Loạt sự kiện của học sinh cuối cấp ở TP.HCM phải hủy vì dịch bệnh

Google News

Do tình hình khó lường của dịch Covid-19, nhiều chương trình chia tay lớp 12 bị dời lại hoặc hủy đột xuất. Điều này gây tiếc nuối cho không ít bạn trẻ, nhất là học sinh cuối cấp.

“Đó là cột mốc kết lại 1.000 ngày mình học ở cấp 3 với nhiều kí ức đẹp nhưng đến năm của 2K3 thì lại gặp vấn đề, không được trọn vẹn”, Trần Gia Quý, học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), chia sẻ tâm trạng khi nghe tin Chương trình Truyền thống Khối 12 (CTTTK12) có nguy cơ hủy do dịch.

Theo Chiêu Nghi (18 tuổi), trưởng ban truyền thông, quá trình chuẩn bị cho các hoạt động từ kế hoạch, ý tưởng cho đến hậu cần đều sắp sửa hoàn thiện và chỉ chờ đến ngày diễn ra.

Loat su kien cua hoc sinh cuoi cap o TP.HCM phai huy vi dich benh

Chương trình Truyền thống Khối 12 là sự kiện được mong đợi hàng năm của học sinh chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: LHP Photography Club.

Song do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ban tổ chức buộc phải tạm ngừng gần như toàn bộ chuỗi sự kiện dành cho học sinh trong tháng 5 và chờ đến khi tình hình khởi sắc hơn.

Trước “làn sóng Covid-19” thứ 4, nhiều chương trình, sự kiện như trại trưởng thành, lễ tri ân, dạ hội của học sinh lớp 12 trên khắp cả nước cũng phải dời ngày tổ chức hoặc thậm chí hủy bỏ để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

“Mùa chia tay không trọn vẹn”

Chiêu Nghi cho biết CTTTK12 là “đặc sản” của học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, có ý nghĩa lưu lại những khoảnh khắc đẹp đẽ, đáng nhớ của tuổi học trò. Trải qua nhiều năm tổ chức, chương trình này đã trở thành một phần không thể thiếu với học sinh khi nhớ về thời áo trắng.

Với chủ đề TÍCH 18-21, CTTTK12 bao gồm các hoạt động chính như “Ngày Hội Áo Lớp”, “Trại khi Tôi 18”, Flashmob…

Loat su kien cua hoc sinh cuoi cap o TP.HCM phai huy vi dich benh-Hinh-2

Flashmob là hoạt động nổi bật nhất của chương trình chia tay lớp 12 của trường chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: LHP Photography Club.

“Mỗi năm, CTTTK12 đều đổi mới để giúp khối 12 được trải nghiệm 1000 ngày ‘Luôn Hạnh Phúc’ trọn vẹn nhất có thể. Việc tạm hoãn đã khiến ban tổ chức cũng như các lớp gặp một số khó khăn nhất định”.

Nghi nói thêm trước mắt, một số sự kiện sẽ chuyển sang hình thức online và được đăng tải trên fanpage Đồng Khởi Lê Hồng Phong để tiếp thêm động lực cho học sinh cuối cấp trong giai đoạn ôn thi “nước rút”.

Tương tự như Gia Quý, Thúy Hòa, học sinh trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TP.HCM), cũng hụt hẫng khi hay tin trại trưởng thành tại Đà Lạt chính thức bị hủy.

Trong các năm học tại trường, Hòa và các bạn cùng khối đặc biệt quan tâm đến những hội trại dành cho học sinh lớp 12.

“Những sự kiện tập thể giúp cả lớp đoàn kết hơn, mỗi bạn sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh riêng trong các hoạt động khác nhau. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để thể hiện sự tri ân sâu sắc đến cha mẹ, thầy cô và những người đã đồng hành cùng chúng em suốt thời cấp 3”, Hòa nói với Zing.

Hòa cho hay khoảng thời gian cuối năm là lúc trường em nhộn nhịp nhất vì hầu hết lớp nào cũng chuẩn bị cho trại trưởng thành. Nhiều lớp đã lên kế hoạch tập luyện cho đêm văn nghệ, lễ tri ân thầy cô.

Mong muốn lớn nhất của nữ sinh vào thời điểm này là tình hình dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để em và các bạn bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế tốt nhất.

“3 năm cấp 3 đợi mãi mới đến trại trưởng thành nhưng lại bị hủy. Dù chia tay thời áo trắng không trọn vẹn lắm, em mong mọi người vẫn giữ tinh thần tích cực cho ‘cuộc chiến’ sắp tới”.

Loat su kien cua hoc sinh cuoi cap o TP.HCM phai huy vi dich benh-Hinh-3

Sự kiện âm nhạc này từng bị hoãn một lần vào đầu tháng 2 năm nay. Ảnh: Tuổi Hồng Minh Khai.

Hoãn vô thời hạn

Bùi Ngọc Long, quản trị viên ban truyền thông của Đại nhạc hội Tuổi Hồng Minh Khai, cho biết đây là lần thứ 2 sự kiện này bị hoãn lại. Lần đầu tiên là vào đầu tháng 2 khi dịch bệnh bùng phát bất ngờ.

“Trải qua nửa năm mà chương trình vẫn chưa thể tổ chức, em cũng có chút nóng lòng. Nhưng may mắn là được thầy cô, bạn bè và khán giả luôn yêu mến, ủng hộ nên cũng thấy yên tâm phần nào”, Long nói.

Tuổi Hồng Minh Khai 27 chọn chủ đề là "Hồng", nhằm kể lại những câu chuyện tiêu biểu của “con Lạc cháu Hồng” qua lăng kính tích cực, tràn đầy hy vọng.

Loat su kien cua hoc sinh cuoi cap o TP.HCM phai huy vi dich benh-Hinh-4

Đại nhạc hội của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) thu hút nhiều học sinh tham gia. Ảnh: Tuổi Hồng Minh Khai.

“Nhiều bạn trêu chương trình không còn là Tuổi Hồng nữa, mà là Tuổi Hè mới đúng. Đó là do dịch nên phải tổ chức vào dịp hè, thay vì trước Tết như mọi năm”, Long giải thích.

Đợt hoãn thứ 2 mang lại khá nhiều khó khăn cho ban tổ chức. Chia sẻ với Zing, Long cho biết ngoài tổn thất kinh phí, thiệt hại lớn nhất là “mất uy tín, thời gian và nhân sự”.

Sau mỗi lần khởi động lại, Long và các thành viên trong team phải làm mới toàn bộ danh sách nghệ sĩ, có thể không hoàn toàn giống như công bố trước đó. Ngoài ra, công đoạn truyền thông và tất cả tiết mục biểu diễn cũng phải chạy lại từ đầu.

Theo Phương Thảo/ Zingnews