Cách phê phán của ông Thuận là đúng và trúng đấy nhưng chưa thấu tình đạt ý một cách sâu sắc. Vì không thể lấy vài ba cái sai sót nhỏ để đánh đồng toàn bộ cả một sự nghiệp “công tác cán bộ”. Với hàng vạn cán bộ được bổ nhiệm, tạo ra hàng chục vạn văn bản quy phạm pháp luật, nếu chỉ có “ít cái sai sót” như bài báo nêu thì đâu có đáng gì, vì luật còn có những “bất cập, không khả thi” mà.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi thấy, khi một bộ luật được ban hành đã thông qua cả một hệ thống cán bộ tầm cỡ “cao” từ cục đến vụ đến viện, thứ, bộ trưởng soạn thảo, ký và trình duyệt lên Thủ tướng Chính phủ, rồi qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Quốc hội thảo luận và bỏ phiếu thông qua và trở lại Chủ tịch Nước ký ban hành luật đến Thủ tướng ra nghị định và bộ trưởng ra thông tư hướng dẫn thi hành. Rồi tiếp là đến cấp tỉnh, thành thực hiện, đều phải nghiên cứu kỹ, ra văn bản chỉ đạo thực hiện, xem ra còn nhiều điều “bất cập, không khả thi”.
Tôi đã đọc và nhớ một số luật như thế này: Luật Giao thông đường bộ trước đây có điều: Nghiêm cấm (cấm) người đi bộ đi xuống lòng đường. Thử hỏi, người đi bộ đi đường nào khi đường không có vỉa hè, hoặc có vỉa hè nhưng đã bị chiếm dụng để kinh doanh... và tất nhiên chả cấm được người đi bộ đi xuống lòng đường. Luật Quy hoạch đô thị có nói về việc giải phóng mặt bằng để lấy đất mở đường thì lấy rộng thêm ra hai bên đường để xây dựng đấu thầu, cho tái định cư tại chỗ... tạo sự công bằng và không tốn tiền ngân sách Nhà nước.
Nếu làm đúng như Luật này là đã thực hiện đúng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhưng đã thấy nơi đâu thực hiện? Nên người có nhà “mặt tiền” bị thua thiệt nhiều, còn nhà ở phía trong được hưởng lợi lớn, trong khi nhà nước chẳng “thu” điều tiết được đồng nào. Và chỉ tạo ra sự mất công bằng... Cơ chế thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có nhiều lỗ hổng nên tồn tại nhiều văn bản kỳ quặc như hiện nay.
Doãn Quý (518 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội)