Hãy tưởng tượng thế này. Bạn mang nặng đẻ đau 9 tháng và sau đó có một đứa trẻ đáng yêu nhất trên đời. Bạn sống bên đứa bé từng ngày, nuôi nó lớn khôn. Tóc nó đen nháy, má nó đỏ lịm, nó bi bô với bạn, nó gọi bạn là mẹ. Với bạn, đứa bé ấy là cả thế giới.
|
Phía sau chiến công của U23 Việt Nam là những sự hy sinh vô bờ bến từ gia đình. Ảnh: AFC. |
Để rồi một ngày, khi đứa bé ấy tròn 11 tuổi, nó đứng ra giữa nhà. Nó dõng dạc bảo nó muốn đi làm cầu thủ. Rồi nó đi thật.
11 tuổi là năm bản lề trong sự nghiệp của một cầu thủ trẻ. Bắt đầu từ đây, các cầu thủ nhí rời bỏ gia đình, đi xa khỏi vòng tay cha mẹ. Họ bắt đầu đời sống tập trung, bước vào một quy trình đào tạo khắc nghiệt. Từ đây, cha mẹ sẽ chỉ còn nghe thấy hơi thở của con trong điện thoại, chỉ nhìn thấy bóng con thấp thoáng trên sân cỏ xa xăm.
Hành trình xa cách ấy, tất cả chàng trai U23 Việt Nam và gia đình họ đều đã trải qua.
Mẹ của Đoàn Văn Hậu: Ước gì mẹ đau thay được cho con
Giải U23 châu Á 2018 không phải là niềm hạnh phúc trọn vẹn với cá nhân Đoàn Văn Hậu. Chàng trai 19 tuổi dính chấn thương ngay sau vòng bảng khi đang ở phong độ đỉnh cao. Suốt 3 trận knock-out, Văn Hậu phải ngồi nhìn đồng đội chiến đấu từ ngoài đường pít.
Chứng kiến cảnh ấy, bà Vũ Thị Nụ (mẹ Văn Hậu) không giấu được giọt nước mắt: “Nó đau như thế, tôi buồn nhiều lắm. Ngày ấy, tôi cứ ước gì mình đau được thay con để nó vào sân thi đấu”.
|
Mẹ Đoàn Văn Hậu là người phụ nữ hiền thục, tần tảo và mau nước mắt mỗi khi nói về con trai. Ảnh: Lê Hiếu. |
Bản thân Văn Hậu xa nhà từ năm 11 tuổi. Thần đồng của bóng đá Thái Bình được lò đào tạo Hà Nội nhấc lên thủ đô sau Giải U11 quốc gia năm 2011. Nổi tiếng là người “thích tập hơn thích chơi”, Văn Hậu đã không ít lần khiến mẹ phải phiền lòng.
Bà Nụ nhớ lại: “Mỗi năm nó chỉ về nhà một - hai lần. Nhưng nó chỉ ở nhà vài ngày rồi nằng nặc đòi xuống Thái Bình. Nó bảo ở nhà nhiều, chân tay cứng, không chơi được bóng. Tôi muốn giữ nó lại nhưng nó không nghe”.
Cuộc đời VĐV chuyên nghiệp không cho phép những đợt nghỉ dài. Dịp Tết vừa rồi, Văn Hậu cũng chỉ được nghỉ khoảng 1 tuần. Có nhiều thời gian ở bên con, vì thế, vẫn là điều ước giản dị mà xa vời với bà Nụ trong ngày 8/3.
Mẹ Bùi Tiến Dũng: Đói đến đâu, bố mẹ cũng không để con bỏ bóng đá
Khác với bà Nụ, nỗi nhớ của bà Phạm Thị Điều thậm chí còn nhân đôi. Người mẹ làng Bào đã mang đến cho U23 Việt Nam hai người hùng. Đó là thủ môn Bùi Tiến Dũng và cậu em trai Bùi Tiến Dụng.
Gia đình Dũng - Dụng nằm ở huyện Ngọc Lặc, gần vùng rừng núi Thanh Hóa, cách không xa biên giới Lào. Bà Điều và cả gia đình đều làm nông, cuộc sống rất vất vả, cơ cực. Thời thơ ấu của anh em Dũng - Dụng sớm phải trải qua sự khắc nghiệt của cái đói, cái nghèo. Những bữa cơm khoai, sắn với hai anh em luôn là điều quen thuộc.
