Giống như mọi cậu bé đến tuổi thiếu niên, một ngày nọ, Kylian Mbappe về nhà và kể với mẹ về những gì đồng đội mới đang làm. Mbappe vừa mới bắt đầu tập luyện tại đội một của Monaco, các anh lớn được đem giày đi làm sạch vào cuối mỗi ngày. Mbappe nói với mẹ về những gì cậu đã thấy. Cậu nói rằng bây giờ cậu đã là cầu thủ đội một nên không cần phải lau chùi đôi giày của mình nữa. Bà lắng nghe để thấu hiểu. Và bà bắt cậu con trai tiếp tục tự đánh lấy đôi giày của mình.
Nếu Mbappe là cầu thủ quyền lực nhất hiện tại, một siêu tiền đạo khiến mọi đội bóng hùng mạnh và giàu có nhất hành tinh phải xếp hàng chờ đàm phán thì bà Fayza Lamari, mẹ của cậu, được xem là nhà đàm phán gay gắt nhất trong thế giới bóng đá. Với Paris Saint-Germain, Real Madrid, hầu hết các đội hàng đầu ở Premier League và những gã trọc phú từ Saudi Arabia đang săn đón chữ ký của cậu con trai, Lamari là người đại diện được săn đón nhất thị trường chuyển nhượng.
Nhưng bà không phải là người đại diện chính thức. Ít nhất trên mặt giấy tờ là như vậy. Bà không phải luật sư hay kế toán. Thậm chí bà chẳng quá quan tâm đến bóng đá. “Tôi làm việc cho thằng nhóc”, Lamari nói trên tờ Le Parisien vào năm 2021. “Kylian là ông chủ của tôi”.
Năm ngoái, có ba người ngồi quanh bàn đàm phán cùng Real Madrid. Hợp đồng của Mbappe với PSG sắp hết hạn và đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha tin chắc rằng họ sắp chiêu mộ thành công ngôi sao họ đã theo đuổi suốt một thập niên. Người thứ nhất là Lamari, phụ trách quản lý phần thương mại của cậu con trai. Ông Wilfried, bố của Mbappe, chịu trách nhiệm chuyên môn. Và cuối cùng là Delphine Verheyden, luật sư phụ trách mảng pháp lý đã làm việc cho tiền đạo người Pháp từ năm 2015.
Lamari và Wilfried không còn chung sống nhưng luôn giữ mối quan hệ bạn bè thân thiện. Khi Mbappe còn nhỏ, lúc cậu còn là học viên ở AS Bondy, lò đào tạo nằm ở ngoại ô Paris rồi chuyển sang Monaco, Wilfied là người có ảnh hưởng lớn nhất. Nhưng khi Mbappe trở thành nhà vô địch thế giới tại World Cup 2018 và trở thành biểu tượng thể thao toàn cầu, hai người phụ nữ bên cạnh anh, Verheyden và Lamari, đã tiếp quản mọi việc.
Ban đầu, Lamari phải vật lộn với áp lực khủng khiếp. Bà sinh ra ở Bondy, nơi cô vẫn gắn bó cả cuộc đời, nhưng bố mẹ cô đến từ Kabylia, miền bắc Algeria. Bà làm nhân viên hành chính trong bộ máy chính quyền của Bondy còn Wilfried là huấn luyện viên bóng đá. Gia đình bà không quen với tiền bạc. Khi tiền tài và danh vọng bất ngờ ập đến cùng sự bùng nổ trên sân cỏ của Mbappe vào năm 2018, khi mới 17 tuổi, Lamari đã tăng tới 24kg vì căng thẳng. Khi Mbappe từ chối Real Madrid để gia nhập PSG trong thương vụ trị giá lên tới 180 triệu euro, Lamari thật sự bị choáng ngợp bởi số tiền không lồ. “Trong ba năm, chúng tôi chẳng dám đụng đến số tiền ấy”, bà cho biết. “Chúng tôi mắc hội chứng của người nghèo. Tôi sợ một ngày nào đó, họ đến để đánh thức tôi và bắt trả lại tiền”.
Nhưng rồi bà dần thích nghi cuộc sống mới, bắt đầu bộc số sự quyết tâm và chiến đấu. Bà gọi đó là “bộ mặt Kabyle” trong con người mình, với tính cách ngoan cường, thậm chí cố chấp mà bà tin rằng được thừa hưởng từ bố mẹ. Phẩm chất ấy đã được bà Lamari thể hiện ở tuổi 20, khi là VĐV bóng ném của AS Bondy tại giải VĐQG Pháp. “Trên sân đấu, Lamari là một chiến binh và cũng rất nóng tính”, ông Jean-Louis Kimmoun, cựu HLV AS Bondy miêu tả trên tờ Le Parisien hồi năm 2017. “Đừng kích động Lamari, cô ấy không phải lúc nào cũng thân thiện đâu”.
Khi những chỉ trách và đề tài tranh cãi xoay quanh Mbappe ngày càng gay gắt, Lamari tự thấy bản thân phải lên tiếng để bảo vệ cậu con trai. Bà đã cãi vã với Veronique Rabiot, mẹ của Adrien Rabiot, khi bà Veronique tố Mbappe quá kiêu ngạo sau trận thua của đội tuyển Pháp trước Thụy Sỹ tại Euro 2020. Bà tỏ ra bất mãn với Neymar và Dani Alves, hai đàn anh của Mbappe tại PSG vì thường xuyên đem ngoại hình của cậu con trai bà ra để bỡn cợt. Hồi tháng Tư vừa qua, bà lại lên tiếng bảo vệ Mbappe sau khi tiền đạo này công khai chỉ trích PSG vì sử dụng hình ảnh của mình trong clip quảng cáo bán vé. "PSG không phải là Kylian Saint-Germain," cầu thủ này viết.
