Từ ngày đi làm trở lại hậu giãn cách, Nhật Thu (nhân viên marketing, 27 tuổi) có thói quen mới là tự chuẩn bị bữa trưa ở nhà và mang đến công ty. Hiện cô đã duy trì thói quen này được hơn nửa tháng.
Trước dịch, thỉnh thoảng Thu mới tự nấu cơm trưa. Cô thường đặt đồ ăn bên ngoài cùng với đồng nghiệp. “Phòng mình có một nhóm chung, cứ đến gần giờ nghỉ là mọi người sẽ nhắn vào đó hỏi nhau xem sẽ ăn món gì đặt ở đâu. Đặt nhiều nên tiền ship không bao nhiêu, mang về ăn chung cũng vui”.
Tuy nhiên, sau 4 tháng làm việc tại nhà, Thu và một số đồng nghiệp đã quen với việc ăn cơm tự nấu. Hơn nữa, số người đi làm lại không còn đông đủ như trước nên việc đặt cơm trưa văn phòng cũng bất cập hơn.
|
Nhiều nhân viên văn phòng đặt cơm trưa ở quán quen để đảm bảo an toàn. Ảnh: NVCC.
|
Cô gái nói thêm dù phải tốn công dậy sớm chuẩn bị, việc tự nấu và mang cơm trưa đến chỗ làm đem đến khá nhiều lợi ích. “Ăn như vậy tiết kiệm nhưng lại đảm bảo, đủ chất, no lâu và đặc biệt là an toàn hơn trong mùa này”.
Trước đây, nếu ăn ngoài, tiền ăn trưa của Thu tốn hơn 2 triệu đồng/tháng. Còn hiện tại, nhờ tự nấu ăn, cô có thể tiết kiệm gần 1 triệu đồng tiền cơm trưa.
“Bây giờ, phòng mình chia nhau ra đi làm theo tuần. Tuần này làm ở văn phòng thì tuần sau sẽ làm tại nhà. Nên nếu đặt cơm trưa chỉ 3-4 phần/ngày sẽ tốn nhiều tiền ship hơn. Nhiều quán quen của tụi mình trước đây cũng chưa mở cửa lại nên ăn lui ăn tới một vài hàng cũng khá ngán”, Thu cho hay.
Không chỉ Nhật Thu, ngày càng nhiều bạn trẻ tại TP.HCM xây dựng thói quen tự nấu cơm trưa mang đến văn phòng làm việc. Xu hướng này là một phần của việc cắt giảm chi tiêu, đảm bảo an toàn trong thời kỳ đại dịch.
Tiết kiệm tiền nhờ tự chuẩn bị thức ăn
Thanh Kiều (25 tuổi, chuyên viên PR) đã duy trì việc tự chuẩn bị đồ ăn trưa trong vài năm qua. "Hiện tại mình đi làm 5 ngày/tuần và hầu như luôn mang theo đồ ăn trưa".
Kiều cho hay sau đợt giãn cách, nhiều đồng nghiệp đã lập gia đình của cô cũng đều mang cơm đi làm, hiếm khi đặt thức ăn bên ngoài.
"Cơm mang đi có từ 2-3 món như canh, món mặn, rau. Thực đơn ít lặp lại. Mình cảm thấy tự nấu mang cơm đi làm an toàn, sạch sẽ hơn và đặc biệt phục vụ được sở thích ăn uống của bản thân".
Cô gái 25 tuổi cho biết so với ăn uống bên ngoài, tự chuẩn bị thức ăn cũng giúp cô tiết kiệm được 50% chi phí cho bữa trưa.
|
Thanh Kiều luôn tự chuẩn bị và mang bữa trưa đến văn phòng. Ảnh: NVCC.
|
Đinh Hoàng Thùy Dương, trưởng bộ phận kinh doanh của Icool Deli, cho biết việc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu hậu giãn cách khiến ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống gặp không ít khó khăn.
“Nếu trước đây, tới trưa mọi người sẽ bắt đầu mở điện thoại, lên các app tìm kiếm đồ ăn đặt về. Nhưng trong tình hình hiện tại, không ít người lựa chọn tự nấu và mang cơm trưa đến văn phòng”.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động với khoảng 50% nhân sự. Nhân viên được chia ra từng ca, từng ngày, từng tuần để đảm bảo biện pháp phòng dịch.
“Điều này cũng gây ra không ít trở ngại. Trước dịch, một văn phòng đi làm 8 người/ngày, giờ họ giảm xuống còn khoảng 4-5 người. Phần ăn trưa khách đặt vì vậy cũng giảm nhiều”, Thùy Dương cho biết.
Trong tình hình khó khăn như vậy, các đơn vị, dịch vụ cung cấp cơm trưa văn phòng phải cố gắng hạ giá thành sản phẩm, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo chất lượng để giữ chân khách quen.
