Người trẻ "chạy show" tiệc tùng, tốn kém khi bước vào mùa lễ hội. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
“Vui ít, tốn nhiều” là lời mô tả của Ngọc Anh (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) về những buổi year end party (YEP).
Từ đầu tháng 12 đến nay, chuyên viên quan hệ khách hàng này đã tham dự 5 bữa tiệc tất niên của chi nhánh, tổng công ty và đối tác.
Sau mỗi buổi tiệc tối, nhiều bức hình được ghi lại và đăng tải trên mạng xã hội khiến Ngọc Anh phải thay đổi outfit, layout trang điểm mỗi lần xuất hiện nhằm làm mới hình ảnh bản thân, thể hiện sự tôn trọng đối với khách hàng. Tuy nhiên, công ty không có chính sách hỗ trợ chi phí này.
Sau hơn 1 tháng, cô kiểm tra ứng dụng theo dõi tài chính cá nhân trên điện thoại. Nhân viên văn phòng không tin được rằng mình đã chi hơn 10 triệu đồng cho hoạt động YEP. Và cho đến Tết Nguyên đán, con số này chưa có dấu hiệu dừng lại.
“17h30 tan làm, 18h tôi đến tiệm makeup, vội vã thay đồ để có mặt tại trung tâm tổ chức sự kiện lúc 20h. Sau mỗi buổi ‘chạy show’, tài khoản của tôi bị trừ khoảng 2 triệu đồng”, Ngọc Anh chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Những bữa tiệc liên miên khiến nhiều người trẻ đau đầu cân đối mức chi tiêu dịp cuối năm. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.
Trường hợp như Ngọc Anh không phải cá biệt. Thực tế, tình trạng người trẻ “mắc bẫy” chi tiêu trong dịp lễ hội cuối năm khá phổ biến ở nhiều quốc gia.
Khó lòng từ chối hàng loạt buổi tiệc với bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, nhiều người đau đầu với những khoản chi liên quan đến ăn uống, trang phục và quà cáp.
Theo báo cáo được công ty khảo sát thị trường và phân tích dữ liệu The Harris Poll thực hiện năm 2023 tại Mỹ, 44% người tiêu dùng thuộc thế hệ Z và Millennials từng mắc nợ vì các khoản chi tiêu trong mùa lễ hội. 62% người tham gia khảo sát cho biết họ chưa chuẩn bị nguồn lực tài chính và kế hoạch chi tiêu cho dịp này.
Ngoài ra, 63% người được hỏi cũng thừa nhận họ có xu hướng đưa ra quyết định chi tiêu bốc đồng trước và trong kỳ nghỉ lễ, dẫn đến sự hối hận sau này.
Báo cáo về thói quen chi tiêu mùa lễ hội của người châu Á được công ty nghiên cứu thị trường Rakuten Insight thực hiện vào tháng 11/2023 chỉ ra 22% người Hàn Quốc tham gia khảo sát sẵn sàng chi 375 USD cho mua sắm, tiệc tùng. Trong khi đó, 18% người Hong Kong đã bỏ ra 385 USD cho danh mục tiêu dùng này.
Tiền ‘đội nón ra đi’ sau mỗi buổi tiệc
Nhận thấy danh mục chi cho liên hoan lên đến 5 con số, Ngọc Anh quyết định cắt giảm khoản tiền dành cho các bữa tiệc từ giờ đến trước Tết Nguyên đán.
Cô dự định tái sử dụng váy áo có sẵn, phối đồ theo những cách khác nhau để làm mới outfit, tự makeup và làm tóc, tiết kiệm được khoản nào hay khoản đấy.
Nếu muốn mặc đồ mới, Ngọc Anh sẽ thuê trang phục và phụ kiện. Sau khi tham khảo giá một số đơn vị, cô nhận ra chi phí thuê chỉ khoảng 200.000 đồng/buổi, bằng 1/10 khoản tiền bỏ ra để mua đồ mới.
“Dù sao tôi cũng chỉ mặc một lần, chụp 2-3 tấm hình”, nữ nhân viên văn phòng giải thích.
Đức Hùng (24 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không tham dự YEP do công ty anh đã cắt giảm hoạt động này trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, anh vẫn tốn một khoản lớn cho những cuộc vui với bạn bè.
Hùng có nhiều bạn thân sinh sống và làm việc tại nước ngoài chỉ về Việt Nam trong dịp Tết Âm lịch. Nể bạn, anh không từ chối bữa tiệc nào, cố gắng có mặt tại mọi buổi tụ tập.
Tuy nhiên, những cuộc vui với bạn bè hiếm khi kết thúc tại một địa điểm, thường kéo dài đến 2-3 tăng. Không muốn bỏ về giữa chừng khiến những người xung quanh mất vui, Đức Hùng cố gắng trụ lại đến giây phút tàn tiệc.
