|
Làng Tân Hà được thiết kế như hình bát quái
|
Theo hồi tưởng của những bậc cao niên, sau năm 1954, một nhóm giáo dân di cư từ Hà Nội vào định cư tại B’Lao (Đồng Nai Thượng cũ), nay là Bảo Lộc (Lâm Đồng). Do đó, ngôi làng mới được đặt tên là Tân Hà, nghĩa là Hà Nội mới.
Ngày đó, cha xứ Patrice Gagné (người Pháp) có ý tưởng về việc lập nên một đồ án quy hoạch cho vùng đất mới Tân Hà và kiến trúc sư Nguyễn Văn Trọng đã vẽ bản thảo của đồ án từ ý tưởng của cha.
|
Đồ án đầu tiên xây dựng làng Tân Hà
|
Làng Tân Hà được thiết kế giống như hình bát quái, trong đó nhà thờ nằm ở trung tâm và cũng là địa điểm cao nhất mà cả vùng đều hướng về. Từ nhà thờ tỏa ra 8 con đường, chia mặt đất thành 7 khu đất rộng.
|
Giáo xứ Mân Côi nằm ở vị trí trung tâm của làng Tân Hà
|
Sau đó, làng tiếp tục đón nhiều đợt di cư của người dân từ các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa vào lập nghiệp, sinh sống. Trải qua 70 năm phát triển, làng Tân Hà hiện nay thuộc phường Lộc Tiến (thành phố Bảo Lộc) có hơn 10.000 giáo dân và là một trong những giáo xứ lớn ở Lâm Đồng.
Những thập niên gần đây, mặc cho tốc độ đô thị hóa của xứ trà B’lao diễn ra nhanh chóng, làng Tân Hà vẫn được định hướng phát triển theo đồ án quy hoạch ban đầu, từ nhà cửa, đường sá đến các công trình hạ tầng khác. Người dân nơi đây luôn cố gắng gìn giữ những công trình kiến trúc xưa cũng như nét đặc thù của ngôi làng đúng theo đồ án quy hoạch bởi những người đi trước.
Đi dạo trên những con đường nhỏ, ngắm nhìn muôn hoa đua nở trong vườn nhà, trên bờ rào; những vườn rau, vườn trà xanh mướt của vùng cao nguyên; thả hồn vào không gian yên bình, thấy thư thái, nhẹ nhõm vô cùng.
|
Vườn rau xanh mướt
|
|
Cây trái tốt tươi
|
Vào đêm Noel hay thời khắc giao thừa chào đón năm mới, làng Tân Hà sáng bừng bởi đèn điện lung linh. Những hôm trời nhiều mây hoặc sương mù, ngôi làng bình dị bỗng trở nên thơ mộng.
|
Mây phủ góc làng. Ảnh: Nguyễn Phi Dzũng
|
Chị Nguyễn Thủy Ba (ngụ phường 2, thành phố Bảo Lộc) kể, ngày trước, khi chưa có Internet, mạng 4G, google map…, người lạ rất ngại đến làng Tân Hà vì dễ bị lạc, không biết đường ra, đi đâu cũng đụng ngã tư, lòng vòng một hồi có khi quay lại chỗ vừa rời đi ban nãy.
“Hồi đó, chúng mình thường bảo nhau, nếu đi lạc thì cứ tìm đến giáo xứ Mân Côi Tân Hà. Ở điểm cao đó có thể quan sát được xung quanh, xác định lại vị trí rồi đi tiếp”, chị Thủy Ba chia sẻ.
Ông Lê Hữu Phước (ngụ phường 7, thành phố Đà Lạt) chia sẻ, rất ngỡ ngàng khi đến làng Tân Hà. “Không ngờ ở Việt Nam có một ngôi làng được thiết kế đẹp như vậy, làng có hình bát quái nằm giữa thiên nhiên hùng vĩ, na ná phong cách khu vực Khải Hoàn môn ở Paris, Pháp. Nơi đây có địa hình địa thế tốt nên mới quy hoạch được như vậy”, ông phân tích.
|
Khung cảnh tuyệt đẹp ở làng Tân Hà - Ảnh: Nguyễn Phi Dzũng
|
Các giáo dân nơi đây cho hay, vì có vị trí thuận lợi về mặt không gian, giao thông quy củ, khung cảnh hữu tình nên nhiều sự kiện lớn của giáo phận Đà Lạt được tổ chức ở giáo xứ Tân Hà.
Theo Tiền Phong