Vào ngày khai trương hậu giãn cách, chị Út, chủ quán cơm trưa Anzi (đường Quách Văn Tuấn, quận Tân Bình), cho hay quán chỉ bán được khoảng 20 suất, những hôm sau số đơn có tăng lên nhưng không đáng kể.
Theo chị, do nhiều công ty vẫn hoạt động với công suất thấp, nhân viên phần lớn đã về quê hoặc nghỉ việc nên lượng đặt hàng giảm đi.
“Nhìn chung tình hình kinh doanh sau giãn cách khá ế ẩm. Từ lúc quán đóng cửa và chỉ giao cơm văn phòng thì đơn đổ về từ các app cũng ngưng hẳn. Hồi trước tôi có hơn 10 khách quen nhưng nay chỉ còn 6,7 chỗ, một số công ty gần đây thì chưa đi làm lại tại văn phòng”, chị Út bộc bạch.
Lượng đơn không nhiều nhưng chị cũng hạn chế nhận order với số lượng lớn do một nửa nhân viên, đầu bếp về quê chưa lên, sợ không đủ nhân lực.
|
Chị Út chia sẻ việc bán online hậu giãn cách vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC.
|
Việc hoạt động trở lại còn nhiều khó khăn song quán của chị vẫn luôn đảm bảo chất lượng thức ăn và quy định phòng dịch.
Ngoài ra, chị cung cấp thêm gói cơm trưa tháng và sự kiện với giá ưu đãi để hỗ trợ thực khách trong giai đoạn này.
“Thời điểm còn được phục vụ tại chỗ, nhiều lúc tôi làm không kịp ngơi tay. Nhưng giờ thì khách đặt cơm cũng lắt nhắt, tôi cũng cố gắng gồng gánh để trả tiền lương và thuê nhà. Hy vọng sớm được mở lại, đón khách trực tiếp tại quán”, chị Út tâm sự.
Vẫn đặt cơm trưa vì ngại nấu
Cẩm Nhung (22 tuổi), nhân viên thiết kế, cho rằng trong thời kỳ các dịch vụ ăn uống tại chỗ vẫn chưa được phép hoạt động, những nơi bán cơm trưa văn phòng là lựa chọn hợp lý.
Nhung và các đồng nghiệp thường chọn quán quen, đảm bảo vệ sinh để đặt dài hạn. Gần đây, công ty cô đang chuyển sang địa điểm mới nên việc chế biến hay hâm nóng thức ăn mang từ nhà đều bất tiện.
“Mình thường đặt các suất cơm có giá từ 30.000-40.000 đồng. Chỗ mình hay mua có chất lượng rất ổn nhưng phải đặt sớm vì nếu order trễ thì phải đợi rất lâu”, Nhưng chia sẻ.
Chị Diệu Trần, chủ bếp La Mama Kitchen (đường Trần Doãn Khanh, quận 1), cho hay quán của chị giao khoảng 20-50 phần/buổi cho những công ty vừa và nhỏ. Còn những doanh nghiệp lớn hơn, họ có thể đặt đến 100-250 suất.
Trước dịch, La Mama Kitchen phục vụ chủ yếu là cơm trưa, nhưng từ khi nhu cầu tăng lên, nơi này cung cấp thêm suất ăn cho 3 buổi trong ngày với menu đa dạng hơn.
|
La Mama Kitchen cung cấp suất ăn sáng - trưa - chiều với menu đa dạng. Ảnh: NVCC.
|
Trong thời điểm hiện tại, đơn vị này chỉ nhận order thông qua hotline, fanpage hoặc nền tảng cung cấp cơm văn phòng. Toàn bộ đơn hàng được đặt trước và giao theo lịch hẹn.
Nhóm khách của quán thuộc phân khúc những người có thu nhập cao, chú trọng đến chất lượng món ăn, hình thức trình bày và quy trình giao nhận đảm bảo an toàn.
Giá trung bình một phần ăn trưa dao động từ 58.000-89.000 đồng hoặc cao hơn tùy vào nhu cầu của khách mà bếp thiết kế thực đơn riêng.
Tương tự các cơ sở dịch vụ ăn uống khác, bếp của chị Diệu cũng gặp khó khăn về việc nhập nguyên liệu do nhiều nhà cung cấp chưa hoạt động lại, giá cả tăng cao.
“Hồi đó tôi thường sử dụng hộp giấy 4 ngăn chuyên dùng cho các set cơm trưa của mình, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa thân thiện với môi trường. Nhưng hiện tại bếp rất khó đặt tiếp sản phẩm này do vấn đề nhập khẩu khó khăn, giá giấy đóng hộp đẩy lên gấp đôi, các đơn vị khác thì đã đứt gãy nguồn hàng hoặc buộc phải ngừng sản xuất”, chị Diệu giải thích.
Theo Huệ Lâm, Phương Thảo/ Zing