Bức tượng rồng bay lên trời tại huyện Goheung, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc. Ảnh: Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO).
Năm 2024 đã đến, đánh dấu năm rồng trong chu kỳ 60 năm.
Rồng là biểu tượng của sức mạnh, sự thịnh vượng và thành công. Con vật này thuộc cung thứ năm và là sinh vật thần thoại duy nhất trong 12 cung hoàng đạo phương Đông. Từ lâu rồng đã được coi là sinh vật hộ mệnh cho người dân Hàn Quốc.
Theo Viện Thông tin địa lý quốc gia Hàn Quốc, nước này có 1.261 địa điểm mang từ rồng - “yong” trong tiếng Hàn. Việc chêm từ rồng vào tên bắt nguồn từ văn hóa dân gian gắn liền với các sinh vật huyền thoại.
Những ngôi chùa, cầu, ngọn núi có truyền thuyết liên quan đến rồng ở xứ sở kim chi là nơi thích hợp cho du khách mong cầu thịnh vượng và bình an dịp đầu xuân.
Nguyện ước năm mới tại đền Haedong Yonggungsa
Theo SCMP, Haedong Yonggungsa (Busan) là ngôi đền có vị trí đẹp nhất ở Hàn Quốc khi lưng tựa núi, trước mặt là biển cả. Trong tiếng Hàn, yonggung có nghĩa là "cung điện rồng", đề cập đến dinh thự hoàng gia - nơi ở của yongwang (vua rồng).
Haedong Yonggungsa (Busan) là một trong 1.261 địa điểm mang từ rồng trong tên. Ảnh: SCMP.
Tương truyền trong giai đoạn đất nước lâm nguy, hạn hán kéo dài, một nhà sư tên Naong đã nằm mơ thấy Long Vương hiện về, mách ông hãy cho xây một ngôi đền bên bờ biển, sát rìa núi Bongrae, để người dân có nơi cầu nguyện, mong ước hạnh phúc.
Năm 1376, đền được thành lập.
Ngay tại lối vào đền, du khách sẽ bắt gặp tượng 12 con giáp. Người dân tin rằng những pho tượng này sẽ bảo vệ vùng đất khỏi linh hồn ma quỷ và mang lại phước lành cho nhân loại.
Ngày nay, Haedong Yonggungsa không chỉ là nơi người dân, du khách gửi gắm ước nguyện, mà còn là địa điểm ngắm bình minh nổi tiếng xứ Hàn.
Người dân còn truyền tai nhau rằng nếu cầu nguyện tại đây, ít nhất một mong muốn trong năm mới của bạn sẽ thành hiện thực.
Đền mở cửa miễn phí cho du khách tham quan lúc 4h30-19h mỗi ngày.
Chạm vào nấc thang rồng thiêng ở Goheung
Người dân Hàn Quốc tin rằng khi xưa, tại con đường ven biển Mirumaru-gil (huyện Goheung, tỉnh Jeolla Nam), có một con rồng bay lên trời.
Tên của con đường là sự kết hợp từ hai thuật ngữ cổ của Hàn Quốc -miru và maru - nghĩa là rồng và bầu trời.
Bờ biển dọc theo vách đá ở Mirumaru-gil - nơi lưu truyền câu chuyện về một con rồng đã bay lên thiên đường. Ảnh: donga, nate.
Theo một truyền thuyết địa phương, thuở xưa tại khu vực này bất ngờ xuất hiện hai con rồng lạ, chúng giao chiến để giành lấy một viên ngọc ma thuật mang sức mạnh siêu nhiên, ban cho mọi điều ước.
Bỗng ngày nọ, một nhà thông thái tóc bạc phơ báo mộng cho Ryu Shi-in - một cung thủ trong làng - bắn mũi tên vào một trong hai con rồng để ngăn chặn cuộc chiến, chấm dứt vận rủi đang đeo bám ngôi làng.
Tỉnh dậy sau giấc mộng, chàng cung thủ bắn hạ một con rồng, khép lại cuộc chiến. Con còn lại bò dọc theo vách đá, để lại dấu chân dài 5 m, sau đó từ từ bay vút lên trời cao. Ngày nay, người dân vẫn còn nhìn thấy màu sắc trên lớp đá in dấu chân khác với vị trí còn lại.
Con đường Mirumaru-gil có tầm nhìn toàn cảnh nhìn ra đại dương. Cuối con đường là Đài quan sát phóng tên lửa Goheung và Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, du khách có thể tham quan triển lãm về lịch sử phát triển không gian nước này tại đây.
Ngắm Mặt Trời mọc tại núi Yongma
Đỉnh núi Yongma ở phía đông Seoul mang đến một trong những tầm nhìn toàn cảnh đẹp nhất của thủ đô. Với độ cao 348 m, nơi đây có tuyến đi bộ đường dài về đêm dành cho du khách thích tận hưởng khung cảnh bình minh và hoàng hôn.
Ngoài ra, từ đỉnh núi, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố, các công trình nổi tiếng như tháp Lotte World và những cây cầu bắc qua sông Hàn.
Toàn cảnh phía đông thủ đô Seoul nhìn từ đỉnh Yongma. Ảnh: KTO.
Theo truyền thuyết địa phương, một cặp vợ chồng sống trên núi đã sinh ra đứa con có khả năng phi thường. Từ khi cậu ra đời, một con ngựa rồng có cánh (yongma) luôn đợi cậu bé trên đỉnh núi như mong ngóng chủ nhân.
Dân làng lo sợ đứa trẻ không chống đỡ nổi sức mạnh này dẫn đến mất mạng.
Và rồi điều dân người dân lo sợ cũng xảy đến.
Vào đêm đứa bé qua đời, con ngựa rồng đợi mãi không thấy người đến bèn bay khỏi đỉnh núi và phát ra một tiếng hú dài thê lương như thương khóc cho sự ra đi của đứa trẻ.
Gần đỉnh núi là công viên Thác Yongma. Khu vực này có ba thác nước nhân tạo được xây dựng trên một vách đá, hoạt động từ tháng 5-8.
Thưởng cảnh đêm đô thị từ đỉnh Yongyang
Công viên Yongyangbong Jejeong gần bờ nam sông Hàn (Seoul) đã trở thành điểm ngắm cảnh hoàng hôn mới nhất của thành phố kể từ khi địa điểm này mở cửa vào tháng 4/2021.
Cảnh mặt trời mọc từ đỉnh Yongyang ở Seoul. Ảnh: KTO.
Công viên được đặt tên theo một cung điện tạm thời gần đó, nơi vua Jeongjo - vị vua thứ 22 của triều đại Joseon (1392-1910) - từng dừng chân nghỉ ngơi trên đường đi thăm mộ cha.
Vị vua này đã đặt tên cung điện theo cảnh mà ông cho rằng giống như một con rồng ngẩng cao đầu bay về trời.
Khung cảnh mà nhà vua nhìn thấy giờ đã không còn nữa, nhưng địa điểm này mang đến một vẻ đẹp thơ mộng, không gian thoáng đãng ngắm nhìn một Seoul nhộn nhịp, hiện đại với những tòa nhà chọc trời.
Theo Minh Vi/Znews