Con đường từ cổng vào Trung tâm, hai hàng hoa khoe sắc rực rỡ. Trụ sở và khu vực nghiên cứu thí nghiệm cùng với các dãy chuồng trại nằm ẩn mình trong vòm cây cổ thụ. Khung cảnh cánh đồng rộng bát ngát kề bên dòng sông Công thơ mộng với đàn ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, hoặc tung vó phi nước đại soi bóng xuống hồ nước trong xanh cho chúng tôi cảm giác như đứng giữa thảo nguyên Mông Cổ.
Bên một phần diện tích của Trung tâm, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh, một đơn vị đặc biệt của Bộ Công an, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đàn kỵ mã với nhiều bài tập làm không gian sôi động, bừng lên sức sống mới giữa bao la xanh. Nhịp vó ngựa trên đồng cỏ Bình Sơn trải dài theo năm tháng. Từ tháng 4-1960, Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc thành lập Trại nhân giống ngựa Bá Vân. Năm 1994, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ và đổi tên thành Trại nghiên cứu ngựa và trâu Bá Vân. Tháng 1-1998, Trung tâm lại được đổi thành tên gọi như hiện nay. Là cái nôi sản xuất các loại ngựa của Việt Nam và hiện là trung tâm lớn nhất miền Bắc, nhiều năm qua, Trung tâm đã khẳng định được vị thế trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gien và ứng dụng vào thực tiễn.
Nhiệm vụ của Trung tâm là nghiên cứu chọn lọc, nhân thuần, lai tạo, lưu giữ giống gốc các giống vật nuôi (gia súc, gia cầm và động vật rừng....), phù hợp với vùng sinh thái khí hậu và điều kiện phát triển chăn nuôi, xây dựng mô hình chăn nuôi bền vững ở các tỉnh trung du và miền núi, song nhiệm vụ chủ yếu vẫn là nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống và lai tạo các giống ngựa, trên diện tích đất 70ha.
Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, cơ sở vật chất của Trung tâm đã khá hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ công nhân có trình độ, kinh nghiêm trong việc lai tạo, nuôi dưỡng các giống ngựa và nhiều loại gia súc gia cầm. Ngựa của người Việt đã có từ hàng ngàn năm trước, chủ yếu là ngựa màu và ngựa trắng. Qua thời gian, ngựa bị đồng huyết nên có đặc điểm chung là thấp nhỏ, sức thồ, kéo kém.
Các giống ngựa nước ngoài to cao, đẹp mã, sức khỏe tốt, tiêu biểu là loài ngựa Cabardin. Tuy nhiên, chúng có trọng lượng lớn, chăn nuôi tốn kém, cần nhiều thức ăn và vụng về, không phù hợp với điều kiện miền núi, vùng cao nước ta. Vì vậy, Trung tâm thực hiện việc lai tạo với giống ngựa Việt để chuyển giao cho bà con. Chỉ tính những năm gần đây đã có trên 20.000 con ngựa lai từ trung tâm được chuyển giao cho nông dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang… Hiện, đàn ngựa giống của Trung tâm có khoảng hơn 80 con các loại.
Việc chăm sóc ngựa phải hết sực cẩn thận kỹ lưỡng. Chuồng trại luôn sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát mùa hè, ấm áp trong mùa đông. Mỗi loại ngựa được nhốt trong những chuồng trại riêng, chia khu ngựa mẹ, ngựa bố, ngựa con đã cai sữa. Trên mỗi cửa chuồng đều được ghi rõ ràng, đầy đủ thông tin. Mỗi con ngựa cũng được đánh số để việc theo dõi dễ dàng. Hàng ngày các công nhân tắm, chải lông cho ngựa tạo sự thân thiện gần gũi.
Ngựa giống ở đây luôn được chọn lựa kỹ để tránh bị đồng huyết. Thông thường ngựa động dục tập trung vào mùa xuân hoặc mùa hè. Khi ngựa cái đến kỳ rụng trứng, ngựa đực được đưa đến phối giống với con cái tại một khu vực riêng biệt, không thực hiện trên đồng cỏ. Các con ngựa cái thường chỉ rụng một trứng, khoảng thời gian giữa các lần động dục là 19-21 ngày.
Sau khi giao phối và mang thai trong khoảng 11 tháng thì các ngựa cái sẽ đẻ. Ngựa con có thể đi lại chỉ sau khi sinh một giờ và được mẹ cho bú trong khoảng 6 tháng. Ngựa bốn tuổi được coi là trưởng thành, mặc dù chúng tiếp tục phát triển bình thường cho đến khi 6 tuổi. Ngựa của Trung tâm được chuyển giao chủ yếu cho quốc phòng và các tỉnh miền núi phía Bắc làm phương tiện tuần tra, thồ kéo và phục vụ đua ngựa trong nhiều lễ hội của đồng bào dân tộc.
Trung tâm cũng là nơi cung cấp các loại ngựa đua sớm và chất lượng cao cho cả nước. Một con ngựa đua thường được lựa chọn rất kỹ. Trung tâm đã triển khai nhập tinh ngựa đua thuần chủng ở Đức và cho lai với ngựa mẹ lai Cabardin cho ra đời dòng ngựa lai đua Việt. Giống ngựa đua này có thể phi với tốc độ lớn hơn 40km/giờ. Vòng đời của ngựa có thể kéo dài tới 30 năm, tuy nhiên chỉ sử dụng dưới 10 năm nên sau khi hết tuổi đua, những con ngựa tốt được dùng để nhân giống. Trung tâm cũng đang thực hiện việc nhân giống ngựa bạch và ngựa trắng, đặc biệt là giống ngựa bạch thuần chủng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn lai tạo, phát triển một số chủng loại vật nuôi như trâu Murrah, vịt siêu thịt, đà điểu…, và có những kết quả tích cực.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Trung tâm hiện có 30 cán bộ công nhân viên. Ngoài nhiệm vụ chính phải tập trung tối đa nhân lực vật lực để nghiên cứu và phát triển giống và vật nuôi, trung tâm đang có những bước đi thích hợp để tận dụng, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh hiện có góp phần phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương. Điều kiện con người và cơ sở vật chất của Trung tâm có đủ khả năng để nhân giống, cho ra đời những sản phẩm vật nuôi thỏa mãn đòi khỏi khắt khe nhất của thị trường. Năm vừa qua, sản phẩm cao ngựa bạch của Trung tâm đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Với các hoạt động trải nghiệm, Trung tâm tiếp tục củng cố cơ sở vật chất, bồi dưỡng kỹ năng dịch vụ du lịch và liên kết các tua, tuyến trong tỉnh…
Vốn có sẵn thuận lợi về đất đai và vẻ đẹp hiếm có của miền sơn cước, chắc chắn Trung tâm sẽ là điểm đến lý tưởng của bạn bè gần xa. Hy vọng trong năm mới, mọi tiềm năng của Trung tâm tiếp tục được khơi mở và phát triển với những ý tưởng sáng tạo mới.
Theo Báo Thái Nguyên