Hành trình giành “ghế” Thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội Phạm Hồng Nhung

Google News

8 kỳ liên tiếp là sinh viên xuất sắc, trong buổi lễ tốt nghiệp trực tuyến, Phạm Hồng Nhung được vinh danh là thủ khoa đầu ra của Viện Ngôn ngữ Anh, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đỗ đại học năm 2017, Hồng Nhung luôn quan niệm xuất phát điểm không quá quan trọng, điều cần thiết hơn là nỗ lực của bản thân.

Kết quả, cô gái sinh năm 1999 gây ấn tượng khi tốt nghiệp bằng xuất sắc với tổng điểm GPA 3.75/4.0 cùng một số thành tích học tập, hoạt động phong trào nổi bật.

Chia sẻ với Zing, Nhung cho biết từ nhỏ cô đã rất yêu thích và có năng khiếu trong việc học ngôn ngữ. Chính vì vậy trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, với 27,15 điểm, Nhung lựa chọn theo học chuyên ngành tiếng Anh Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tuy nhiên, vào đại học, Nhung choáng ngợp khi thấy cách học khác xa so với phổ thông. Cùng với áp lực sống xa nhà, nữ sinh tỏ ra lúng túng. Để vượt qua, cô tham gia vào các câu lạc bộ của trường. Tại đây, Nhung có cơ hội học hỏi kiến thức từ những anh chị khóa trên, dần lấy lại sự tự tin và có phương pháp học tập phù hợp.

Hanh trinh gianh “ghe” Thu khoa DH Bach khoa Ha Noi Pham Hong Nhung

Hồng Nhung luôn đặt ra chiến lược học tập suốt 4 năm trên giảng đường.

























 

Đặt mục tiêu tốt nghiệp loại xuất sắc, ngay từ học kỳ đầu tiên, nữ sinh chú ý những kiến thức giảng viên nhấn mạnh và ghi chú cẩn thận, xác định đây là phần cốt lõi.

Nếu thắc mắc, cô tự đặt câu hỏi cho mình trước, sau đó trao đổi với bạn bè, nếu vẫn chưa hiểu sẽ hỏi thầy cô.

Năm nào cũng giành học bổng tài năng của trường, Nhung tự nhận không phải là kiểu người ôm sách học ngày học đêm.

Nhung chia sẻ để học đều các môn, bao gồm cả những môn đại cương và môn chuyên ngành, cô đặt ra chiến lược học tập xuyên suốt bốn năm.

“Vì ở đại học, khối lượng kiến thức rất lớn, mình luôn xác định phải học nghiêm túc ngay từ đầu, không để dồn đến lúc thi”, Nhung nói và cho biết thường sử dụng sơ đồ tư duy trong tất cả môn học để ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn.

Chương trình học ở trường Bách khoa Hà Nội khá nặng với 60% lý thuyết và 40% thực hành nhưng theo Nhung, sinh viên vẫn có nhiều thời gian rảnh để học tập và rèn luyện bên ngoài trường. Chính vì vậy, suốt 4 năm sinh viên, Nhung vẫn vừa học vừa làm thêm để phụ giúp gia đình.

Bên cạnh đó, cô gái sinh năm 1999 luôn coi trọng chất lượng thời gian nghỉ ngơi. Ngoài việc học, Nhung sắp xếp thời gian hợp lý cho các sở thích cá nhân và thư giãn.

Thế nhưng, hành trình trở thành thủ khoa của Hồng Nhung cũng có những giai đoạn khó khăn. Do thời gian làm khóa luận trùng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, nữ sinh phải tranh thủ những ngày nghỉ ngắn giữa các đợt giãn cách để đi thu thập dữ liệu.

May mắn nhờ hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên cùng bạn bè giúp đỡ, Nhung kịp hoàn thành khóa luận để bảo vệ đúng thời hạn và đạt kết quả ngoài mong đợi.

Nhìn lại quãng thời gian sinh viên, điều Nhung tiếc nuối nhất là chưa tham gia được nhiều hoạt động ngoại khóa cũng như đi tình nguyện xa nhà.

Trong thời gian tới, cô gái sinh năm 1999 muốn tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội để bù lại cho 4 năm đại học. Đồng thời, Nhung dự định học lên thạc sĩ và tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về ngôn ngữ Anh.

Theo Kiều Trang/ Zing