Nữ giới Nhật mua đồ make up cũ vì 'cuộc sống khó khăn vẫn phải đẹp'

Google News

Ví tiền eo hẹp, song nhu cầu được dùng các món mỹ phẩm có chất lượng cao, nhiều cô gái mê làm đẹp tại Nhật sẵn sàng bỏ tiền ra mua đồ trang điểm đã qua người khác dùng.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên Business of Fashion, đề cập đến câu chuyện nữ giới Nhật Bản ưa chuộng các sản phẩm make up đã qua sử dụng. Bỏ qua yếu tố vệ sinh, họ sẵn sàng dùng các món đồ vì thấy vừa đẹp vừa tiết kiệm.
Marika Sakamoo (28 tuổi, Tokyo), thường xuyên săn lùng các mỹ phẩm second hand (đã qua sử dụng) trên các trang web bán hàng trực tuyến.
“Khi mua mỹ phẩm cũ, tôi luôn cẩn thận xem xét kỹ lưỡng về việc nó đã được động tới bao nhiêu lần và bao giờ hết hạn”, Marika nói.
“Các trang thương mại điện tử thật sự hữu dụng, chúng giúp tôi mua bán các sản phẩm không thể mua trực tiếp ngoài cửa hàng tại Nhật. Mặt khác, cũng rất ít người bận tâm đến việc các món đồ đã qua sử dụng”, cô nói thêm.
“Hầu hết người dân Nhật Bản đều ám ảnh với việc phải giữ vệ sinh. Phụ nữ Nhật luôn được mặc định trong hình ảnh gọn gàng và người lúc nào cũng có mùi thơm”, Yoko Hashimoto, một sinh viên tại Tokyo, cho hay.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế chia sẻ tại Nhật Bản càng phát triển, một bộ phận thế hệ người trẻ nước này sẵn sàng bỏ qua yếu tố vệ sinh để sở hữu các món đồ trang điểm cao cấp đẹp đẽ với mức giảm giá mạnh.
Săn lùng đồ make up đã qua sử dụng
Tại Nhật, văn hóa Mottainai (nghĩa gốc: đồ bị lãng phí) đã phổ biến từ lâu, với mục đích hạn chế các vật dụng, đồ đạc, món hàng bị vứt xó, phí phạm, không được sử dụng.
Đất nước mặt trời mọc là nơi thị trường bán lẻ các món đồ cũ như quần áo, đồ phụ kiện phát triển mạnh, với ước tính trị giá 483,5 tỷ yên (4,59 tỷ USD), theo dữ liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp nước này.
Nu gioi Nhat mua do make up cu vi 'cuoc song kho khan van phai dep'
Nổi tiếng về sự sạch sẽ, song ngày càng nhiều cô gái Nhật Bản tìm đến các món đồ make up đã qua sử dụng. Ảnh: Nippon. 
Mua đồ trang điểm đã qua sử dụng dần trở thành thói quen phổ biến của nhiều nữ giới Nhật Bản hiện tại. Hiện tượng này nói lên nhiều điều về tâm lý người tiêu dùng, tình yêu dành cho các thương hiệu cũng như tình trạng đạm bạc trong ví tiền giới trẻ.
Những trang web bán hàng trên mạng dần trở thành “thiên đường” cho những cô gái trẻ tuổi Nhật Bản ham mê làm đẹp, khi ai cũng có thể tiếp cận các loại mỹ phẩm xa xỉ không dễ dàng mua được trong nước với mức giá “mềm” hơn giá gốc nhiều lần.
“Tôi từng rất ngạc nhiên khi thấy hầu hết món đồ second hand tôi đăng bán đã có người mua hết chỉ trong vòng vài ngày”, Moe Miura, cô gái chuyên bán các món đồ trang điểm chỉ vừa mới mở hộp hay quẹt vài đường từ các thương hiệu đắt đỏ như Chanel, YSL, cho hay.
“Tôi từng nghĩ rằng thật kỳ lạ khi mọi người lại ưa thích các món đồ trang điểm đã qua tay người khác dùng. Mặc dù bán lại đồ của mình, tôi không bao giờ mua mỹ phẩm không phải ‘nguyên đai nguyên kiện’ vì lo sợ vấn đề vệ sinh. Nhưng gần đây, Nhật Bản dần ưa thích hình thức chia sẻ và tôi cảm thấy quan niệm của mọi người về thói quen sạch sẽ cũng đang thay đổi”, Miura nói thêm.
Dựa trên trải nghiệm của những người đồng trang lứa như Miura về các sản phẩm mới luôn được trình làng đẹp đẽ trên Instagram và YouTube, cô gái tin rằng các món đồ làm đẹp second hand sẽ càng được ưa chuộng.
“Khi bạn muốn thử một thỏi son Chanel mới ra mắt, bạn có thể mua nó trên mạng với giá rẻ hơn rất nhiều và sau đó mua một thỏi mới nếu bạn thực sự thích”, Yo Douglas, chuyên gia cao cấp về nghiên cứu thị trường tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá.
Theo Douglas, xu hướng sẽ còn đi lên, bất chấp nước Nhật lâu nay vốn được biết đến với những khách hàng khó tính, nhạy cảm về mức độ vệ sinh.
Nu gioi Nhat mua do make up cu vi 'cuoc song kho khan van phai dep'-Hinh-2
Trên các trang web bán hàng, người mua có thể các món mỹ phẩm cao cấp đã qua sử dụng với mức giá rẻ hơn rất nhiều lần. Ảnh: Mercari. 
Xu hướng mua các sản phẩm make up cũ không diễn ra duy nhất ở Nhật Bản. Trên trang web Glambot của Mỹ, người mua hàng có thể tìm thấy các món son phấn, mascara đến từ những thương hiệu high-end (cao cấp) trên thế giới với giá cả chỉ bằng một nửa.
Tại Trung Quốc, các gian hàng bán các món đồ trang điểm đã qua sử dụng mọc lên với số lượng lượng lớn trong các trung tâm thương mại trên cả nước, nơi các cô gái chỉ cần “rút ví” 4 USD trong vòng 15 phút đã có thể “tậu” được nhiều món đồ cần thiết.
Cuộc sống khó khăn, vẫn phải đẹp
Theo các chuyên gia, thói quen dùng thử đồ make up để kiểm tra màu sắc, chất lượng khi mua sắm trong các gian hàng vô cùng mất vệ sinh.
Tháng 4 vừa qua, “đại gia” Sephora của Mỹ phải đối mặt với một vụ kiện, khi một nữ khách hàng tuyên bố cô bị nhiễm khuẩn vùng miệng sau khi dùng mẫu thử son môi tại cửa hàng bán lẻ của hãng này.
Trước thực tế các hãng mỹ phẩm cao cấp hiếm khi giảm giá, không khó hiểu khi những món đồ trang điểm second hand dần trở thành đối tượng được các tín đồ làm đẹp săn lùng.
“Những người trẻ tuổi tại Nhật thích các sản phẩm son môi, phấn nền có thương hiệu. Nhưng họ lại ưa dùng các sản phẩm tối giản tại nhà như mặt nạ chăm sóc da, kem lót, kem chống nắng. Chúng giúp các cô gái cảm thấy bản thân được chăm sóc trong khi vẫn tiết kiệm tiền”, Yoko Hashimoto cho hay.
“Không giống như Trung Quốc và các nước mới nổi khác, thế hệ trẻ tại Nhật Bản không có nhiều kỳ vọng rằng họ sẽ có một cuộc sống khá giả về mặt tài chính hơn các bậc cha mẹ của họ”, ông Douglas phân tích.
Nu gioi Nhat mua do make up cu vi 'cuoc song kho khan van phai dep'-Hinh-3
Điều kiện kinh tế hạn hẹp khiến nhiều người trẻ tuổi ở Nhật chỉ có thể thoải mái mua các sản phẩm nội địa, bán trong các nhà thuốc, siêu thị. Ảnh: Shutterstock. 
Trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và thảm họa sóng thần năm 2011, thế hệ trẻ tại Nhật Bản đối mặt với không ít khó khăn về mặt tài chính trong cuộc sống.
Mặc dù nhiều chính sách kinh tế của thủ tướng Shinzo Abe được đưa ra để thúc đấy chi tiêu cho người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18-22, thói quen “thắt lưng buộc bụng” của thế hệ này vẫn khó có thể thay đổi mạnh mẽ.
Trong khi nhiều người đi theo chủ nghĩa tối giản, nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản vẫn phải “trông chừng” số tiền trong ví của họ mỗi ngày.
“Rất nhiều người trẻ tuổi ở Nhật Bản gặp khó khăn về tài chính, nhất là trong bối cảnh tìm được công việc ổn định với mức thu nhập khá không phải là chuyện dễ dàng”, Yoko nói.
“Chúng tôi không thể mua những món đồ trang điểm đắt tiền, nhưng luôn muốn sở hữu chúng bởi vì ai chả muốn xinh đẹp, và được dùng các món đồ tốt đem lại cảm giác hạnh phúc cho chúng tôi”, Hashimoto nói.
“Khi tương lai phía trước vẫn là một bức tranh thiếu màu tươi sáng, tất cả những gì chúng tôi có thể làm bây giờ để thấy bản thân vui nhất vẫn là cắt giảm chi tiêu xuống mức thấp nhất nhưng vẫn được trải nghiệm các món đồ chất lượng”, cô đúc kết.
Theo Trà My/Zing News