Lamari không chỉ bảo vệ Mbappe, bà còn đứng ra đàm phán cho cậu con trai. Tranh cãi về clip quảng cáo khiến Mbappe và mẹ cầu thủ này phát điên. Họ bực tức vì không kiểm soát được hình ảnh Mbappe muốn thể hiện. Họ muốn Mbappe trở thành hình mẫu hoàn hảo cả trong lẫn ngoài sân cỏ, một vận động viên thể thao gắn liền với những mục tiêu cao cả và đem đến sự thay đổi tích cực. Michael Jordan chính là tấm gương gia đình Mbappe noi theo. Lamari đã tổ chức chuyến hành hương trở về Cameroon vào tháng trước, khi Mbappe chơi bóng cùng các em bé ở Djebale, ngôi làng cha anh lớn lên. Trong cuộc đàm phán với Real năm ngoái, Lamari và Verheyden khẳng định rằng việc kiểm soát hoàn toàn quyền hình ảnh của Mbappé là một phần cơ bản của thỏa thuận.
Cuộc đàm phán ấy là thất bại của Real Madrid và là thảm họa đối với PSG, nhưng ít nhất là thành công về mặt tài chính với Mbappe. Real Madrid cảm thấy sốc vì bị tiền đạo người Pháp từ chối, trong khi chiến thắng của PSG chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Thỏa thuận mới của Mbappe tại Paris bao gồm cái bắt tay vàng ròng trị giá 100 triệu euro và mức lương 50 triệu euro, nhưng không hề có thỏa thuận dài hạn nào. Bản hợp đồng chỉ có thời hạn 2 năm, với tùy chọn gia hạn thêm 1 năm dành cho Mbappe chứ không phải PSG. 12 tháng sau khi ký hợp đồng mới, Mbappe chỉ còn 1 năm trong hợp đồng để có thể ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Và tiền đạo này đã thông báo cho PSG về việc không tiếp tục gắn bó với đội bóng này sau năm thứ hai của hợp đồng. Xét về khía cạnh tối đa hóa giá trị trong khi vẫn nắm được quyền kiểm soát, thỏa thuận này là bước đột phá.
Nếu Mbappe làm theo cách của mẹ, mọi chuyện có thể đã khác. Bà Lamari thì nhận bà và Verheyden khuyến khích Mbappe gia nhập Real Madrid trong khi ông Wilfried muốn cậu con trai ở lại PSG. Nhưng Lamari khẳng định quyết định cuối cùng luôn thuộc về Mbappe, điều cầu thủ này luôn nhấn mạnh. “Chúng tôi thảo luận về mọi thứ nhưng họ không bao giờ phản đối quyết định của tôi và không bao giờ áp đặt, từ lúc còn nhỏ đã như vậy”, Mbappe cho biết. “Bố mẹ tôi luôn giải thích cho tôi rằng quyết định nào là tốt nhất và nếu tôi chọn sai, tôi phải chịu trách nhiệm như một người đàn ông”.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Lamari lên Mbappe khiến nhiều người khó chịu. Người đại diện của Ferland Mendy, hậu vệ đang khoác áo Real Madrid và là đồng đội của Mbappe tại đội tuyển Pháp cho rằng ảnh hưởng của bà Lamari khiếp Mbappe mất cơ hội đầu quân cho đội bóng Hoàng gia. Năm ngoái, Zlatan Ibrahimovic cũng chỉ trích bố mẹ tiền đạo này tham quyền. “Bố mẹ cậu ấy đã trở thành luật sư, người đại diện và huấn luyện viên của cậu ấy”, huyền thoại người Thụy Điển bình luận. “Họ nghĩ họ là ai? Họ nên ngậm miệng lại. Tương lai của cậu ấy phụ thuộc vào cậu ấy, với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp”.
Những người chỉ trích bà Lamari thường là nam giới, những người nắm quyền lực chủ đạo trong môn bóng đá. Ông Jorge Messi đã làm người đại diện cho siêu sao Lionel Messi nhiều năm và không bị chỉ trích vì để cậu con trai gia nhập Inter Miami thay vì trở lại Barcelona. Những người khác tin rằng thực tế sự tập trung toàn bộ trí lực vào cậu con trai của Lamari là một ưu thế. Bà hoàn toàn độc lập trước mọi tác động, không giống như những người đại diện hay còn gọi là các siêu cò lắm mối quan hệ. Đó là đòn bẩy của Lamari trong các cuộc đàm phán. Bà không phải giữ gìn mối quan hệ cá nhân, chỉ tập trung vào duy nhất một việc là bảo vệ tương lai của “ông chủ”, cũng là bảo vệ tương lai cho cậu con trai yêu quý.
Trong ý nghĩa ấy, thực ra Lamari không thực hiện nhiệm vụ của một người đại diện mà đang làm thiên chức của một người mẹ. Giống như lúc cậu bé Mbappe than phiền với mẹ về việc các anh lớn tại Monaco được phục vụ lau chùi giày, Lamari xem đó là nghĩa vụ của một bà mẹ để cậu con trai không trở nên tự mãn. Bà la mắng Mbappe khi các chuyên gia đọc khẩu hình cho thấy cậu con trai của bà đang chỉ trích đồng đội. Bà bác bỏ mọi lời phàn nàn của Mbappe khi tiền đạo này từ chối những nhà tài trợ không phù hợp. Họ trò chuyện với nhau về âm nhạc và phụ nữ. Mbappe tiết lộ rằng thần tượng âm nhạc của anh là Daniel Balavoine, danh ca Pháp ở thập niên 1980. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bài hát nổi tiếng nhất của Balavoine có tên: Mon fils ma bataille – Con trai tôi là trận chiến của tôi!
Theo Người đưa tin