Cô gái Bến Tre chủ động 'tấn công' trai Nhật
Sang Nhật làm việc từ năm 24 tuổi chỉ với suy nghĩ đơn giản: thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, Nguyễn Thị Bé Quyên không nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ gắn bó với đất nước này đến tận bây giờ và nhiều năm sau nữa.
Sinh năm 1991, Bé Quyết cảm mến Mochizuki Masato - người đàn ông hơn mình tới 25 tuổi ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy anh. Sau một thời gian thương thầm nhớ trộm, Quyên mạnh dạn bày tỏ tình cảm và nhận lại sự thích thú lẫn ngờ vực của Masato.
Sau một năm rưỡi hẹn hò để tìm hiểu sâu hơn về nhau, cô gái quê Bến Tre kết hôn với người đàn ông Nhật Bản và cùng chung sống với bố mẹ chồng. Khác với nỗi e sợ của những cô gái Việt về mẹ chồng, Quyên được gia đình Masato chào đón và yêu thương hết mực.
Sau 3 năm chung sống, Quyên cảm thấy mình thật may mắn và vô cùng biết ơn gia đình chồng, biết ơn nước Nhật đã cho cô những trải nghiệm tuyệt vời mặc dù phải sống xa quê hương, ba mẹ.
Gái nghèo Yên Bái ngất ngây với chồng Hàn Quốc tâm lý
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Yên Bái, Hoàng Linh bỏ học năm 15 tuổi để đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi các em. Sau nhiều công việc, Linh quyết định đi học tiếng Hàn để sang Hàn Quốc lao động.
Nhưng chưa kịp thực hiện ước mơ thì Linh bị “đánh gục” bởi chàng trai Hàn Quốc hơn mình tới 20 tuổi cô gặp ở trung tâm.
Lúc ấy, Linh mới 18, say đắm bởi sự chân thành, tinh tế của Dong Won. Chỉ sau hơn 2 tháng hẹn hò, anh chàng ngỏ ý muốn về thăm nhà Linh, rồi ngỏ lời cầu hôn cô. Cô gái 18 tuổi e ngại bởi gánh nặng là trụ cột gia đình vẫn còn đó. Nhưng bằng sự chia sẻ và rộng lượng, Dong Won bày tỏ mong muốn được chung tay cùng gánh vác chuyện gia đình với người con gái mình yêu thương.
Họ nhanh chóng kết hôn và sống ở Việt Nam 2 năm trước khi cả gia đình cùng nhau về Hàn Quốc. Lúc này, cặp đôi đã sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Hiện tại, Linh đang có một cuộc sống hạnh phúc với chồng con ở Seoul. Bố mẹ chồng cũng vô cùng yêu quý và hết lòng chăm sóc con dâu và cháu nội giống như nhiều bà mẹ Việt Nam khác.
Cô nói, bản thân đã rất may mắn khi có được một người chồng “hơn cả mong đợi”.
Hôn nhân 8 năm của cặp đôi lệch 30 tuổi
Sang Việt Nam du lịch nghỉ dưỡng hằng năm, Karl-Heinz Rißmann - người đàn ông Đức thuộc thế hệ 5X đã phải lòng cô gái Bình Thuận kém mình tới gần 30 tuổi.
Nguyễn Thị Mỹ Trang (sinh năm 1980) khi đó là nhân viên của khu nghỉ dưỡng mà Karl- Heinz chọn nghỉ ngơi. Tính cách nhanh nhẹn, cởi mở và thân thiện của chị đã khiến anh cảm mến ngay lần đầu gặp vào tháng 11/2006.
Ngày đó, hai người hay gửi thư cho nhau qua email nhưng chị Trang chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có mối quan hệ yêu đương với anh. Thậm chí, chị còn hay gọi anh là “daddy” (bố), còn anh gọi chị là “daughter” (con gái).
Suốt 6 năm biên thư qua lại, cả hai đều cảm thấy như đã quen thân từ lâu. Đến cuối năm 2012, sau 6 tuần nghỉ lại khu nghỉ dưỡng mà chị Trang làm việc, Karl-Heinz đã thổ lộ tình cảm của mình.
Chị Trang bất ngờ và ngại ngùng. Chị nghe lời mẹ thử thách anh bằng cách đề nghị “cưới xong ở lại Việt Nam sống”. Anh đồng ý chỉ sau 5 phút.
Hai năm sau, họ kết hôn và anh ở lại Việt Nam như đã hứa cho đến khi cô con gái được 4 tháng tuổi, họ mới cùng nhau bay về Đức.
Biến cố lại ập đến khi chị được chẩn đoán ung thư tuyến giáp ác tính. Nhưng được sự đồng hành của chồng, trải qua 3 lần phẫu thuật và 4 đợt hoá trị, sức khoẻ chị đã ổn định hơn.
