Tiểu Hải nhập viện trong tình trạng tay chân sưng cục và không thể đi lại.
Tiểu Hải, 18 tuổi, một học sinh trung học đến từ thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cậu không có sở thích gì khác ngoài việc uống trà sữa. "Thường thì hai ngày uống một cốc, cũng có lúc mỗi ngày một cốc", Tiểu Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng chính vì sở thích này đã khiến Tiểu Hải phải nhập viện với tình trạng tay chân nổi cục u to, vô cùng đau đớn và không thể đi lại.
Trịnh Thiểu Linh, bác sĩ điều trị tại khoa Thấp khớp và Miễn dịch của bệnh viện Nhân dân số 2 Quảng Đông, điều trị cho Tiểu Hải giải thích rằng trà sữa là thức uống giải khát có hàm lượng đường cao. Sau khi thành phần fructose cao đi vào cơ thể sẽ tạo ra lượng axit uric quá mức trong quá trình trao đổi chất, rồi dẫn tới bệnh gout.
"Những cục u to màu trắng trên tay chân Tiểu Hải là hạt tophi, triệu chứng nghiêm trọng của bệnh gout", bác sĩ Trịnh nói.
"Kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng axit uric trong người Tiểu Hải rất cao, lên tới 900umol/l. Chúng tôi lập tức thực hiện các phương pháp điều trị chống viêm và hạ axit uric. Hiện đã tạm thời ổn định mức axit uric trong máu của cậu ấy xuống 400umol/l, Tiểu Hải đã dần đứng được và di chuyển. Trong quá trình tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực giảm axit uric cho cậu ấy, đồng thời cố gắng chữa trị để các hạt tophi trên khớp tiêu dần hoặc thậm chí biến mất", bác sĩ Trịnh chia sẻ.
Các khớp tay sưng cục đáng sợ của Tiểu Hải.
Thực tế, Tiểu Hải đã có tiền sử bị bệnh gout từ 4 năm trước, nhưng cậu không uống thuốc đều đặn và không ăn kiêng.
"Tôi nhớ hôm đó khi đi đá bóng về, ngón áp út bên phải bị đau và sưng tấy, mấy ngày liền không thuyên giảm. Tôi đến bệnh viện khám thì kết quả axit uric rất cao. Có thể là bệnh gout. Vì lúc đó chưa nghiêm trọng lắm nên bác sĩ kê đơn thuốc và dặn tôi chú ý ăn uống, kiểm soát cân nặng. Tôi về nhà rồi dần quên lời dặn của bác sĩ, cứ thế ăn uống tùy tiện và các hạt tophi trên tay chân cứ lặng lẽ mọc lên. Giờ nghĩ lại, tôi thực sự hối hận", Tiểu Hải nói.
Trong những năm gần đây, xu hướng người trẻ mắc bệnh gout ngày càng rõ rệt.
Bác sĩ Trịnh Thiếu Linh cho biết độ tuổi mắc bệnh gout tiếp tục trẻ hóa và đang dần trở nên phổ biến hơn ở những trường hợp sinh vào thập niên 2000. Khi có biểu hiện đỏ, sưng, nóng, đau ở một khớp cần đặc biết lưu ý, đó có thể là cơn gút cấp.
Cô giải thích thêm rằng điều này có liên quan đến thói quen sống hằng ngày, như chế độ ăn nhiều purin, nhiều đường hay ít vận động.
Theo Hoa Vũ/Đời sống & Pháp luật