Lạ lùng phiên chợ đường biên Nậm Cắn

Google News

Cái tiết tận xuân sơ hạ êm mát của vùng biên giới Nậm Cắn của Nghệ An và NoongHet của Xiêng Khoảng đất Lào như thứ xui nguyên giục bị cứ muốn ngồi lỳ mãi trong khu chợ đường biên này.

Khoảng đất trống thuộc lãnh địa của cả đất Lào và đất Việt giăng chật quán ăn, sạp hàng. Chợ họp từ tinh mơ, tầm 9 giờ chúng tôi mới ghé chợ mà vẫn chen chật những người. Người từ Kỳ Sơn từ Mường Lống… của Nghệ An tới. Người Lào Thơng Lào Lùm của Xiêng Khoảng kéo sang.

Cái tật đi đây đó miền xuôi vùng ngược hễ rảnh rang gặp một ngôi chợ ven đường là sà vào. Nay được thư thái ngắm ngó đã nư con mắt một ngôi chợ vùng biên Lào Việt lại cũng chả sướng sao?

La lung phien cho duong bien Nam Can

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cùng tác giả bài viết và dân bản

Hàng hóa tại chợ khá đa dạng, đầy đủ những đồ dùng thiết yếu cho người dân các bộ tộc Lào; cho người Khơ Mú người Thái, Mông của Nghệ An.

Mặt hàng chủ lực của người Việt ở phiên chợ chủ yếu là quần áo, giày dép, đồ gia dụng... Còn tiểu thương Lào lại cung ứng vải thổ cẩm, ẩm thực cho du khách đi chợ. Cải Mông, gà đen là những thực phẩm ưa thích của người Việt, trong khi đó bạn Lào lại chú ý muối, mực khô, cá biển, cá đồng...

Tôi thích thú chú mục vào những sạp gỗ than củi hồng đượm. Trên đó đương nghi ngút thứ khói xanh xanh thơm nồng bốc ra từ những cặp gà đen những tảng thịt lợn đen, lòng lợn đen (đặc sản người Mông) vừa chín tới. Hình như cánh đàn ông và rất nhiều chị em khác nữa đi chợ, bất kể Lào hay Việt đều thấm nhuần cùng nằm lòng chân lý rằng đến chợ Đoàn Kết đường biên này không ăn gà đen uống rượu ngô là chưa đến chợ? Cuộc ăn nhậu hỉ hả thường bắt đầu khi kết thúc những cuộc mua bán.

La lung phien cho duong bien Nam Can-Hinh-2

Một góc chợ đường biên Nậm Cắn

Tôi tò mò cầm lên món hàng mà có lẽ chả bao giờ thấy bày bán ở bất kỳ vùng nào ở dưới xuôi. Nói đúng hơn là hai thứ. Đó là những mớ rau màu xanh thẫm. Chả phải là thứ rau gì đâu mà đích thị thứ cây thuốc phiện non mà bà con người Lào dùng làm rau ăn sống hoặc nấu canh với gà đen. Và quả thuốc phiện còn xanh nghe nói để làm thuốc kiện tỳ vị. Chỉ là thứ chơi chơi vậy thôi. Chứ cả chợ tuyệt nhiên không có bán nhựa của cây thuốc phiện thường gọi là thứ phiện nguyên chất. Ngay cả thứ rau phiện non mởn và thứ quả phiện xanh này đám khách Việt sơ ý hoặc cố tình mua về thì qua Đồn biên phòng cũng không được phép mang. Vậy nên tôi mua ba mớ rau phiện non đem trở lại quán ăn. Nói khó với cô chủ quán nấu cho nồi canh với thịt gà đen băm vụn. Chúng tôi ngồi thi thút thứ canh đặc sản lần đầu được nếm. Gẫm kỹ thấy nó cũng chả hơn rau cải cúc nấu thịt mà bà xã hay mần cho ăn?

Tôi cũng thích thú sà ngang mấy cái sạp lạ. Trên làn lá chuối lá vả xanh là nuột nà những chú sóc đã lột da. Cả mớ sóc sống vừa bẫy đang chen chúc trong những rọ tre. Và chả thể thiếu những chú chuột núi nần nẫn. Năm 1983 sang Xiêng Khoảng, Bản Ban nằm với những đơn vị làm đường của Ban 64 (sau là LHXD giao thông 8) được thưởng thức món chuột núi nướng này cả tuần không chán. Lại gặp một thứ quen thuộc. Ấy là sâu măng tròn lẳn béo nần. Tương tự như thứ đuông (đuông dừa, đuông cau) xứ miệt vườn Nam Bộ. Cái con sâu măng lạ lùng này dịp khác sẽ kể. Mà để tạo ra thứ sâu măng này, người Lào có cái cách hơi bị ly kỳ độc đáo. Khá nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe. Nhưng chị em yếu bóng vía chớ có rờ vào!

La lung phien cho duong bien Nam Can-Hinh-3

Đường vào Cổng trời Mường Lống

Trong ồn ào hỗn tạp của chợ phiên nhưng tôi chợt nghe vọng những âm thanh lúc bổng, lúc trầm. Lắng nghe một hồi, tôi chợt nhớ ra chuyện lúc sáng có qua ngồi với mấy anh em Đồn Biên phòng Nậm Cắn. Nghe được chuyện Đồn Biên phòng có tổ chức buổi phát thanh “Bản tin vùng biên” trong mỗi phiên chợ đường biên bằng tiếng phổ thông xen lẫn tiếng Lào, Khơ Mú, Mông, Thái… Với nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Nhất là vào dịp chợ phiên, bản tin sẽ được đọc vào chiều hôm trước và trong phiên chợ vì lúc này đồng bào vùng biên tụ tập đông đúc trước cửa biên giới.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn quản lí bảo vệ 22km đường biên. Dọc tuyến biên giới có 2 xã biên phòng là Tà Cạ và Nậm Cắn với dân số 7.841 nhân khẩu, chủ yếu là người Mông, Khơ Mú, Thái. Đồng bào nơi đây vốn có mối quan hệ khăng khít với người dân bên kia biên giới.

*

* *

Phiên dịch cho chúng tôi cả tiếng Lào tiếng Khơ Mú và hình như cả tiếng Mông, Thái nữa là em Hương. Hương, cái tên nghe “ xuôi” và hiện đại. Nhưng em là người Khơ Mú. Em mang họ phổ biến của người Khơ Mú, họ Cụt. Từ một cô bé Khơ Mú ngơ ngác theo bố mẹ lên công tác ở huyện Kỳ Sơn, lộ trình Cụt Thị Hương, những gắng gỏi học hành (tốt nghiệp Đại học Văn hóa) trở thành Trưởng phòng văn hóa huyện Kỳ Sơn là cả một câu chuyện dài. Trưa hôm trước, từ Vinh đến Kỳ Sơn tôi may mắn được nhập vào đoàn công tác của anh Nguyễn Viết Hùng, chủ tịch huyện Kỳ Sơn và mấy cán bộ huyện trong đó có Cụt Thị Hương ngược lên Mường Lống.

La lung phien cho duong bien Nam Can-Hinh-4

Mây trời Mường Lống

Mường Lống xa ngái cách Kỳ Sơn gần trăm cây số chập chùng dốc cùng cua vẹo người nhưng trở nên thân gần bớt diệu vợi vì chúng tôi có một chút buổi chiều và một đêm ngủ Mường Lống. Tôi đang cố tưởng tượng một Mường Lống rộng gần bằng diện tích của tỉnh Thái Bình heo hút có 5.000 dân, 98% là người Mông. Mường Lống có 15 bản người Mông bao gồm 7 dòng họ với hơn 600 hộ, đa số các hộ đều có 4 thế hệ cùng sống chung. Cách đây mười mấy năm dân Mường Lống 100% hộ dân đều trồng cây… thuốc phiện! Nhưng vẫn đói nghèo xơ xác. Biên ra sao xiết những lo toan tất tả trầy trật. Cả máu và nước mắt của cán bộ lẫn dân trong cuộc đấu tranh vận động để bỏ cây thuốc phiện chuyển sang trồng mận Tam hoa. Mùa xuân Mường Lống trắng trời sương cùng mây núi và mận Tam Hoa. Những tín hiệu của dân “phượt” đã đánh động cánh thanh niên dưới xuôi kéo lên Mường Lống du lịch nhất là khoản săn mây. Mường Lống khí hậu bán ôn đới hấp dẫn du khách. Mường Lống đẹp nhưng vẫn nghèo quá.

Tôi ngồi để nghe. Rồi theo chân chủ tịch Hùng đi nhiều bản để cố hình dung cái cú hích giảm nghèo của Mường Lống. Ấy là chú tâm và đẩy mạnh khoản du lịch. Chủ tịch Hùng dẫn đến những nhà Khơ Mú nhà người Mông. Những Hờ Chồng Pó, Hơ Chia Va, Xồng tồng Xử… đang khấm khá lên vì mấy năm mở được Homestay. Cái cách bày ra nhiều trò để gọi khách lưu khách như nào. Chủ tịch Hùng gọi mấy vị Trưởng bản để nói cho nghe cách thức gây đàn ngựa giống, ngựa cảnh (khoản này Mường Lống có kinh nghiệm) để phục vụ du khách. Lạ nữa cả chuyện đua… bò, chọi bò mà Mường Lống từng có truyền thống. Lại phải có ngay thống kê hiện Mường Lống còn lại bao nhiêu nhà tạm gọi là cổ. Như mái lợp bằng gỗ Pơmu, cột gỗ. Phải gia cố sửa sang những gì để mần cái việc quảng bá du khách!

