Tháng 7 mùa thi, người miền Bắc gồng mình với những trận nắng gắt, miền Nam cũng quay quắt chóng chọi lại những cơn mưa xối xả, ngập lụt bất chợt lúc nào. Ve kêu xào xạc khắp các phố phường, bằng lăng tàn, hoa phượng vẫn đỏ rực, cháy bỏng len lỏi với mùi hoa sữa nồng nàn, xộc thẳng vào mũi người đi đường, một mùi hương ngào ngạt, gợi cho người ta bao ký ức về một mùa chia tay mái trường.
Một mùa thi lại đến, mùa thi cuối cùng thời học sinh của lứa 9X cuối cùng. Khác với mọi năm, kỳ thi năm nay đã đơn giản hơn nhiều khi được tổ chức tại địa phương. Các em không còn phải cơm đùm, cơm nắm, không còn phải cuốn gói quần áo, sách vở lặn lội hàng trăm cây số đi thi. Phụ huynh cũng đỡ nhọc nhằn khi phải gom tiền, góp gạo, vận dụng đủ mối quan hệ với bà con trên thành phố lo chỗ ăn, chỗ ở... cho con trong những ngày quan trọng nhất.
Mùa thi đại học, mùa vất vả của mẹ cha
Với thế hệ 8X đầu 9X, mùa thi cũng là mùa của những nỗi lo chất chồng. Sĩ tử căng mình vì áp lực đè nặng, phụ huynh cũng trằn trọc, mất ngủ. Phần vì suy nghĩ cho tương lai con cái, phần lo cơm áo gạo tiền, con trượt đại học biết làm gì, con đỗ cũng làm sao mà nuôi...
Đó là câu chuyện của bạn đọc Vinh Thanh khi nhớ lại mùa thi năm 2009. Yêu thích ngành báo chí nhưng cô lựa chọn học Cao đẳng Sư phạm ở tỉnh với lý do gần nhà, lại không mất học phí, tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu.
"Năm ấy, mẹ tôi phải vay 45.000 đồng để cho con nộp hồ sơ vào trường. Ngày có giấy trúng tuyển, bố tôi rơi nước mắt vì hạnh phúc. Để có tiền cho tôi đi học, bố cũng đã phải bán một tạ thóc để lo toan các thủ tục. Sau này, khi đã có công ăn việc làm ổn định, tôi luôn ao ước được đền đáp công ơn nhưng bố đã đi xa", cô viết.
|
Lứa 9X cuối cùng trải qua kỳ thi nhẹ nhàng hơn thế hệ 8X. Ảnh: Anh Tuấn. |
Đồng cảnh ngộ, thành viên Hoàng Nguyễn bồi hồi kể lại một thời khó khăn của bản thân và gia đình. Sinh năm 1991, là một trong những 9X đầu đời, kỳ thi đại học cũng đã không còn nặng nề như lứa học sinh 8X, thế nhưng chàng trai vẫn không tránh khỏi cảnh lặn lội từ quê lên phố dự thi.
Trải lòng về quãng thời gian dự thi của mình, anh viết: "Nhà mình dưới quê nghèo lắm, không có tiền học thêm dù chỉ 50.000 đồng/tháng. Sau mỗi buổi học, mình phải về nhà phụ cha mẹ, không có thời gian học ngày học đêm như các bạn trẻ bây giờ".
Không có thời gian, tiền bạc để đi ôn luyện, 3 ngày thi, bố mẹ Hoàng chỉ cho 200.000 đồng để đi lại, ăn uống, ở trọ. Bao nhiêu khó khăn, từ áp lực thi cử lại thêm nỗi lo về cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai, anh gồng mình để vượt qua và cũng được đền đáp xứng đáng bằng kết quả thi đại học.
Ngày biết tin trúng tuyển ĐH Bách Khoa, niềm vui một thì nỗi lo cũng gấp 10 lần. Nỗi lo học phí, tiền ăn, ở, sinh hoạt cũng bao trùm gia đình nghèo. "Suốt thời gian học, họ hàng mỗi người cho một ít để giúp gia đình mình. Giờ đây, đã là một kỹ sư, tự kiếm được tiền nhưng mình không thể quên những tháng ngày cùng bố mẹ chạy vạy lo tiền nộp học phí, sinh hoạt mỗi tháng", anh chia sẻ.
Đối với thế hệ 8X, đại học con đường duy nhất để thành công. Đỗ đại học còn là niềm tự hào của bản thân, gia đình, bạn bè và thầy cô... Vì thế, gia đình có khó khăn đến nhường nào, bố mẹ vẫn cố gắng chắt bóp, dành dụm từng chút một, thậm chí là vay mượn để cho con đi thi.
Phụ huynh 'vạ vật' giữa trời nắng chờ con thi
Năm nay, sĩ tử dự thi đã là nhóm 9X cuối cùng. Các em không còn phải lo tìm nhà cửa, chỗ ăn ở, không phải lo giao thông, xe cộ và lạc đường vì tìm địa điểm thi, chắc chắn cũng yên tâm làm bài hơn ngồi lo bố mẹ chờ đợi dưới những trận nắng nóng hơn 40 độ C nơi thành phố xa xôi.
Nhìn lại mùa thi những năm trước, không ít người phải xót xa trước cảnh những ông bố, bà mẹ nằm "vạ vật" giữa trời nắng gắt tháng 7, chờ con thi. Nắng nóng mặt trời, lòng cha mẹ cũng không khác gì lửa đốt, ngóng từng giây, từng phút nhìn mặt con, hỏi han về kết quả thi cử.
Độc giả Quỳnh Nguyễn không giấu được cảm xúc khi chứng kiến người em gái đi thi: "Năm 2012, mẹ đưa mình lên Hà Nội thi. Mẹ cứ đứng ngoài cổng mặc cho trời nắng nóng, ăn không dám ăn, uống không dám uống để tiết kiệm tiền mua đồ ăn ngon cho con. Phòng trọ nóng bức, mẹ cũng dành chỗ mát nhất cho mình...".
|
Phụ huynh nằm vạ vật trên các vỉa hè, có người tranh thủ chợp mắt lấy lại sức trong lúc đợi con thi. Ảnh: Việt Hùng. |
Bạn đọc Mai Hòa nhớ lại lúc quên chứng minh nhân dân, không thể làm thủ tục dự thi. Bố của cô phải đi xe máy về lấy từ Hà Nội về Hải Dương trong vòng vài tiếng đồng hồ. Mồ hôi nhễ nhại, người bố hớt hải chạy đưa vào phòng để con gái kịp đăng ký.
"Lúc thấy bố, mình đã vỡ òa vì cảm động. Giờ nghĩ lại, mình chỉ muốn ôm bố và nói con yêu bố rất nhiều", cô nghẹn ngào.
Lứa 9X cuối cùng bây giờ dự thi ngay gần nhà, xa cũng chỉ vài chục km. Cảnh gia đình lặn lội cả trăm, nghìn km hộ tống con đi thi không còn nữa. Nhưng mỗi ngày, vẫn có biết bao người cha, mẹ, thức khuya, dậy sớm cùng con ôn tập, đến trường thi.
Khi con trong phòng thi, ngoài cánh cổng trường vẫn luôn là phụ huynh đứng đợi. Những ông bố, bà mẹ chẳng dám đi đâu, nhất quyết đứng dưới mưa, dưới nắng, vì lo lắng, vì thương con… trong 3 tiếng làm bài dài đằng đẵng.
Theo Anh Thư - Nhật Ánh/Zing News