Hiện tại, vì Covid-19, gia đình chị đang bị “mắc kẹt” ở Bình Thuận trong một chuyến về thăm nhà ngoại. Họ đang cùng nhau cho con có cơ hội được trải nghiệm văn hoá Việt Nam nhiều nhất có thể.
Mối tình sắt son 10 năm gian khó
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Oanh, 59 tuổi và anh Trần Văn Tuấn, 39 tuổi hay bị người ta gọi là chuyện tình chị em. Bởi xưa nay chồng hơn vợ 5-10 tuổi không hiếm, nhưng vợ hơn chồng những tận 20 tuổi là trường hợp hi hữu.
Bà Oanh vốn xinh xắn, xuất thân trong một gia đình trung lưu, nền nếp ở TP.HCM. Nhưng mải mê làm ăn kiếm tiền, bà bỏ lỡ giai đoạn thanh xuân để kiếm cho mình một tấm chồng.
Trong một lần ghé thăm người quen ở cơ sở bảo trợ người khuyết tật ở Đồng Nai, bà gặp anh Tuấn - người đàn ông khiếm thị. Sau đó, lần nào quay trở lại, bà cũng chạm mặt anh. Bà hay cho anh đồ ăn và hỏi thăm anh như một người chị.
Không nhìn rõ mặt “người chị” nhưng anh cảm mến bà ở giọng nói ấm áp, tình cảm. Còn bà thì thích nụ cười của Tuấn.
Thế rồi bà quả quyết bà yêu anh sau lần anh vịn tay vào vai bà để trèo lên xe máy. Nhưng rung cảm đặc biệt ấy khiến bà phải đánh đổi bằng sự vất vả ngược xuôi lo chữa bệnh cho anh. Cuối năm 2007, 2 người tổ chức đám cưới để chính thức thành vợ chồng.
Những ngày sau đó thật khó khăn cho cuộc hôn nhân của 2 người. Mẹ bà gào lên: “Sao lại lấy người như thế này” và tuyên bố từ mặt con gái.
Thiên hạ đàm tiếu sau lưng, trước mặt cặp đôi. Anh đã quá quen với việc bị trêu chọc, chế giễu. Mỗi lần phải giải thích, anh đều trả lời nhẹ nhàng: “Đây là vợ tôi”.
Sau khi cưới, gánh nặng dồn lên vai khi sức khoẻ của bà ngày càng xuống cấp. Thậm chí, bà còn thường xuyên bị anh Tuấn vác dao chém mỗi khi lên cơn “điên rồ”.
Nhưng bà gạt lại hết những ý định từ bỏ cuộc hôn nhân đầy trắc trở để tiếp tục yêu thương, đùm bọc cho người chồng trẻ khuyết tật.
Khát khao lớn nhất của bà là có con cũng không thực hiện được vì anh Tuấn mắc bệnh, khó sinh hoạt vợ chồng. Đến giờ, bà vẫn mong sẽ nhận được sự đồng cảm của người thân cho cuộc tình này.
Vị đại tá nhất quyết lấy người con gái mình yêu thương
Lần đầu tiên gặp nhau, ông Lê Mạnh Hùng, hiện 73 tuổi đã có ấn tượng mạnh với bà Đặng Thị Phụng, còn bà thì chê vì ông… xấu quá. Nhưng ông quyết “tán” bà bằng được.
Nhờ có sự hậu thuẫn của bạn ông - cũng là anh trai bà và được bố mẹ vợ tương lai ủng hộ, ông cứ thế tiến tới rồi xin cưới bà.
Dạm hỏi xong, ông đi chiến đấu 2 năm liền. Khi ấy, tình cảm của bà dành cho ông chưa sâu sắc, cộng với việc người đời đàm tiếu “trẻ thế mà lấy ông già”, bà đã nhiều lần muốn bỏ hôn ước. Nhưng qua những bức thư, ông nhất quyết nói sẽ tìm đến bà bằng mọi giá. Thế rồi, bà lại tiếp tục đợi ông. Làm đám cưới xong 3 ngày, ông lại tiếp tục lên đường chiến đấu ở Campuchia, rồi ra Bắc. Vì vậy 6 năm sau, vợ chồng ông bà mới sinh con con gái đầu lòng. Suốt thời gian các con còn nhỏ, ông vẫn đi biền biệt. Một tay bà phải lo chu toàn chuyện gia đình, con cái.
Nhiều khi các con buồn vì bị bạn bè trêu chọc là “không có bố”, bà lại nuốt nước mắt động viên con. Sau bao năm công tác, hiện tại ông Hùng đã về hưu và sống chung với vợ con hơn 10 năm nay. Điều bà cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là giờ đây gia đình đã được đoàn tụ.
Theo Đăng Dương/Vietnamnet