Có người nhận xét, hệ thống dù hiện đại đến đâu, nhưng được vận hành bởi con người, vẫn sẽ bộc lộ những sơ hở rất con người.
Tại trận Hoàng Anh Gia Lai gặp Hải Phòng, một tình huống tổ VAR đã can thiệp và yêu cầu trọng tài chính Nguyễn Đình Thái cho dừng trận đấu. Vào phút 73, tổ điều hành VAR đã nghi ngờ rằng bóng chạm tay Diakite và yêu cầu ông Thái xem lại băng ghi hình. Phải mất đến 7 phút sau, quyết định mới được đưa ra.
|
Ngày đầu tiên hệ thống VAR được áp dụng ở V-League. |
Khi Ban tổ chức chiếu lại tình huống đó, những người có chuyên môn cũng không nhận ra Diakite phạm lỗi chỗ nào. Nhiều người đánh giá đó là do góc của máy quay chưa đủ để phát hiện.
Một tình huống tương tự cũng diễn ra trong cuộc tiếp đón tân binh V-League Quảng Nam của Thép Xanh Nam Định. Tưởng như trận đấu sẽ khép lại với kết quả hòa thì đúng ở phút bù giờ cuối cùng, Nam Định đã bất ngờ nhận được sự hậu thuẫn từ công nghệ VAR và có chiến thắng 2-1.
Khán giả nhận xét, trong cả hai trường hợp các góc quay đều không thuyết phục. Trên trang Facebook cá nhân, cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn, giảng viên FIFA, cũng bày tỏ: "VAR đã đặt bao nhiêu camera và chất lượng hình ảnh ra sao? Đủ để gọi là VAR không?".
Sai lầm này không hoàn toàn thuộc lỗi của tổ điều hành VAR, vì họ cũng chỉ mới được đào tạo và số lần sử dụng còn rất hạn chế. Ngay đến cả sân chơi lớn như Ngoại hạng Anh cũng vừa phải nhận sai sót liên quan đến VAR.
|
Tổ điều hành hệ thống VAR. |
Kể từ đầu mùa trước tới nay, cơ quan giám sát trọng tài ở Anh đã thừa nhận sai lầm trong 14 trường hợp. Cá biệt có trường hợp của Arsenal, hai lần nhận lời… xin lỗi mùa trước.
Cả hai lỗi đều gây thiệt hại nghiêm trọng đến kết quả trận đấu: Một tình huống Martin Odegaard bị phạm lỗi khiến Arsenal bị thủng lưới sớm trong trận thua MU vào tháng Chín, trong khi một tình huống việt vị bị bỏ qua đã khiến họ đánh mất 2 điểm trong cuộc đua vô địch, trong trận gặp Brentford.
Theo Minh Anh/Công lý