Tập luyện 4 bộ môn trong căn phòng nhỏ
Đã hơn một tháng nay, từ khi TP. Hà Nội xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 thì gia đình anh Trần Long (42 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) nghiêm chỉnh chấp hành quy định chống dịch, không ra khỏi nhà khi không cần thiết. Mọi hoạt động thể dục thể thao ngoài trời tạm dừng, gia đình anh chuyển sang chế độ tập luyện tại nhà.
Lúc đầu, khi đề xuất ý kiến, mọi thành viên đều không nhiệt tình hưởng ứng, nhất là các con. Các bé vùng vằng dỗi hờn, đòi xuống chung cư để đánh cầu lông, chơi đá bóng. Tuy nhiên, anh chị đã nhẹ nhàng giải thích cho các con hiểu đó là việc làm không an toàn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh, ảnh hưởng sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Cứ đến 5h chiều, mọi thành viên đều có mặt tại phòng khách để cùng nhau rèn luyện thể dục thể thao.
Anh Trần Long chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Lúc đầu, hai đứa nhà tôi vùng vằng, phụng phịu không chịu tập thể thao. Các con suốt ngày xem ti vi, điện thoại, chơi game khiến vợ chồng tôi lo lắng. Tôi sợ xem thiết bị điện tử quá lâu sẽ gây nghiện, ảnh hưởng đến trí não và đôi mắt. Nỗi lo lớn hơn là khi các con đi học trở lại sẽ không quen với chế độ sinh hoạt cũ, đồng hồ sinh học bị thay đổi gây ảnh hưởng xấu đến việc học tập. Vậy là tôi và vợ lên kế hoạch thu hút các con rèn luyện thể chất”.
Đúng 17h, mọi thành viên gác lại việc riêng để tham gia tập luyện. Anh Trần Long kê gọn bộ salon để có không gian tập luyện rộng rãi. Phòng khách rộng vỏn vẹn 25m2 nhưng diễn ra tới 4 bộ môn: Gym, chạy bộ, aerobic, yoga. Không gian tuy chật chội nhưng dần dần, mọi người cũng thích nghi.
Chị Diệu Thúy (vợ anh Trần Long) hào hứng chia sẻ: “Tôi là nhân viên văn phòng, công việc cơ quan rất áp lực. Khi về nhà lại vội vàng cơm nước, dạy các con học bài nên ít có thời gian rèn luyện thể dục. Trước đây, tôi có đăng ký những lớp học aerobic nhưng rồi bỏ cuộc giữa chừng. Đi làm về mệt mỏi, tôi ngại việc di chuyển tới phòng tập”.
“Từ khi Chỉ thị 16 ban hành, cơ quan làm việc online, tôi quyết tâm dành một tiếng mỗi ngày để đốt cháy mỡ thừa. Bên cạnh đó, được ông xã động viên giúp tôi thêm phấn chấn, hào hứng. Cứ đúng giờ là ông xã mang chiếc gương từ phòng ngủ ra phòng khách để tôi có thể xem và chỉnh sửa đúng động tác. Còn hai con thì chạy lăng xăng lấy thảm tập, lấy nước và bật các bài tập cho mẹ. Trước tiên, tôi tự rèn luyện tại nhà để bản thân hứng thú, có sức khỏe. Khi nào dịch bệnh được đẩy lùi, tôi sẽ trở lại phòng tập.”, chị Diệu Thúy cho biết.
Còn anh Trần Long, trước kia, khi cuộc sống không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì anh tập gym mỗi ngày. Đặc biệt, dịp cuối tuần, anh tham gia cùng hội nhóm chạy bộ khoảng 10-15km. Nhưng giờ anh Trần Long cũng đành gác lại sở thích. Ở lâu trong nhà suốt hơn một tháng, quá bí bách, ngột ngạt, anh quyết định mở “đường chạy” trong nhà và trở thành huấn luyện viên riêng cho cậu con trai.
Mọi vật dụng trong nhà biến thành thiết bị tập luyện hiệu quả.
Mọi vật dụng trong nhà đều được tận dụng làm thiết bị tập luyện. Chiếc ghế băng dùng để nằm nâng tạ, hòn đá trang trí dùng tập bắp chân. Anh cũng chuẩn bị đầy đủ tạ đẩy, dây nhảy, dây kháng lực cho các con hứng thú tham gia. Bố dạy con trai tập gym, còn mẹ thì hướng dẫn cô con gái những động tác aerobic năng động, yoga mềm dẻo.
“Chúng tôi cảm thấy gắn kết với nhau hơn”…
Trước kia, do công việc hai vợ chồng nhiều, con cái cũng học tập áp lực nên gia đình ít khi trò chuyện với nhau. Ăn cơm tối xong, các con vội vàng ngồi vào bàn học, chị Diệu Thúy thì lúi húi dọn dẹp nhà cửa. Mỗi người một việc, thành ra các thành viên ít chia sẻ với nhau.
Dịch bệnh khiến mọi hoạt động tạm dừng, hai vợ chồng anh Trần Long đều làm việc online, các con cũng được nghỉ dài hạn. Nhờ vậy, gia đình anh cũng có thời gian gắn kết mọi người hơn.
Cùng nhau tập luyện thể thao là cách mà gia đình anh Trần Long trở nên gần gũi, gắn bó với nhau hơn.
Anh Trần Long chủ động hướng dẫn cậu con trai những động tác gym đơn giản như: Gập bụng, tập chân, tập bài bắp tay với tạ, tập mông bằng dây kháng lực. Anh vừa dạy con cách tập đúng động tác, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và tìm hiểu chuyện trường lớp, bạn bè của con.
“Cậu con trai tôi năm nay vào lớp 8, cậu nhóc đang ở độ tuổi dậy thì nên ẩm ương lắm. Mới đầu, cháu ngại chia sẻ với bố nhưng dần dần, cháu cũng hồ hởi kể nhiều chuyện hơn. Việc tập luyện vừa nâng cao sức khỏe lại giúp tôi gần gũi hơn với các con. Thế mới thấy, vợ tôi hằng ngày vô cùng vất vả, vừa lo chuyện cơ quan lại vừa phải lo chuyện nhà cửa, giáo dục con cái”, anh Trần Long nói với ĐS&PL.
“Chúng tôi cảm thấy gắn kết với nhau hơn. Đây là dịp để mọi thành viên chia sẻ những điều mà ngày thường ngại nói ra. Bố mẹ cũng thấu hiểu, nắm bắt tâm lý “tuổi ô mai” của các con”, chị Diệu Thúy cho biết.
Theo Ứng Hà Chi/ Theo Đời sống Pháp luật