“Sang trái một chút”, “Ngẩng mặt lên”, “Cười tươi nào”. Tiếng bấm máy lách tách phát ra từ smartphone, máy ảnh cùng lời chỉ dẫn từ các nhiếp ảnh gia liên tục vang lên.
Trước ống kính, một cô gái tay cầm ly latte đá, cố gắng tạo dáng hờ hững. Một cô nàng khác tỏ vẻ cáu kỉnh với bạn trai vì chưa chụp được tấm ảnh ưng ý.
Không phải ở studio chuyên nghiệp, đây là khung cảnh diễn ra tại quán cà phê Patina mới mở vào tháng 1 tại khu phố cổ của Bangkok, theo Nikkei Asia.
Tìm theo hashtag trên Instagram, dễ thấy hàng trăm hình ảnh người trẻ Thái Lan trong những bộ cánh sành điệu, nghiêng mình bên đồ nội thất cổ hoặc tạo dáng "sống ảo" dưới dàn đèn chùm pha lê.
|
Theo tác giả, dù chất lượng đồ uống khá tệ, quán cà phê Patina vẫn thu hút các nhiếp ảnh gia và bạn trẻ thích chụp ảnh đổ xô tới vào cuối tuần. Ảnh: Chris Schalkx.
|
Cảnh tượng tương tự diễn ra tại rất nhiều quán cà phê sang chảnh khắp Thái Lan.
Ở quán cà phê cách Patina một dãy phố, mọi người nóng lòng chờ đợi tới lượt để tạo dáng trước những hình graffiti vui nhộn nơi lối vào. Các bức ảnh sau đó được chỉnh sửa và đăng lên mạng xã hội.
Trào lưu “cafehopping” (tạm dịch: đi cà phê siêu tốc, nhảy từ quán này sang quán khác) ở Thái Lan tựa như môn thể thao.
Mỗi cuối tuần, hàng nghìn người trẻ Thái Lan mang theo các thiết bị chụp ảnh đổ xô tới những quán cà phê ở Bangkok để check-in theo nhiều phong cách khác nhau.
Một số đi tới 6 quán cà phê một ngày, tạo ra hàng loạt khoảnh khắc check-in như thể có cuộc đua ngầm xem ai là người đầu tiên khám phá ra địa điểm "sống ảo" mới.
Những người dẫn đầu cuộc đua này trở thành “cafe influencer” và có thể nhận được khoản tiền không nhỏ cho những bài đăng quảng cáo trên Instagram.
|
Hình ảnh thường thấy ở các quán cà phê khắp Bangkok. Ảnh: Chris Schalkx
|
Ngày nay, các quán cà phê ở Thái Lan nhiều như hàng ăn vỉa hè. Gần như tuần nào cũng có quán mới mở trên phố. Những xưởng pha chế nhỏ và thử cà phê mọc lên như nấm.
Cà phê trồng tại nhà cũng phổ biến trở lại, với các quán đặc sản và dịch vụ giao hàng tận nhà từ các trang trại quy mô nhỏ ở miền núi phía bắc Thái Lan.
Dù vậy, thứ thu hút khách hàng vẫn chủ yếu là độ bắt mắt trong cách bài trí chứ không phải chất lượng cà phê. Nhiều quán quảng cáo các góc chụp ảnh đẹp hoặc giờ “hoàng đạo” để có những bức ảnh ưng ý đăng lên mạng. Một số nơi còn bố trí buồng chụp ảnh nhằm thu hút khách hàng.
|
Không ít người có thể đi nhiều quán cà phê trong ngày để có ảnh đẹp đăng lên mạng. Ảnh: @mimitober.
|
Dựa vào phản ứng của đám đông, chiến thuật quảng cáo này có vẻ khá hiệu quả.
Eric Chan, đồng sở hữu quán cà phê Sarnies nổi tiếng ở Bangkok, chia sẻ: “Tôi nghĩ thật tuyệt khi những influencer trong giới ‘cafehopping’ giúp các quán cà phê được biết đến nhiều hơn”.
Tuy nhiên, một số chủ quán lại thở dài khi được hỏi về cảm nghĩ trước trào lưu này.
Natruja Threekhunwatana, quản lý của The Somchai ở Thonglor, một trong những khu phố sành điệu nhất Bangkok, cho biết: “Khi chúng tôi vừa khai trương, mọi người nô nức kéo đến. Họ mang theo cả vali quần áo và thay đồ trong nhà vệ sinh. Thật khó để quản lý. Chúng tôi thậm chí không có sẵn bàn cho khách mới. Sau đó, chúng tôi quyết định cấm chụp ảnh trong một thời gian”.
Steven Lim, đồng sở hữu quán cà phê Luka ở quận Sathorn, thường xuyên chứng kiến cảnh tượng tương tự.
“Thậm chí, các trang web mua sắm còn bí mật thực hiện buổi chụp hình tại quán của tôi. Họ mang cả xe tải và người mẫu đến”, anh kể lại.
Không thể phủ nhận văn hóa cà phê của Thái Lan đang phát triển rất nhanh. Nhưng đối với nhiều người trẻ nơi đây, có được phông nền “sống ảo” đăng lên mạng xã hội vẫn quan trọng hơn thưởng thức và trân trọng hương vị đồ uống.
Theo Zingnews