo xu huong tu thoi cha me minh-Hinh-3

Gen Z quay lại với thời trang Y2K vì sự hoài niệm và muốn trốn thoát thực tại biến động. Ảnh: The Vou.

Thời trang Y2K trở lại từ khoảng năm 2019, bùng nổ mạnh mẽ vào 2 năm sau đó, đúng thời điểm có nhiều biến động xảy ra vì đại dịch.

Nó chứa đựng niềm khát khao quay về thời điểm mà mối đe dọa về “kỷ nguyên cuối cùng” hóa ra chẳng là gì cả.

Clare Varga, trưởng bộ phận làm đẹp của công ty dự báo xu hướng WGSN, nói rằng: “Trong thời kỳ hỗn loạn, người tiêu dùng thường quay về quá khứ để tìm kiếm sự thoải mái”.

Vì tâm lý này được áp dụng trong ngành may mặc, những nhà nghiên cứu lịch sử thời trang đã gọi cảm giác hoài cổ này là “chu kỳ 20 năm”.

Theo tạp chí L’Officiel, cả millennials và Gen Z đều có xu hướng tìm về với quá khứ, càng chứng minh tính xoay vòng của thời trang.

Đối với thế hệ millennials, những người trưởng thành trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, họ muốn hướng về một xu hướng cũ mình từng trải qua thay vì tạo ra một thứ hoàn toàn mới.

Đây cũng được xem là thập kỷ thống trị của những thiết kế tối giản, thân thuộc.

Trong khi đó, Gen Z lại muốn những gì sặc sỡ, lấp lánh hơn.

Những chiếc kẹp hình bướm màu mè, áo khoác nỉ và kính râm màu - từng là xu hướng cách đây hơn 20 năm - giờ đây tràn ngập mạng xã hội.

Ca sĩ Dua Lipa, sinh sớm hơn vài năm để được công nhận là Gen Z, nhưng đang là thần tượng của thế hệ này, đã tái hiện kiểu tóc tẩy huyền thoại gợi nhớ đến Christina Aguilera.

Những e-boy và e-girl tự tin với móng tay sơn bóng, diện áo len dệt kim và crop-top, đến mức nhà mốt Celine đã đặt tên cho bộ sưu tập mới nhất là “The Dancing Kid”, với những thiết kế đậm chất “năm 2000”.

Gen Z an mac theo xu huong tu thoi cha me minh-Hinh-4

Gen Z an mac theo xu huong tu thoi cha me minh-Hinh-5

Ca sĩ Dua Lipa (bên phải) tái hiện mái tóc gợi nhớ đến phong cách của Christina Aguilera.

Thoát khỏi thực tại biến động

Sự hỗn loạn của các sự kiện toàn cầu trong hai năm qua, đặc biệt là đại dịch Covid-19, đã chuyển nhu cầu của người tiêu dùng sang “chủ nghĩa thoát ly” và các sản phẩm thời trang nhắc nhở họ về thời đại tốt đẹp hơn, vô tư hơn.

Joyce Sseguya-Lwanga, một người sáng tạo nội dung có nghiên cứu về phong cách Y2K, nói rằng: “Xem xét thế giới chúng ta đang sống, tôi tin mọi người muốn có một hình thức thoát ly”.

Mỗi thế hệ đều phải đấu tranh với những vấn đề mới. Nhưng sự bùng nổ của truyền thông xã hội, điện thoại thông minh, trò chơi điện tử đã thúc đẩy trải nghiệm của Gen Z với tốc độ nhanh và đáng sợ chưa từng có.

Trong khi thế hệ millennials trở về với thời trang thập niên 1990 vì hoài niệm cá nhân, Gen Z còn đến với phong cách Y2K vì khía cạnh thẩm mỹ.

Ngày nay, Gen Z được biết đến là thế hệ có nhận thức cao về tính bền vững và thay đổi xã hội. Điều này dẫn đến sự phát triển của thị trường đồ cũ, giúp các cửa hàng bán đồ vintage online bùng nổ.

Gen Z an mac theo xu huong tu thoi cha me minh-Hinh-6

Phong cách Y2K được nhiều ngôi sao lăng xê.

Depop, ứng dụng bán quần áo cũ trực tuyến, có hơn 90% dưới 26 tuổi và có tới ⅓ số người dùng trong khoảng 16-24 tuổi. “Y2K” đã trở thành hashtag phổ biến nhất trên Depop, thể hiện tiềm năng của thị trường trang phục giai đoạn này, với những bộ đồ thể thao Juicy Couture, quần bò cạp trễ hay phụ kiện lấp lánh từng thống trị vào những năm 2000.

Mina Le, một người thuộc Gen Z chuyên nghiên cứu lịch sử thời trang, lưu ý rằng mạng xã hội đã thúc đẩy xu hướng này lan truyền nhanh hơn. Khả năng kết nối và lan truyền thông tin đã giúp xu hướng Y2K bùng nổ.

“Người trẻ tiếp xúc với các xu hướng mới dễ dàng và nhanh hơn bao giờ hết. Hơn nữa, với khả năng lưu trữ của Internet, chúng ta có nhiều tài nguyên hơn. Tôi có thể dễ dàng tìm ảnh của Paris Hilton từ năm 2001 hoặc Lindsey Lohan năm 2005. Còn có vô số blog và tài khoản Instagram ghi lại các lựa chọn thời trang của họ cũng như các buổi biểu diễn trên sàn diễn thời đó”.

Gen Z an mac theo xu huong tu thoi cha me minh-Hinh-7

Sự phát triển của mạng xã hội giúp trào lưu thời trang những năm 2000 lan truyền trở lại, song cũng sẽ đẩy nhanh chu kỳ xoay vòng của nó. Ảnh: LuxLife.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, không chắc thời trang hoài cổ sẽ tồn tại lâu dài. Cả Sseguya-Lwanga và Le đều đồng ý rằng mạng xã hội duy trì xu hướng này cũng sẽ kéo theo sự sụp đổ của nó.

“Truyền thông xã hội đã dẫn đến sự bão hòa của các xu hướng. Mọi người đang cảm thấy mệt mỏi khi nhìn thấy những bộ quần áo giống nhau, lặp đi lặp lại trên các nền tảng. Mạng xã hội cũng tạo ra ảo tưởng rằng xu hướng này có ở khắp mọi nơi, trong khi thực sự chỉ những người có ảnh hưởng về thời trang mới thường đăng về nó”, Le nói.

Theo Đinh Phạm/Zing