Cách đây 10 năm, chị Hoàng Việt Anh và anh Trần Việt Anh (cùng 34 tuổi, ở TP.HCM) lên Đà Lạt kỷ niệm 7 năm yêu nhau. Khi đó, đi ngang qua ngọn đồi có căn nhà gỗ bỏ hoang, hai người nắm tay nhau, nói rằng cố làm việc vài năm nữa, có tiền sẽ lên thành phố sương mù kiếm mảnh vườn.
Từ đó, nơi đây giống như chốn bình yên, năm nào họ cũng cùng cả nhà lên chơi, nhưng chưa từng nghĩ sẽ sống ở đó.
Khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, các cửa hàng thời trang ở TP.HCM của vợ chồng chị Việt Anh tạm nghỉ. Họ lên Đà Lạt ghé thăm khu du lịch của bạn thân.
Vì nhiều biến cố xảy đến đột ngột, mong muốn bỏ hết tất cả để lên Đà Lạt sống bỗng trỗi dậy trong lòng cặp vợ chồng trẻ.
|
Cách đây hơn một năm, chị Hoàng Việt Anh cùng gia đình quyết định rời TP.HCM lên Đà Lạt mở trang trại.
|
“Chúng tôi không còn muốn bị bó buộc cuộc sống trong 4 bức tường ở thành phố, đồng thời mong tạo môi trường sống xanh, khỏe cho ba mẹ đã lớn tuổi và con trai. Khi chúng tôi đề xuất, cả gia đình đều lập tức ủng hộ”, chị kể.
Nghĩ là làm, cả nhà gần 10 người gồm hai vợ chồng chị Việt Anh, con trai 5 tuổi, mẹ chị, bố mẹ chồng, anh và em trai chị cùng 2 người em thân thiết khăn gói về xứ sở ngàn thông cải tạo hàng nghìn m2 đất đồi trọc thành khu vườn với gần trăm loài hoa, rau, củ xanh bạt ngàn.
“Để đạt được thành quả ngày hôm nay là cả năm trời khó khăn của những người con Sài Gòn bỏ phố về rừng. Với tôi, mọi thứ đều là trải nghiệm đáng giá”, chị Việt Anh mỉm cười nói với Zing.
Nhiều lần thất bại
Khi mới đặt chân tới Đà Lạt vào tháng 5/2020, cảm giác đầu tiên của gia đình chị Việt Anh là hoang mang.
“Nhà có người già, con nhỏ, lại ‘tay xách nách mang’ cả đại đội nên khá khó khăn để thu xếp ban đầu. Do muốn chọn môi trường sống tốt, vợ chồng tôi mất khoảng 3 tháng đi thuê nhà theo ngày, khá tốn kém”, chị kể.
Thuê 1 ha đất đồi trọc, cách trung tâm Đà Lạt 3 km, với mong muốn biến nơi này thành trang trại xanh tốt, vợ chồng chị Việt Anh bị người xung quanh nói là “điên”.
“Ban đầu, đất cằn cỗi đến nỗi cỏ mọc không nổi. Anh em chúng tôi, những con người trước kia chỉ quen ngồi làm việc với máy tính, tự mày mò lên mạng tìm hiểu, thuê xe về xới lên, phân bón toàn bộ và đem hàng trăm giống cây, hoa, lá đến rau, củ, quả về đây gieo trồng”, chị kể.
|
Từ mảnh đất đồi cằn cỗi, chị Việt Anh cùng gia đình cải tạo thành trang trại với hàng trăm loại hoa, rau, củ tươi tốt.
|
Tuy nhiên, hành trình “bỏ phố về rừng” không hề dễ dàng.
“Từng có khoảng thời gian, gia đình tôi vừa trồng cây, vừa dựng nhà mà mất trắng, hư hại rồi làm lại khoảng 4-5 lần. Tiền bạc cũng từ đó trôi đi rất nhiều. Gần Tết vừa rồi, bão lũ khiến cây nào trồng là chết, gãy, úng hết hơn nửa vườn, ai cũng nản chí. Đêm ngủ, tôi rớt nước mắt vì không biết mình đang làm đúng hay sai khi kéo cả nhà về đây chịu khổ”, chị Việt Anh nhớ lại.
Thấy “mấy đứa nhỏ ở Sài Gòn” lên mày mò kiểu gì mà trồng cây nào chết cây ấy, chưa kể còn bị người ta lừa bán cho cây thối, cây hư, bà con quanh vùng chỉ cho anh em chị Việt Anh nhiều bí quyết trồng, lựa chọn nguồn cây cho đỡ chi phí.
Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình chị cũng kiên trì, động viên nhau vượt qua khó khăn.
Kết quả, sau một năm rời TP.HCM lên Đà Lạt, chị Việt Anh tự hào khoe ngôi nhà màu xanh bơ, khu vườn xanh mướt tích hợp quán cà phê, khu cắm trại có tên Makakamp.
|
Sau một năm thất bại rồi làm lại nhiều lần, khu phức hợp trang trại - quán cà phê - khu cắm trại Makakamp của gia đình chị Việt Anh đã đi vào hoạt động ổn định.
|
Từ không biết gì về kỹ năng làm vườn, giờ đội của chị Việt Anh có thể tự ươm, nhân giống được khá nhiều cây “xịn sò” như bông Atiso, rau mint, cải kale “khổng lồ” hay vườn cẩm tú cầu rực rỡ.
“Thành quả xanh của gia đình tôi hiện tại giống như kỳ tích vậy”, chị nói.
Cực khổ bao nhiêu cũng thấy đáng
Tết 2021, gia đình chị Việt Anh mới bắt đầu ổn định nhà cửa ở Đà Lạt và công việc kinh doanh tại TP.HCM để sống trong thành phố sương mù gần như toàn thời gian.
“Tôi vẫn còn nhà ở Sài Gòn do lo xa con trai sau này có thể sẽ về đó học và việc kinh doanh vẫn tốt. Nếu không bùng dịch, mỗi tháng chúng tôi vẫn đi giữa 2 nơi để quản lý công việc”, chị Việt Anh nói.
Hiện tại, khu phức hợp trang trại - quán cà phê - khu cắm trại Makakamp của chị Việt Anh được lòng cả khách du lịch lẫn người dân Đà Lạt.
Mỗi lần khoe hình ảnh về “đứa con tinh thần” lên mạng, chị nhận được nhiều phản hồi tích cực. Thậm chí, nhiều người còn nhắn tin nhờ vợ chồng chị tư vấn thiết kế vườn.
“Chúng tôi làm mô hình thuần tự nhiên nhất có thể, không xây dựng gì thêm vì không muốn đụng chạm đến cây cối và những gì vốn có của mảnh đất này. Chúng tôi phủ xanh nơi này hoàn toàn bằng hoa, rau, củ cùng những cụm cắm trại với các tiện ích cho gia đình như khu trẻ em, trang trại organic, vườn hoa... để mọi người ở mọi lứa tuổi có thể ghé thăm, hưởng trọn vẹn cái gọi là chất riêng Đà Lạt”, chị Việt Anh nói.
Trong thời gian tới, gia đình chị sẽ quy hoạch lại để khu vườn được sắp xếp khoa học, đạt năng suất cao hơn.
|
Khu vườn của gia đình chị Việt Anh thu hút nhiều người tới tham quan, chụp ảnh.
|
Nhìn lại chặng đường đã qua, chị Việt Anh cho hay cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều từ khi “bỏ phố về rừng”, nhất là khoản tình cảm gia đình.
“Trước kia ở Sài Gòn, ai làm việc nấy, nhiều khi ăn một mâm cơm chung cũng khó. Giờ về đây, cả nhà quây quần mỗi ngày, san sẻ công việc, hỗ trợ nhau khi khó khăn. Kinh tế chắc chắn không bằng khi cả nhà còn ở Sài Gòn, nhưng tình cảm lại vẹn tròn chưa từng có. Đối với tôi, được ở cạnh người thân, gần gũi như thế này thì cực khổ và khó khăn bao nhiêu cũng thấy xứng đáng”, chị nói.
Cuộc sống hiện tại với chị Việt Anh cũng chậm hẳn, không hối hả như khi còn ở TP.HCM. Chị cho rằng một phần do con người Đà Lạt hiền hòa, ung dung mà sống nên bản thân có chút ảnh hưởng.
“Chiều chiều, các bác hàng xóm lại ra tỉa dây leo hàng rào giúp nhà tôi, rồi rôm rả chào hỏi, trò chuyện. Đó là chưa kể những người anh, chị bên nhà chồng ở Sài Gòn cứ rỗi là sẽ lên phụ thêm nếu có thời gian. Cuộc sống với tôi chưa bao giờ đáng giá đến thế”, chị hạnh phúc nói.
|
Rời thành phố ồn ào, chị Việt Anh hài lòng với cuộc sống yên bình, gắn liền với trang trại của mình ở Đà Lạt.
|
Theo Thiên Nhi/ Zing