Kết thúc cuộc thăm Khu vực trồng cây dược liệu Xuyên khung, tam thất, cây chiết xuất hương Cocacola… do Công ty Bò sữa TH true Milk đang triển khai ở Mường Lống vì hạp thung thổ khí hậu; Chủ tịch Hùng bàn thêm cách Công ty nên phối hợp với các hộ dân trong việc trồng cấy khai thác và chế biến sao đó cho hiệu quả.

Tôi đang ngần ngại cái chỗ ngủ đêm nay giữa mường giữa bản heo hút này bởi cái thân già từng quá quen với những tiện nghi thì cả bọn đã sà bên một bếp lửa rừng rực. Đó là cơ ngơi của một cơ sở du lịch có tiếng từng cắm ở Mường Lống có tên Mường Lống EcoGarden.

Những hàng hoa mắc cọc (lê) trắng muốt bao quanh. Hồ nước trong xanh. Nghe chủ tịch Hùng nói thêm ông chủ trẻ cơ ngơi khách sạn tầm cỡ hai, ba sao này đang tập cho dân Mường Lống mần du lịch.

Bên bếp lửa Mường Lống, tôi nghe thêm chuyện một người Kinh. Người ấy không có họ hàng hay dây mơ rễ má chi với em Hương người Khơ Mú này cả. Nhưng đã từng mang họ Cụt Khơ Mú. Những năm Nghệ Tĩnh mênh mông bao la diện tích cùng nghèo khó, tỉnh đã cử một cán bộ trẻ quê ở Hà Tĩnh lên tăng cường ở vùng Tương Dương, Kỳ Sơn này. Bám địa bàn bám dân một cách chân thành, thực thà là cái cách để ông trụ lại ở một vùng đất khắc nghiệt, gian khó. Rồi ông trở thành Phó Ban tổ chức huyện ủy Tương Dương. Đồng bào các dân tộc Tương Dương Kỳ Sơn trong đó có người Khơ Mú thương quý ông, tổ chức một cái lễ đặt họ mới cho ông. Thay vì họ Đặng, ông được mang họ Cụt!

Ông còn nổi danh là đã kết thân với một thủ lĩnh người Mẹo của Lào.

Những năm cuối 60, bên ở nước bạn Lào có sự phân hóa trong nội bộ dân tộc Lào Xủng (cùng nhóm tộc với dân tộc Mông ở Việt Nam). Vàng Pao xưng vua và đi theo Mỹ, ông Phay Đang một thử lĩnh của người Mông rất có uy tín trong cộng đồng không đi theo Vàng Pao mà có cảm tình với ông Xu Pha Na Vông. Đảng Nhân dân cách mạng Lào thu phục ông Phay Đang, mời ông làm Phó Chủ tịch Mặt trận đoàn kết các dân tộc Lào. Để đảm bảo an toàn cho ông Phay Đang, Lào bàn với Việt Nam bố trí cho một căn cứ ở bên đất Việt để ông Phay Đang hàng năm sang nghỉ an dưỡng, hoặc có tình huống bất trắc thì sang ẩn trú. Xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương được chọn làm địa điểm cho ông Phay Đang xây dựng căn cứ vừa gần đường giao thông, vừa gần khe suối lại gần với bản làng để thuận lợi cho sinh hoạt.

Một chuyện xích mích đã xảy ra giữa người nhà ông Phay Đang và bà con dân tộc địa phương. Việc bé xé ra to, suýt gây đổ máu. Vị Phó ban tổ chức quê ở Hà Tĩnh ấy không hiểu đã vận động thuyết phục ra sao mà vị thủ lĩnh người Mẹo ấy đã đứng ra xin lỗi bà con.

Cũng nhờ sự khéo léo của công tác dân vận của lớp cán bộ cũ cả Việt và Lào trong đó có sự hiệp sức của thủ lĩnh vua Mẹo Phay Đang mà nạn phỉ cùng những bất ổn xích mích khu vực biên giới Lào Việt Mường Lống Nậm Căn - Xiêng Khoảng dần dà được dẹp yên.

Cũng cần nói thêm vị Phó ban tổ chức ngày ấy từng mang họ Cụt, là Cụt Văn Báu sau này là Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Và là bố của vị thượng thư trẻ tuổi Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Môi trường bây giờ.

*

* *

Can rượu ngô dốc ngược hay cái chất “canh” hồi nãy khiến tôi như nhịp giò với âm thanh khèn Mông trầm bổng ngay bên cạnh. Hai thanh niên không rõ là người Mông hay Lào đang có điệu xoay khèn khá chi là điệu nghệ. Ngó kỹ thì ra họ mang khèn đến chợ để chơi chứ chẳng phải biểu diễn kiếm tiền như mình vừa nghĩ vội? 

Theo Xuân Ba/Tiền Phong