Những tuần qua, cặp chị em Ánh Tuyết (26 tuổi) và Tuyết Hương (19 tuổi) tạm xa gia đình ở TP Thủ Đức để chuyển tới quận Phú Nhuận, phục vụ công tác tình nguyện chống dịch tại TP.HCM.
Tính đến nay, hai chị em đã làm tình nguyện hỗ trợ được hơn 3 tháng. Hiện họ phụ trách lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại quận Phú Nhuận và đội ngũ nhân viên giao hàng ở quận 1.
“Có chị, có em đi cùng nhau mà vừa vui vừa lo. Công việc đi lấy mẫu phải tiếp xúc nhiều người nên khả năng lây nhiễm cao. Chúng tôi đành giấu ba mẹ, chỉ dám kể rằng hai chị em đi hỗ trợ tiêm vaccine để họ đỡ lo lắng”, Ánh Tuyết, giáo viên dạy môn năng khiếu, chia sẻ với Zing.
|
Hai chị em rất vui khi có thể chăm sóc lẫn nhau khi cùng đi tình nguyện chống dịch.
|
Nhiều công sức thuyết phục ba mẹ
Từ khi dịch bùng phát ở TP.HCM giữa tháng 5, Ánh Tuyết và Tuyết Hương đã cùng nhau đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch.
Ban đầu, họ thực hiện công việc nhập liệu thông tin lấy mẫu xét nghiệm tại quận Tân Bình và quận 7. Tới giữa tháng 6, họ chuyển sang hỗ trợ điểm tiêm vaccine ở quận 7.
Ngày 9/7, khi thành phố bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16, mẹ yêu cầu hai chị em ở nhà cho an toàn, sợ các con đi nhiều rồi nhiễm nCoV. Mỗi bữa cơm, Ánh Tuyết thử nài nỉ mẹ cho cô và em gái tiếp tục đi tình nguyện để giúp đỡ cộng đồng, song luôn bị mẹ gạt đi.
“Vốn dĩ từ ngày còn là sinh viên, tôi đã tham gia rất nhiều chương trình và chiến dịch tình nguyện. Có thể nói rằng lửa tình nguyện luôn nhen nhóm trong tôi. Bởi vậy, khi chứng kiến các y bác sĩ vất vả, bệnh viện quá tải, tôi muốn giúp phần nào hay phần đó”, cô nói.
|
Ánh Tuyết tìm nhiều cách để thuyết phục ba mẹ cho hai chị em đi chống dịch.
|
Cuối cùng, Ánh Tuyết quyết định sử dụng “chiêu cuối” để thuyết phục mẹ bằng được.
Cô thêm mẹ vào nhóm tình nguyện viên của thành phố, đồng thời sử dụng tài khoản mạng xã hội của mẹ để bấm thích một số bài đăng về hoạt động tình nguyện để chúng tiếp tục hiện trên mặt trang.
“Chắc mẹ đã xem nhiều bài chia sẻ của các tình nguyện viên nên 1-2 hôm sau, mẹ tỏ ý cho hai chị em đi, dù lòng vẫn còn lưỡng lự. Trước khi mẹ đổi ý, chúng tôi xách xe đi liền”, Ánh Tuyết cười, nói.
Để thuận tiện cho công tác chống dịch và bảo vệ gia đình, hai chị em đã dọn ra ngoài và được sắp xếp chỗ ở mới tại quận Phú Nhuận.
“Chúng tôi quay video cho ba mẹ xem phòng trọ sạch sẽ, an toàn để họ yên tâm hơn. Đến nay, ba mẹ không còn phản đối nữa, nhưng ngày nào gọi điện thoại cũng kêu ‘Hai đứa về nhà đi’”, cô kể lại.
|
Tuyết Hương (đứng thứ 2, từ bên trái) và chị gái (đứng thứ 3, từ bên trái) từng đem thùng sữa được tặng đi chia cho các chốt trực khác.
|
Sau khi nhiều tháng tham gia tình nguyện, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng là công việc nguy hiểm nhất đối với hai chị em.
“Thực tình, chúng tôi vẫn giấu ba mẹ, không dám nói mình đi lấy mẫu. Đến giờ, ba mẹ vẫn nghĩ hai chị em chỉ đang hỗ trợ điểm tiêm vaccine hoặc nhập liệu. Có hôm, mẹ gọi mấy cuộc trong lúc tôi đi lấy mẫu mà tôi không dám nghe máy. Chờ đến khi về phòng tắm rửa rồi, tôi mới dám gọi lại”, Tuyết Hương kể lại.
Vừa học, vừa tình nguyện
Ngoài quần áo, hành trang chuyển tới nhà trọ mới của Tuyết Hương, sinh viên năm 2 tại ĐH Văn Lang, còn có laptop và sách vở.
Cô gái 19 tuổi thừa nhận cân đối giữa lịch học online và công việc tình nguyện khá vất vả, nhưng phần nào bớt khó khăn nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía thầy cô, bạn bè.
Tuyết Hương cho biết tranh thủ trường cho đăng ký học phần sớm, cô sắp xếp hết các môn học chỉ trong 3 ngày.
|
Cặp chị em cho biết đi chống dịch cùng nhau giúp cả hai gắn bó, tạo nhiều kỷ niệm chung hơn.
|
“Có những hôm đội thiếu người quá, em xin phép thầy cô cho nghỉ một buổi để bù nhân lực. Thầy cô rất tạo điều kiện, không những gửi video ghi hình bài giảng hôm đó cho em, mà còn giao bài tập như một hình thức giúp em điểm danh buổi vắng mặt”, nữ sinh chia sẻ.
Bạn bè cũng là những “trợ thủ đắc lực” giúp Tuyết Hương hiểu những kiến thức cô chưa nắm rõ. Các bạn cũng thường hỏi thăm về tình hình sức khỏe và công việc tình nguyện hàng ngày của cô.
“Mặc dù rất mệt, đổi lại tôi có thêm nhiều niềm vui và trải nghiệm mới. Chẳng hạn, những người xa lạ, chưa một lần gặp mặt dần trở thành đồng đội thân thiết, cùng nhau chiến đấu chống lại dịch bệnh”, cô hào hứng chia sẻ.
Tuyết Hương cho biết đây là lần đầu tiên cô xa nhà lâu đến vậy. Do đó, sau khi hết dịch bệnh, cô muốn cùng chị gái trở về nhà và ăn cơm mẹ nấu, đồng thời trở lại trường để gặp thầy cô, bạn bè trực tiếp.
Còn với Ánh Tuyết, những ngày này, cô rất nhớ công việc của mình, nhớ khoảng thời gian dựng bài biểu diễn văn nghệ cho học sinh các trường.
Tuy nhiên, điều đầu tiên cô muốn làm sau khi thành phố “khỏi bệnh” là về thắp nén nhang cho cậu ruột.
“Cậu của tôi mất vì Covid-19 mà tôi chưa có cơ hội tới viếng. Sau đó, nhất định tôi sẽ ăn một bữa hoành tráng với gia đình, mừng cả nhà bình an”, cô chia sẻ.
Theo Hồng Chang / Zing