Phòng Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có môn Ngữ văn. Trong môn này, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh suy nghĩ về bài học cuộc sống được gợi ra từ trong lời bài hát "Bên trên tầng lầu" của Tăng Duy Tân: "Em ơi đừng khóc bóng tối trước mắt sẽ bắt em đi/ Em ơi đừng lo em ơi đừng cho tương lai vụt tắt".
Đây là bài hát rất phổ biến trên mạng xã hội, vì vậy đề thi Ngữ văn này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là giới trẻ.
Đề thi này sau đó được lan truyền trên mạng xã hội và nhận được nhiều bình luận có quan điểm khác nhau, đặc biệt là quan điểm trái chiều. Chỉ sau một thời gian ngắn đăng tải, bài viết về đề thi đã nhận được 2 vạn lượt tương tác, hàng ngàn lượt bình luận và chia sẻ. Những tranh cãi chưa dứt, vậy vì sao khi bài hát đi vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lại gây ra hiệu ứng xã hội như thế?
|
Bài hát Bên trên tầng lầu được giới trẻ yêu thích và được mạng xã hội lan truyền thời gian gần đây.
|
Ngữ liệu đề thi Ngữ văn tầm thường, sáo rỗng?
Tài khoản Minh Nguyệt chia sẻ: "Có rất nhiều bài hát hay sao lại lấy bài này nhỉ. Mình thấy lời bài hát với giai điệu nhạc bắt tai thôi chứ ý nghĩa thì không sâu lắm để có thể đưa ra phân tích".
Cùng quan điểm, tài khoản Phát Trần cho biết: "Câu nghị luận xã hội đã làm được một điều "rất tốt", đó là thu hút dư luận, ngoài ra không có tác dụng gì. Ngay cả khi sử dụng hai câu hát để gợi mở về lối sống lạc quan thì nội dung câu hát cũng không đủ độ sâu - nếu không nói là sáo rỗng - để học sinh đọc và ngẫm ra bài học."
Còn tài khoản C.D nói thẳng: "Theo tôi nghĩ, đây là một bài hát thị trường, đôi khi bật nghe cho vui nhà vui cửa, chứ không có ý nghĩa sâu xa. Chỉ là chàng trai muốn hù cho cô gái ấy sợ để mà nín khóc sau một ngày cô ấy mệt mỏi".
"Đề chỉ trích ra hai câu viral (lan truyền) trên mạng xã hội của bài hát rồi bảo học sinh nêu cảm nhận thì mình thấy không hợp lý lắm. Hai câu này đọc vào hơi sáo rỗng như một lời an ủi nhưng không có tác dụng gì, khó có thể cảm nhận được thông điệp tích cực. Nói thẳng là đề thi kiểu này hơi cấn", một tài khoản băn khoăn.
Tìm sự lạc quan trong cuộc sống trong "Bên trên tầng lầu"
Tuy vậy, nhiều người cũng bày tỏ ý kiến rằng việc đưa lời bài hát "Bên trên tầng lầu" vào đề thi Ngữ văn cũng ổn, không sao.
|
Bài hát "Bên trên tầng lầu" của Tăng Duy Tân xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của tỉnh Hậu Giang khiến dư luận tranh cãi.
|
Tài khoản My - M phản bác: "Đề yêu cầu suy nghĩ về bài học cuộc sống mà em tâm đắc nhất được gợi lên từ câu hát, chứ có nói đi phân tích câu hát đâu mà kêu không đủ độ sâu. Còn học sinh suy nghĩ thế nào thì tùy khả năng của từng người thôi".
Tài khoản Dung Lê bày tỏ: "Trong cuộc sống, đôi khi bạn sẽ bị gục ngã bởi những cơn sóng của sự trưởng thành. Nhưng thay vì nằm yên chịu trận mà khóc lóc thì hãy đứng lên vì tương lai phía trước còn dài. Trải qua được những thăng trầm trong cuộc đời sẽ mang lại cho bạn những bài học quý giá và rèn giũa con người bạn."
"Lời bài hát động viên chúng ta đừng đau buồn quá lâu vì bất cứ chuyện gì, lạc quan giúp chúng ta còn có tương lai. Mình thấy đề này ổn mà. Bây giờ giới trẻ rất nhiều người 'nhạy cảm', mỗi khi họ suy nghĩ 'không thông' thông là nghĩ ngay đến chuyện chấm dứt cuộc sống", tài khoản Thuỷ Nam nêu ý kiến.
Trước đó, lời bài hát "Lạc trôi" của Sơn Tùng MTP, "Đom đóm" của Jack được đưa vào đề thi môn Ngữ văn cũng khiến cộng đồng mạng "dậy sóng". Đây cũng là các bản hit (bản nhận được nhiều người nghe nhất) của các nghệ sĩ trẻ được xem là dòng nhạc thị trường.
Bàn về đề thi Ngữ văn theo hướng bắt trend (theo trào lưu), Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Chiến - Phó trưởng khoa Xã hội và Nhân văn trường Đại học Bình Dương đã từng đưa ra lời khuyên: "Hiện nay, có xu hướng ra đề thi theo phong trào, tức là đưa những vấn đề "hot" của xã hội vào đề thi diễn ra ở nhiều trường. Để tránh sự nhất thời, chạy theo xu hướng, người ra đề cần chọn lựa những dữ liệu mang tính bản chất, có sự ảnh hưởng rộng đến lối sống, tư tưởng mà xã hội cần quan tâm".
Đề thi kiểu này có thể thu hút sự chú ý và gợi suy nghĩ cho giới trẻ trước cuộc sống. Tuy nhiên, cần lựa chọn những quan điểm sống có ý nghĩa, đúng đắn, tích cực, không chỉ chạy theo thị hiếu âm nhạc, điện ảnh, văn học... hợp thị hiếu số đông, nhưng không có nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu sắc.
Theo Ly Hương/Công dân&Khuyến học