“Sáng hôm sau vừa mở mắt, tôi lập tức hối hận khi nhận được tin nhắn chia tiền. Bữa tiệc nào cũng ngốn của tôi 2-3 triệu đồng”, nhân viên văn phòng 24 tuổi nói.
Không có thưởng Tết, Đức Hùng buộc phải tiết kiệm để trang trải trong dịp này, hạ quyết tâm nói “Không” dù bạn bè nhắn tin, gọi điện giục giã mỗi tối cuối tuần. Anh không tiện chia sẻ về khó khăn tài chính, đành viện cớ bận tăng ca để “trốn” những buổi gặp gỡ gần đây.
Dự đám cưới liên miên lại là tình huống mà Phương Chi (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) phải đối mặt trong dịp này. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Chi vội vàng tổ chức lễ cưới trước Tết Nguyên đán do năm Âm lịch Quý Mão “hợp tuổi” đôi vợ chồng, không thể dời đại sự đến năm sau.
Với mỗi phong bì mừng cưới, cô phải “rút ví” từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, Phương Chi cũng phải chi trả thêm các khoản liên quan, như phí di chuyển tới địa điểm tổ chức hôn lễ ở ngoài TP.HCM, hay phải thuê dịch vụ makeup, làm tóc nếu nhận lời làm phù dâu.
Chưa nhận được thông báo về thưởng Tết từ công ty, Chi “bấm bụng” thanh toán mọi khoản phí liên quan đến tiệc cưới hỏi cuối năm bằng thẻ tín dụng. Cô dự định dùng phúc lợi tài chính cuối năm bù vào khoản vay này.
“Nếu không có thưởng Tết, tôi chưa biết lấy gì trả ngân hàng và ví điện tử”, Phương Chi chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Đừng tiệc tùng đến mức nợ nần
Theo chuyên gia tài chính Mina Chung, nhà sáng lập nền tảng Money With Mina, vào dịp cuối năm, tần suất tiệc tùng tất niên, tân niên trở nên dày đặc. Với nhiều người trẻ, đây là những khoản tiêu không thể tránh khỏi trong giai đoạn này.
Ngoài ra, việc “vung tay quá trán” xảy ra thường xuyên vì cá nhân được nhận lương tháng 13 cùng các khoản thưởng lớn. Hoặc cũng có thể, nhiều người muốn dùng tiền phóng khoáng hơn sau một năm dài nỗ lực làm việc.
Theo chuyên gia, đây là tâm lý tiêu dùng thường thấy, song dễ dẫn đến nhiều sai lầm. Trong khoảng thời gian này, người tiêu dùng vẫn cần lưu ý kỹ các khoản tiền, tiếp tục duy trì kỷ luật thay vì chiều chuộng bản thân quá mức nếu không muốn rơi vào cảnh “thiếu trước, hụt sau”, thậm chí mắc nợ sau khi lễ Tết qua đi.
Để tránh tạo ra những sai lầm tài chính do tiệc tùng liên miên, chuyên gia Mina Chung đưa ra 3 lời khuyên về kế hoạch chi tiêu cuối năm.
Không để nợ
Nhiều cá nhân sẵn sàng mượn tiền, hoặc mua trả góp để thỏa mãn nhu cầu sắm sửa. Họ tự tin khi cho rằng vẫn còn 12 tháng dài để xoay xở với những khoản nợ này.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tồn tại nhiều bất trắc khó lường, ví dụ như thiên tai, dịch bệnh kéo dài, kinh tế suy thoái. Bị hạn chế cơ hội kiếm tiền, bạn sẽ rơi vào bế tắc với phần tiền chưa chi trả. Thay vào đó, hãy tập đo lường khả năng chi tiêu cá nhân. Nhờ vậy, bạn không phải loay hoay với quá trình trả nợ trong thời gian dài.
Thiết lập ngân sách cụ thể
Người trẻ cần xây dựng khoản ngân sách rõ ràng trước khi tiến hành sắm sửa. Bên cạnh đó, duy trì kỷ luật khi sử dụng tiền cũng là nhiệm vụ quan trọng. Bằng không, tâm lý tiêu tiền vô độ sẽ gây ra nhiều phiền phức, dễ đánh mất niềm vui mùa Tết của bất kỳ ai.
Lên kế hoạch chi tiêu sớm
Đây là việc khá đơn giản, song lại ít được lưu tâm. Khi liệt kê những món cần chuẩn bị, khoản phải chi, cá nhân có thời gian cân nhắc giữa nhiều lựa chọn, được quyền so sánh các mức giá trước khi đưa ra quyết định tiêu dùng.
Theo znews