Bấp bênh cuộc sống khi du lịch phải tạm dừng
Trong hơn 2 năm kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống, nhiều nhân sự ngành du lịch phải tạm thời bỏ nghề tìm kế sinh nhai khác để trang trải cho bản thân và gia đình.
Hướng dẫn viên Lê Văn Quân (24 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh đã sống trong khủng hoảng khi công việc bị ngưng trệ, không có thu nhập nên phải chuyển sang công việc khác để có thêm thu nhập.
Công việc mà chàng trai 24 tuổi lựa chọn là trở thành một nhân viên tư vấn bảo hiểm. Thời gian đầu khi mới bắt đầu công việc mới, những khách hàng đầu tiên của Quân là gia đình và bạn bè nên chàng trai trẻ cũng dễ dàng hơn trong việc hoàn thành xong chỉ tiêu. Nhưng sau đó một thời gian, mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi Quân có thêm nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
|
Văn Quân phải thay đổi công việc liên tục trong mùa dịch để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống |
“Chuyển sang một ngành nghề mới trái với sở trưởng của mình là không hề dễ dàng. Hai năm qua mình đã thử qua rất nhiều công việc nhưng vẫn chưa thể tìm kiếm một nơi mình có thể toàn tâm toàn ý cống hiến như với du lịch. Dù vậy, mình vẫn luôn cố gắng hết sức với các công việc được giao. Mình nghĩ rằng mình phải bằng mọi giá lo cho được bản thân để có quyết tâm chờ đợi, quay lại với du lịch”, Quân nói.
May mắn hơn Trung Quân, Lê Bảo Linh (26 tuổi, nhân viên sale tour) sống cùng với gia đình tại Hà Nội nên khi phải tạm ngừng công việc trong ngành du lịch, cô vẫn có được sự giúp đỡ từ gia đình. Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. Bảo Linh trở thành tình nguyện viên chống dịch, đảm nhận nhiệm vụ tiếp tế, hỗ trợ cho người dân ở những nơi khó khăn.
"Nhớ lại thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại Hà Nội, mỗi ngày qua là một ngày mình thêm nhớ nghề da diết. Vì vậy mà mình quyết tâm tham gia tình nguyện góp một phần sức lực với mong muốn sớm đẩy lùi đại dịch để quay trở lại với công việc mà mình yêu thích", Bảo Linh chia sẻ.
Còn Trịnh Minh Quang (25 tuổi) lại quyết định chọn trở về quê phụ giúp công việc của gia đình sau một thời gian loay hoay tại thành phố để tìm kiếm việc làm.
“Nhà mình có một trang trại gà nên thời điểm ngành du lịch “đóng băng”, mình chọn về quê để phụ giúp bố mẹ trông coi và chăm sóc trang trại. Khi ở nhà, mình vẫn tìm hiểu, theo dõi tình hình hàng ngày cũng như cập nhập thêm các kiến thức về du lịch. Mình cũng học xong một khóa học tiếng Trung nên cũng cảm thấy vui vẻ hơn khi đã không quá lãng phí thời gian trong lúc phải tạm nghỉ vì dịch bệnh”, Minh Quang chia sẻ.
Bắt nhịp lại với công việc
Từ đầu năm đến nay, Phùng Bảo Khoa (26 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bắt nhịp lại với nghề hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh công việc hướng dẫn viên. Bảo Khoa cũng bắt tay vào thực hiện công việc cho thuê xe du lịch tại Cao Bằng quê hương anh khi nhận thấy những tín hiệu tích cực cũng như lượng khách du lịch đang ngày một gia tăng nhanh chóng.
“Tính ra mình cũng đã đi được hơn 10 tour từ đầu năm đến giờ, chủ yếu là các tour dài ngày, thu nhập cũng tăng cao hơn so với mùa dịch. Từ giờ đến hết kỳ nghỉ lễ 30/4, mình cũng gần như kín lịch đi làm nên cảm thấy vui và phấn khởi lắm. Mình đã đợi thời điểm này quá lâu rồi”, Bảo Khoa hào hứng nói.
Còn Phạm Quyền (25 tuổi), một hướng dẫn viên du lịch khác cho biết bản thân cảm thấy may mắn khi trong suốt những đợt dịch vừa qua vẫn được nhận lương cơ bản để sống qua mùa dịch.
“Được quay trở lại cầm mic, đứng xe và truyền tải tới du khách những câu chuyện vui, những kinh nghiệm trong cuộc sống khiến mình cảm thấy rất hạnh phúc. Được đi đây đi đó, tâm lý mình cũng thoải mái hơn, thu nhập dần ổn định.
Ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ nên ngoài việc dẫn tour, mình cũng làm thêm công việc bán combo du lịch, vé máy bay, phòng khách sạn để tăng thêm kinh nghiệm cũng như nguồn kinh tế cho bản thân. Mình hy vọng dịch COVID-19 sẽ không còn để ngành du lịch thật sự bùng nổ trở lại", Quyền bày tỏ
Tương tự, Nguyễn Văn Toàn, một điều hành tour cho biết anh nhận thấy nhiều tín hiệu lạc quan của ngành du lịch trong thời gian sắp tới khi số lượng khách đặt tour tại công ty của Toàn đang ngày một đông hơn.
“Mình cảm thấy như được sống lại với nghề du lịch, một cảm giác rất đặc biệt. Nhìn những đoàn khách khởi hành liên tục, mình cảm thấy thực sự vui và hạnh phúc. Vậy nên dù dịch bệnh đã được kiểm soát, mình và cả công ty sẽ vẫn cố gắng tốt nhất để đảm bảo an toàn cho khách.
Bên cạnh đó, từng chương trình, sản phẩm tour cũng được chúng mình chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ xe cộ, các điểm đến rồi các nhà cung cấp dịch vụ, mình đều kiểm tra hàng ngày. Vì đã lâu rồi người người, nhà nhà mới đi du lịch nên với mình, lợi ích và trải nghiệm của khách hàng sẽ là ưu tiên hàng đầu”, Văn Toàn chia sẻ.
Theo Trung Đức/ Tuổi Trẻ Thủ Đô