Chị Vũ Thùy Dương (38 tuổi, sống ở Hà Nội) quyết định nghỉ công việc ổn định để theo đuổi sở thích vẽ tiểu họa trên mặt đồng hồ qua kính hiển vi. Nữ họa sĩ may mắn được chồng ủng hộ và hỗ trợ hết mình. Không chỉ vậy, chồng chị Dương cũng bén duyên từ sớm với công việc sản xuất dụng cụ khắc kim loại, chạm khắc mặt đồng hồ nên về mặt kỹ thuật, nữ họa sĩ đã có một điểm tựa vững chắc để yên tâm sáng tạo ý tưởng và vẽ qua kính hiển vi.
|
Với mỗi bức tranh nhỏ, siêu chi tiết trên mặt đồng hồ có đường kính trên dưới 3cm, ngoài khả năng vẽ cần có sự tập trung cao độ, cẩn thận, tỉ mỉ để không bỏ qua từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, các thao tác vẽ đều được thực hiện qua kính hiển vi để đạt được sự chính xác và tinh tế đến từng chi tiết.
|
|
Chị Dương giới thiệu các bước để hoàn thiện một tác phẩm trên mặt đồng hồ, sẽ bao gồm các bước từ phác thảo trên giấy, chuyển hình lên mặt số, vẽ màu, dát vàng, khảm đa vật liệu, phủ bảo vệ, lắp lên máy đến hoàn thiện dây da.
|
|
Theo chị Dương, vẽ tiểu họa trên mặt đồng hồ qua kính hiển vi là một bộ môn hoàn toàn mới mẻ nên có rất nhiều khó khăn khi chinh phục nó. "Mình bắt đầu học vẽ tiểu họa qua kính hiển vi từ năm 2021 - trong giai đoạn giãn cách xã hội. May mắn được thừa hưởng năng khiếu vẽ từ bố nên mình cũng có chút hoa tay, dần tập luyện thì thấy hứng thú và ham muốn theo đuổi lâu dài. Nghĩ là làm, mình đã quyết định xin nghỉ công việc ổn định để theo đuổi sở thích vẽ tiểu họa trên mặt đồng hồ qua kính hiển vi".
|
|
Khi mới bắt đầu vẽ qua kính hiển vi, chị Dương thường hay bị mỏi mắt, mỏi người vì chưa điều chỉnh được tư thế ngồi. Hơn nữa, vẽ trên kim loại không có độ thấm nên hay bị loang màu. Và hoạ cụ để vẽ tiểu họa trên đồng hồ cũng không dễ mua, đôi khi mua sẵn không đáp ứng được yêu cầu vẽ nhỏ nên khi mua về vẫn phải chế thêm.
|
|
Trong vô số tác phẩm đã hoàn thiện, nữ họa sĩ khá tâm đắc với bộ Ngũ Hổ mà cô đã dành 2 tháng để vẽ. Chị Dương mô tả: "Mình vẽ bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ "Ngũ Hổ Thần Tướng" với mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hoá dân gian cũng như khoác lên tranh dân gian một diện mạo mới nhưng vẫn tôn trọng những giá trị truyền thống cốt lõi".
|
|
Ngoài ra, chị Dương cũng có hứng thú với các tác phẩm kinh điển nên thường triển khai mẫu đồng hồ dựa trên những bức tranh nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, nữ họa sĩ 8x chú trọng vào phát triển tuyến đề tài về mỹ thuật dân gian để góp phần lưu giữ và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
|
Một số tác phẩm vẽ tiểu họa khác của nữ họa sĩ 8x:
|
Nhận thấy vợ có hứng thú và đang trên đà phát triển bộ môn nghệ thuật mới mẻ này, anh Ánh (chồng chị Dương) bày tỏ: “Mình rất ủng hộ vợ chuyển sang công việc mới này. Tuy không ổn định nhưng giờ giấc tự do, có thể linh hoạt giữa việc gia đình và vẽ tiểu họa. Hơn nữa, mình cũng đã có nền tảng và hiểu biết về lĩnh vực này nên có thể tư vấn và hỗ trợ cho công việc của vợ nhiều hơn”.
|
|
Chị Dương tưởng rằng, vẽ chỉ là một sở thích và thú vui một thời tuổi trẻ từng mong ước theo đuổi. Đến khi đi học và đi làm, chị cũng không hay vẽ và tìm hiểu sâu về nghệ thuật. Nhưng 10 năm sau kể từ ngày lỡ duyên với ngành học mỹ thuật, chị đã quyết định bắt đầu lại để nghiêm túc theo đuổi con đường nghệ thuật chân chính.
|
|
Không lâu sau khi theo đuổi “thú vui lạ” này, nữ họa sĩ bất ngờ nhận được sự quan tâm của nhiều người và có những khách hàng đầu tiên. Dần dần, chị vừa nhận vẽ theo yêu cầu của khách, vừa tự sáng tác theo ý tưởng của bản thân.
|
|
Chị Dương cho rằng, mỗi tác phẩm hoàn thiện đều phải truyền được thông điệp yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống.
|
|
Trong tương lai, nữ họa sĩ cũng có ý tưởng phát triển họa tiết cung đình Huế và tái hiện lại trên đường kính nhỏ để vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc vừa muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa tới bạn bè quốc tế.
|
Theo Châu Linh/ Tiền Phong