Mới làm việc tại vị trí chuyên viên truyền thông trong một công ty thời trang hơn 1 tháng, chưa hết thời gian thử việc, Trần Thu Hà (24 tuổi, Ngọc Khánh, Đống Đa, Hà Nội) đã quyết định xin nghỉ việc để chuyển sang công ty khác chuyên về kinh doanh thiết bị điện tử.
Hà cho biết, lý do chính muốn nhảy việc là mức lương chưa tương xứng với công sức bỏ ra: “Ở vị trí nhân viên truyền thông, em phải phụ trách cả việc lên nội dung cho các bài đăng trên facebook hàng ngày và trên website, nhưng lương thử việc chỉ được 5 triệu/ tháng. Chuyển sang chỗ làm mới, em được hưởng những chế độ đãi ngộ tốt hơn, lương thử việc đã 7 triệu đồng, nếu vào chính thức, sẽ có thêm tiền thưởng theo doanh thu”.
|
Tình trạng nhảy việc ở nhân sự trẻ khiến nhiều nhà tuyển dụng đau đầu. (Ảnh minh họa) |
Nguyễn Khánh Hiền (23 tuổi, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) tốt nghiệp đại học được hơn 8 tháng, nhưng đến nay đã chuyển việc 3 lần. Giống như Trần Thu Hà, lý do mà Hiền chuyển việc chủ yếu liên quan đến lương và môi trường làm việc không phù hợp.
Thực tế, không ít bạn trẻ, đặc biệt là những sinh viên mới ra trường thường có xu hướng nhảy việc. Tình trạng người lao động chuyển việc thường xuyên đã khiến cho không ít doanh nghiệp lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”.
Ông Nguyễn Bá Duy, Phó phòng Kinh doanh khu vực phía Bắc công ty Cổ phần FPT cho biết, công ty hiện đang cần tuyển không giới hạn số lượng nhân viên kinh doanh. Một phần lý do là sau Tết, một lượng đáng kể nhân viên mảng này xin nghỉ việc. “Phòng Kinh doanh có tổng số 15 người cả sếp và nhân viên, thì từ Tết tới giờ đã có 6 nhân viên xin nghỉ việc. Hầu hết các nhân sự xin nghỉ đều đang trong thời gian thử việc hoặc mới làm việc trong thời gian ngắn dưới 3 tháng. Dù đây là vấn đề chúng tôi đã lường trước nhưng vẫn có những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng, công việc chung cũng như ảnh hưởng đến các nhân sự khác”, ông Duy cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Duy, vị trí nhân viên kinh doanh công ty CP FPT tuyển không yêu cầu trình độ quá cao, công ty nhận những ứng viên tốt nghiệp trung cấp trở lên, nhận mức lương cứng trong thời gian thử việc là 4 triệu đồng/ tháng, khi vào chính thức, nhân viên hưởng lương từ 7-15 triệu đồng/tháng kèm doanh thu.
“Chúng tôi cho rằng mức lương này không phải là quá thấp với những bạn trẻ mới ra trường, nhưng thực tế, có rất nhiều bạn nhảy việc trong thời gian ngắn vì chưa hài lòng”.
Có nhiều năm làm trong mảng nhân sự, bà Hồng Sắc, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Truyền thông quốc gia Việt Nam cho biết, tập đoàn thường xuyên gặp phải tình trạng nhân viên nhảy việc.
Bà Hồng Sắc cho rằng, nhảy việc dường như đang là xu hướng của không ít người trẻ: “Dù kinh nghiệm chưa nhiều, song nhiều bạn trẻ lại thường ảo tưởng về năng lực của bản thân, mong muốn tìm được công việc có mức lương cao hay thăng tiến thần tốc. Có bạn đang làm ở công ty này nhưng vẫn nộp sẵn hồ sơ đợi phỏng vấn ở công ty khác với mong muốn tìm kiếm được công việc tốt hơn”, bà Sắc ái ngại.
Đứng trên phương diện nhà tuyển dụng, bà Hồng Sắc cho rằng tình trạng lao động thường xuyên nhảy việc không chỉ gây khó khăn với các doanh nghiệp mà còn là điểm trừ cho chính người lao động khi ứng tuyển vào những vị trí công việc tiếp theo.
Đa số các nhà tuyển dụng đều cho rằng, người trẻ có thể chuyển việc, nhưng nếu chuyển quá nhiều công việc trong 1 thời gian ngắn, họ sẽ cảm thấy chần trừ, không đánh giá cao ứng viên đó vì cho rằng có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho hay: “Có rất nhiều bạn trẻ có kỹ năng, có nghiệp vụ và cũng luôn muốn tìm kiếm những cơ hội việc làm mới. Điều này tạo ra sự xáo trộn không nhỏ trong thị trường lao động, đóng góp vào việc tạo ra một tỷ lệ thất nghiệp nhất định”.
Theo ông Thành, đây là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, khi mối quan tâm lớn nhất của người lao động là quyền lợi, thu nhập và khả năng thăng tiến.
Cần lộ trình thăng tiến cụ thể
Một khảo sát mới đây của Navigos Group cho thấy, lương thưởng là yếu tố hàng đầu khi những nhân viên đưa ra quyết định có tiếp tục làm việc ở công ty này hay chuyển sang công ty khác. Thước đo về tài chính cũng được những người trẻ sử dụng để đánh giá mức độ phát triển của bản thân trên con đường sự nghiệp và là động lực thôi thúc họ “dấn thân” vào những thử thách.
71% ứng viên cho biết việc ngày càng chủ động hơn về tài chính cá nhân là thước đo của sự phát triển về mặt nghề nghiệp. 41% cho biết nếu chuyển sang công ty khác, chế độ lương và phúc lợi tốt hơn là điều họ mong muốn.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, tại Việt Nam, có tới 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty. Điều này có thể thấy mức độ gắn bó thấp của thế hệ trẻ với tổ chức.
Để tránh tình trạng chảy máu chất xám, sau khi được đào tạo bài bản, nhân sự trẻ lại “vỗ cánh” đến với các nhà tuyển dụng khác, Bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành của Navigos Search thuộc tập đoàn Navigos Group cho rằng các doanh nghiệp phải luôn lưu ý về cách “giao tiếp”, làm sao để nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe và thấu hiểu, đồng thời doanh nghiệp cũng đảm bảo rằng nhân viên nắm rõ được doanh nghiệp kỳ vọng những gì ở họ. Đặc biệt, đừng bao giờ để nhân viên “bị” dậm chân tại chỗ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần lên lộ trình thăng tiến cụ thể cho từng vị trí và mở ra cho nhân viên cơ hội học hỏi và trau dồi kỹ năng không ngừng trong công việc hàng ngày của họ.
“Trên tất cả, khi doanh nghiệp có thái độ đúng đắn trong việc đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ không sợ bị tụt hậu trên thị trường lao động”, bà Phương Mai nhấn mạnh./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN