Vốn yêu thích thuật toán, số liệu, Phan Thị Thanh Hiền (sinh năm 1998) chọn ngành Kỹ thuật Điều Khiển và Tự động hóa thuộc khoa Điện - Điện tử của Đại học Bách khoa TP.HCM để khám phá thêm về lập trình và trí tuệ nhân tạo.
Cuối tháng 12/2020, Thanh Hiền trở thành nữ thủ khoa đầu tiên của ngành này với tổng điểm GPA 9.07/10 cùng một số thành tích học tập, hoạt động phong trào nổi bật.
“Ba mình làm trong cơ quan điện lực nên mình cũng thích những thứ về kỹ thuật. Hồi đó, mình chỉ đơn giản thấy học mảng này rất ngầu. Khi được tuyển thẳng, mình chọn ngay ngành này và ngày càng thấy yêu thích”, Thanh Hiền chia sẻ với Zing.
|
Thanh Hiền gây ấn tượng với thành tích học tập nổi bật.
|
Muốn học tốt phải có chiến lược
Khoa của Thanh Hiền có hơn 10 nữ chia cho 11 lớp. Những năm đầu học chung với lớp khác, Hiền chỉ làm quen được 2-3 bạn nữ.
“Nói về độ cực thì học ngành này nam hay nữ đều vất vả hết. So với các bạn nam thì mình học lý thuyết tốt hơn nhưng lại lúng túng về thực hành. Vì vậy, điểm số cũng có sự chênh lệch. Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu riêng”, Hiền nói.
Để đạt được thành tích tốt, Thanh Hiền luôn có chiến lược riêng. Một trong số đó là không bao giờ để “nước đến chân mới nhảy”.
Cô thường ôn tập trước mỗi kỳ thi một tháng để nắm kiến thức kỹ hơn, nếu có chỗ nào chưa hiểu thì có thời gian để hỏi thêm thầy cô, bạn bè.
Đến gần ngày thi, Hiền sẽ cho bản thân nghỉ ngơi để chuẩn bị một tinh thần thoải mái nhất khi bước vào phòng thi.
Chia sẻ với Zing, dù sở hữu một bảng điểm đẹp toàn 9-10, cô gái sinh năm 1998 cũng có nỗi sợ riêng với môn Giải tích 2. “Điểm môn này của mình không được cao lắm. Vì thế, mình phải ôn sớm, đến kỳ thi là mình bắt đầu run, không học được nữa và có cảm giác sẽ học không kịp”.
|
Thanh Hiền có vẻ ngoài dễ thương, nữ tính.
|
Yêu thích thuật toán
Điều khiến Thanh Hiền tự tin nhất là khả năng tiếp thu, tính toán và suy luận. Với châm ngôn “không sợ bản thân không biết, chỉ sợ mình không chịu tìm hiểu”, cô luôn thích khám phá những điều mới.
Bên cạnh đó, việc là thành viên của đội tuyển Toán xuyên suốt những năm cấp 2, cấp 3 đã giúp cho Hiền rèn luyện “nhạy” với các con số và có tư duy logic.
Trong quá trình học tại ĐH Bách khoa TP.HCM, Hiền được tìm hiểu về lập trình điều khiển robot và dây chuyền trong nhà máy.
Theo cô, những ngôn ngữ lập trình khá tương tự nhau, nắm được kiến thức cơ bản rồi thì học những cái mới sẽ dễ hơn. Điều quan trọng khi học kỹ năng này là thực hành nhiều, muốn đoạn code được đẹp và tối ưu thì phải luyện tập thường xuyên mới tiến bộ.
“Với những môn phải tiếp xúc đến máy móc, thiết bị điện, mình cũng có chút sợ nhưng ở trường có thiết bị bảo vệ nên nếu làm sai thì nguồn điện sẽ tự động ngắt luôn, không sao hết”, Hiền nói.
|
Thanh Hiền tiết lộ đến lúc làm lễ tốt nghiệp mới biết mình là nữ thủ khoa đầu tiên của ngành.
|
“Thật ra mình không đặt mục tiêu phải tốt nghiệp thủ khoa. Vì trong lớp còn có rất nhiều bạn giỏi hơn mình rất nhiều. Mình chỉ nghĩ cố gắng hết sức để đạt được kết quả tốt nhất theo năng lực là vui rồi. Việc đạt được thành tích như vậy là sự bất ngờ ngoài mong đợi với mình”, Hiền tâm sự.
Điều khiến cô tiếc nuối nhất ở giảng đường đại học là không có nhiều kỉ niệm với các bạn trong lớp, không tham gia vào những cuộc thi học thuật, học bổng dành cho sinh viên nhiều hơn để có cơ hội phát triển bản thân.
Vì thế, mục tiêu trước mắt của cô nàng là học thêm cái mới, trải nghiệm các lĩnh vực khác nhau để tìm ra công việc phù hợp với đam mê và năng lực của mình.
Công việc hiện tại của Hiền là kỹ sư phần mềm. Trong tương lai, cô mong muốn được thử sức với trí tuệ nhân tạo và xử lý, phân tích dữ liệu.
“Mình thích làm về những thuật toán vì đó là điểm mạnh của mình. Vì thế, mình hy vọng tìm được công việc có liên quan đến tính toán, logic. Mình không chắc là có thể theo đuổi lâu dài hay không nhưng cũng muốn thử để sau này không hối hận”, Hiền nói.
|
Hiền chia sẻ cô còn thích những thứ liên quan đến âm nhạc như hát và nhảy.
|
Con gái kỹ thuật không hề khô khan
Trong lúc rảnh rỗi, ngoài học nhảy, đi chơi với bạn bè, cô còn tham gia một số khóa học về AI và phân tích dữ liệu để trau dồi thêm.
Trước ý kiến “kỹ thuật chỉ dành cho phái mạnh, con gái học ngành này sẽ khô khan vì suốt ngày chỉ làm việc với con số, máy móc”, Thanh Hiền cho rằng điều này hơi phiến diện.
“Bản thân mình ngoài đời cũng rất điệu và ‘bánh bèo’. Mình cũng hay xem phim Hàn, đọc ngôn tình, mua hàng online. Nhiều người bạn của mình hát rất hay, vẽ đẹp và đàn giỏi. Mình nghĩ phải có dịp tiếp xúc mới biết được con gái kỹ thuật không hề khô khan mà còn có những khía cạnh rất thú vị”, cô chia sẻ.
“Mình có một điều muốn gửi gắm đến các bạn nữ đang theo đuổi khối ngành này là những gì con trai làm được thì con gái cũng làm được, chỉ cần có đủ đam mê, đủ quyết tâm thì không có gì là không thể. Giới tính của bạn không hạn chế bạn ở bất cứ mảng nào”, Hiền nói thêm.
Theo Phương Thảo/ Zingnews