Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 20 tuổi, quê tại tỉnh Đắk Nông. Hiện em đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Minerva (nước Mỹ) – ngôi trường có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất thế giới. Điều đặc biệt hơn cả, trong mỗi năm, Tuyết sẽ có cơ hội học tập tại 2 quốc gia khác nhau.
Nhờ chương trình học thú vị đã mang đến cho nữ sinh những trải nghiệm thú vị, đặc biệt là trong những ngày Tết. Ở năm đầu tiên, đất nước mà Tuyết gắn bó là Mỹ và Hàn Quốc. Đặc biệt, Tuyết đã được đón một cái Tết Nguyên đán có 1-0-2 tại Hàn Quốc cùng những người bạn tuyệt vời. Còn năm nay, em sẽ ăn Tết tại đất nước Ấn Độ với bao trải nghiệm lý thú.
|
Ánh Tuyết có những kỷ niệm đón Tết siêu thú vị bên các bạn ngoại quốc. |
Tết độc đáo ở Hàn khi 4 sinh viên Việt... náo loạn cả ký túc xá
19 tuổi, Tuyết có cái Tết đầu tiên xa nhà, không được đón khoảnh khắc giao thừa bên gia đình. Mặc dù sinh sống tại Hàn Quốc nhưng chương trình học theo Mỹ nên nhịp sinh hoạt và học tập vẫn diễn ra bình thường, không có điều gì xáo trộn.
Tuyết chia sẻ, thấy người dân Hàn Quốc soạn sửa đón Tết khiến em nhớ nhà vô cùng. Em nhớ nồi bánh tét thơm phức trên bếp, tô bánh canh nghi ngút khói cùng hũ kiệu muối chua thơm ngon. Trong ngày Tết, được thưởng thức những món ăn cổ truyền là điều khá xa xỉ đối với em. Tuyết từng tự hỏi bản thân: "Tại sao mình lại chọn lựa đi du học?, "Nếu không ra nước ngoài học tập, có phải giờ đây mình được quây quần bên gia đình rồi không?",… Càng nghĩ em càng tủi thân, chạnh lòng.
Tuyết cho biết, Seollal hay còn gọi là Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc. Đây là 1 trong 3 dịp lễ lớn của xứ sở kim chi. Vào ngày Tết Âm lịch, kỳ nghỉ của người Hàn Quốc thường kéo dài 3 ngày, khác với 7 – 10 ngày như ở Việt Nam. Vì thời gian nghỉ không dài nên nhiều khi chưa cảm nhận được không khí Tết đã phải quay trở lại với nhịp làm việc trong nuối tiếc.
Trong những ngày này, người dân cũng có nhiều hoạt động khá tương đồng với người Việt như: Tặng quà người thân, đi chúc Tết các nhà, mặc trang phục truyền thống, sắm sửa đồ ăn thức uống, chơi các trò chơi dân gian,… Đặc biệt, tteokguk, rượu gạo, trà omija, bánh tráng kếp đậu xanh, trà quế,… sẽ là món ăn cổ truyền được người dân thưởng thức vào ngày Tết.
Tuyết phấn khởi kể lại: "Ký túc xá nơi bọn em ở có một không gian chung rất lớn. Ở đó có cả ti vi cực to. Vào đêm giao thừa năm ngoái, em và 3 bạn người Việt tụ tập tại đó cùng nhau ăn lẩu, xem Táo quân và… "deadline" vì đúng hôm đó có một bài tập được giao gấp. Chúng em làm một nồi lẩu đơn giản gồm rau xanh, mì tôm và thịt nhưng em cảm thấy đó là bữa ăn khó quên trong quãng thời gian sinh viên.
Chỉ có 4 bọn em thôi nhưng không khí tưng bừng, náo nhiệt hẳn. Chúng em trò chuyện rôm rả, cười đùa rất vui. Điều này thu hút rất nhiều sinh viên các quốc gia khác đến góp vui. Họ tò mò về chương trình chúng em đang xem, nài nỉ kể cho họ nghe vì sao lại bật cười sảng khoái như vậy. Và sau đó, chúng em đã giới thiệu về Táo quân – một "đặc sản" không thể thiếu trong đêm 30 Tết. Chương trình tổng hợp lại những sự kiện tiêu biểu trong năm và được tái hiện lại theo cách trào phúng. Ngoài ra, em cũng kể cho các bạn nghe về những hoạt động cùng món ăn cổ truyền của người Việt".
Sau khi ăn tất niên, Tuyết và những người bạn còn lì xì cho nhau theo cách đặc biệt, đó là chuyển tiền qua 1 ứng dụng tài chính. Vì lúc đó mọi người đều không có tiền mặt trong người. Dù hình thức lì xì không theo truyền thống nhưng cũng mang lại cảm giác ấm áp, hạnh phúc. Tuyết và các bạn còn ôm nhau cùng ca hát, trao cho nhau những lời chúc ý nghĩa.
Canh đến đúng giây phút giao thừa, lúc đó là 2h sáng Hàn Quốc, Tuyết tìm một người bạn cùng khu ký túc xá để nhờ… xông phòng. "Bạn đó sinh năm 2004, rất hợp với tuổi em. Bạn bị em lôi dậy, bắt sang phòng mà không biết chuyện gì đang xảy ra nên mặt ngơ ngác, trông buồn cười lắm ạ! Sau khi xông phòng xong, em mới giải thích cho bạn ấy phong tục xông nhà của Việt Nam", Tuyết bật cười nhớ lại.
Tết ở Ấn Độ năm nay cũng vui không kém!
Ánh Tuyết mới qua Ấn Độ từ ngày 15/1, nghĩa là năm nay nữ sinh lại đón thêm 1 cái Tết cổ truyền xa nhà. Ấn Độ không đón Tết Âm lịch nên nhịp sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Tuyết vẫn cùng các bạn đi học, làm việc như mọi ngày.
Gần sát Tết, nữ sinh tranh thủ tới các cửa hàng bán đồ Việt để tìm mua nguyên liệu về nấu món ăn truyền thống. Tuy nhiên, ở đất nước này, việc tìm các nguyên liệu mang hương vị châu Á là điều rất khó khăn. Vì thế, trong bữa cơm tất niên năm nay, Tuyết cùng các bạn chỉ có thể nấu lẩu gà và cùng nhau gói nem chay.
|
Tuyết cùng các bạn gói nem để ăn tất niên. |
Bữa cơm tất niên gồm 6 sinh viên Việt cùng 5 bạn đến từ các quốc gia: Campuchia, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc. Mọi người vừa ăn uống vừa kể cho nhau nghe cái Tết truyền thống ở đất nước mình. Không khí rất đầm ấm, sum vầy. Và sau bữa ăn, tiết mục đón xem Táo quân và lì xì là điều không thể thiếu. Ai cũng rạng rỡ hạnh phúc, cảm thấy ấm lòng dù đón cái Tết xa nhà, không được ở bên gia đình.
"Trong đêm giao thừa, em cũng đã gọi điện về cho gia đình, gửi lời chúc tốt đẹp đến những người thân và bạn bè. Cả một năm ít liên lạc với bạn bè, giờ chỉ cần một lời chúc "bình an nhé" hay "happy new year" (chúc mừng năm mới) để mở đầu câu chuyện hàn huyên với nhau đến sáng. Cảm giác ấy thật hạnh phúc và ấm áp!", Ánh Tuyết cho biết.
Theo Phunuvietnma.vn