Chỉ có tình thương của cha mẹ là không gì đo đếm được. Bà Điều nhớ lại: “Ngày ấy, dù khó khăn đến đâu, tôi cũng không bao giờ nói với con. Vợ chồng tôi luôn bảo hai con yên tâm đi, bố mẹ có nghèo tới đâu cũng không để các con đói, có nghèo cũng làm mọi cách để có tiền ăn học cho con. Tôi sợ rằng nếu chúng nó biết mình vất vả, chúng sẽ không theo đuổi cái nghiệp bóng ấy nữa”.
Ở vùng quê Ngọc Lặc, rất nhiều gia đình đã cho con bỏ học đi làm. Khó khăn kinh tế cộng với nhận thức thấp, không nhiều thanh niên trong vùng được ăn học, được có một nghề tử tế. Gia đình bà Điều cũng đã nhiều lần nghĩ tới việc cho hai anh em thôi học, về đi làm thuê.
Bà Điều xúc động: “Có lúc, mình cũng nghĩ tới chuyện cho con nghỉ về nhà kiếm thêm tiền. Nhưng con mình ngoan quá, bảo gì cũng nghe, nói gì cũng làm, thiếu cái gì chúng nó đều tự đi kiếm. Hàng xóm thuê việc gì chúng nó cũng cố làm để có tiền. Bọn nó ngoan như thế, mình sao nỡ bảo chúng nó bỏ trái bóng. Thôi thì bố mẹ nghèo nhưng sẽ không để điều gì làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của các con”.
Mẹ Xuân Mạnh: Bán trâu, vay nợ vì con
Với nhiều người, khoảnh khắc U23 Việt Nam đẹp nhất không phải là cú đá phạt thần sầu từ Quang Hải hay hình ảnh Duy Mạnh quỳ dưới cờ đào, đó là giây phút Xuân Mạnh bế trên tay người mẹ già, nước mắt ràn rụa trong ngày trở về Nội Bài.
Giống như nhiều người hùng U23 Việt Nam khác, Xuân Mạnh và gia đình đã đi một hành trình rất dài trước khi tới thành công.
Hậu vệ phải của U23 Việt Nam sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em ở Yên Thành, Nghệ An. Dấu ấn đầu tiên của Xuân Mạnh là phong độ cao ở giải U10 Nghệ An. Sau giải đấu đó, bà Phan Thị Hà - mẹ Xuân Mạnh mới cùng con lên Vinh thi tuyển. Ba ngày trên thành phố, hai mẹ con chỉ có vẻn vẹn 200.000 đồng. Nếu không có nhà hảo tâm giúp đỡ, Xuân Mạnh đã không thể đỗ vào lò Sông Lam.
Khoảng thời gian ở đội trẻ xứ Nghệ cũng chính là quãng đời khó khăn nhất của Xuân Mạnh và gia đình. Để có chi phí cho Xuân Mạnh ăn học, gia đình phải đôn đáo khắp nơi vay tiền. Bà Hà và chồng thậm chí phải bán đi sản nghiệp lớn nhất là con trâu trong nhà để Mạnh có tiền ở lại Sông Lam.
Hậu vệ Xuân Mạnh: Gia đình nghèo khó là động lực để đá bóng' Thành công sau giải vô địch châu Á, hậu vệ Xuân Mạnh với chỉ mong muốn đơn giản xây cho bố mẹ một ngôi nhà không bị dột mỗi khi trời mưa.
Ngôi nhà gia đình đang ở bây giờ cũng được xây nhờ tiền vay từ anh em, họ hàng. Phải tới khi Xuân Mạnh lên đội một rồi sau đó lập kỳ tích ở Giải U23 châu Á, kinh tế gia đình mới khấm khá hơn.
Những ai tinh ý sẽ nhận ra bà Hà già hơn rất nhiều so với tuổi thật. Những sự hy sinh ấy của mẹ, không điều gì có thể so sánh được.
Theo Thanh Hà/Zing News