Bắt đầu vào bếp tự nấu ăn khi thành phố Hà Nội giãn cách xã hội hồi tháng 7, cho đến nay, chàng trai trẻ Phạm Văn Quyền (23 tuổi) đã quen thuộc với căn bếp và thói quen tự chuẩn bị đồ ăn 3 bữa mỗi ngày cho bản thân.
Từ một người không biết nấu ăn, Văn Quyền đã "nghiện vào bếp" và tự nấu cơm trưa mang đi làm
Đi làm trở lại hậu giãn cách từ đầu tháng 10, chàng trai trẻ đã duy trì thói quen này được gần 2 tháng và chưa bỏ bất kỳ ngày nào dù có bậu bịu đến đâu. Hành trang mỗi ngày đến công ty của Quyền ngoài chiếc balo đựng các thiết bị làm việc còn có những hộp cơm, hộp thức ăn nhỏ được sắp xếp gọn gàng.
“Đến giờ, bạn bè mình và ngay chính bản thân mình vẫn còn chưa có thể tin được là mình đang tự nấu cơm mỗi ngày. Trước đây, mỗi ngày đi làm, mình sẽ thường ra ngoài ăn trưa hoặc đặt đồ ăn bên ngoài cùng với đồng nghiệp. Sau khoảng thời gian làm việc tại nhà, mình đã quen dần hơn với việc ăn cơm tự nấu, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa hợp khẩu vị của bản thân”, Quyền nói.
Bữa trưa nhanh, gọn, hợp khẩu vị của Văn Quyền
Duy trì thói quen tự nấu ăn mang đi làm, chàng trai trẻ cũng quan tâm đến sức khỏe và tạo thêm tính kỷ luật cho bản thân. Mỗi ngày, Quyền đều dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho việc nấu và mang cơm trưa đến chỗ làm. Nhờ đó, chàng trai trẻ cũng có nhiều thời gian hơn mỗi sáng để tập thể dục, nghe podcast và cập nhập các thông tin mới.
“Trước dịch, mỗi tháng mình đều dành từ 2 - 3 triệu cho việc ăn ở bên ngoài. Khi tự nấu cơm, mình nhận ra rằng việc tự chuẩn bị đồ ăn như vậy vừa tiết kiệm lại đảm bảo đủ chất, hợp khẩu vị và đặc biệt là an toàn hơn trong mùa dịch này”, Quyền chia sẻ thêm.
Còn đối với Trần Tú Nguyên (25 tuổi, nhân viên hành chính), việc tự chuẩn bị đồ ăn trưa là điều mà cô gái trẻ đã từng làm nhưng không thường xuyên trong những năm qua. Hiện tại, để thích ứng với dịch bệnh, chuẩn bị đồ ăn trưa từ nhà là công việc mỗi buổi sáng trước khi đi làm của cô.
Duy trì thói quen tự nấu bữa trưa mang đi làm giúp Tú Nguyên tiết kiệm được nhiều chi phí
“Hiệu tại, mình chỉ đi làm có 3 ngày trên công ty. Những ngày còn lại, mình làm online tại nhà. Việc chuẩn bị sẵn bữa trưa giúp mình tiết kiệm hơn về tài chính và cả thời gian khi được làm việc trực tiếp tại văn phòng.
Sau đợt giãn cách vừa rồi, các “cạ cứng” đặt đồ ăn bên ngoài cũng tự nấu cơm mang đi làm nên mình muốn duy trì trở lại thói quen đó”, Tú Nguyên chia sẻ.
Tự nấu ăn cũng giúp cô gái trẻ cảm thấy an toàn, sạch sẽ và phù hơn với sở thích và khẩu vị của bản thân
Phần cơm tự mang đi mỗi ngày của cô gái trẻ luôn có từ 2 - 3 món như canh, món mặn, rau, thực đơn thì rất ít khi lặp lại. Tự nấu cơm mang đi làm giúp cô gái trẻ cảm thấy an toàn, sạch sẽ và phù hợp với sở thích ăn uống của bản thân. Bên cạnh đó, so với ăn uống bên ngoài, tự chuẩn bị thức ăn cũng giúp Tú Nguyên tiết kiệm được bằng một nửa so với chi phí cho bữa trưa trước đây.
Đều đặn mỗi ngày, sau khi tan làm vào 16h30, Phạm Hồng Hạnh (25 tuổi, nhân viên bán hàng) lại ghé qua siêu thị và mua đồ để chuẩn bị cho bữa trưa tại công ty ngày hôm sau. Hồng Hạnh cho biết, lý do cô tự nấu bữa ăn trưa mỗi ngày mang đến cơ quan là để thực hiện kế hoạch giảm cân, thanh lọc cơ thể và bảo vệ sức khỏe.
Tan làm mỗi ngày, Hồng Hạnh thường chuẩn bị sẵn các nguyên liệu để làm bữa trưa mang đi đến công ty vào ngày hôm sau
Hồng Hạnh chia sẻ: “Đợt dịch vừa rồi, ở nhà nhiều nên mình không kiểm soát được cân nặng. Đi làm trở lại, mình sợ sử dụng đồ ăn ngoài nhiều càng tăng cân nhanh hơn nên quyết định tự nấu ăn theo chế độ giảm cân khoa học.
Ăn cơm tự nấu quen, giờ đi ăn ở ngoài mình thấy không thích nữa. Thực phẩm mình mua mới hàng ngày nên hương vị món ăn cũng hấp dẫn hơn. Tự nấu nướng cũng giúp mình vừa cải thiện được kỹ năng của bản thân, vừa thực hiện được mục tiêu giảm cân lại tiết kiệm chi phí dành cho những dự định khác”.
Tự chuẩn bị các bữa ăn trưa mang đi làm giúp Hồng Hạnh thực hiện kế hoạch giảm cân, thanh lọc cơ thể và bảo vệ sức khỏe
Không chỉ Văn Quyền, Tú Nguyên và Hồng Hạnh, hậu đại dịch, ngày càng có nhiều bạn trẻ xây dựng thói quen tự nấu cơm trưa mang đến văn phòng làm việc. Xu hướng này giúp các bạn trẻ hình thành tính kỷ luật của bản thân, cắt giảm được chi tiêu và đặc biệt là đảm bảo an toàn trong dịch bệnh.
Theo Trung Đức / Tuổi trẻ Thủ đô