“Người bình thường làm podcast”
Dù biết đến thể loại podcast khá muộn, chỉ chưa tới một năm, song Nguyễn Trần Thanh Tâm (năm thứ nhất, ĐH RMIT TP. HCM) đã thực hiện series podcast cho chính mình trong thời gian giãn cách xã hội. Tâm cho biết, việc ở nhà quá lâu và tạm dừng việc học trực tuyến khiến cô nảy ra ý định thử sức ở một lĩnh vực mới. Cô sinh viên chuyên ngành Truyền thông chuyên nghiệp bày tỏ: “Podcast là thể loại khá mới ở Việt Nam, nhiều thế hệ đi trước còn chưa tiếp cận được. Do vậy, việc bắt tay vào làm ở thời điểm này tuy không phải là người tiên phong nhưng lại rất hợp lý”.
Và thế là cái tên “Người bình thường làm podcast” ra đời. Với Tâm, cái tên đó không chỉ là sự ngẫu nhiên mà còn mang ý nghĩa đặc biệt nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thính giả và người sản xuất: Podcast do một người bình thường làm ra để gửi đến những người bình thường đang nghe. Không giống những podcast thu sẵn khác, “Người bình thường làm podcast” được Thanh Tâm chú trọng vào cảm xúc nên cô nàng chọn cho mình hướng đi chính là phát trực tiếp, giúp thính giả có những trải nghiệm chân thật khi được song hành cùng nhân vật của mình. Thanh Tâm khẳng định, quá trình làm podcast giúp cô hoàn thiện kỹ năng thẩm định thông tin để truyền tải những điều chính xác nhất đến với thính giả.
“Đầu tư cho bản thân”
Thay vì xem phim, lướt mạng xã hội như thời gian nghỉ dịch trước kia, Đặng Châu Hoàng Yến (sinh năm 2003) tìm đến bộ môn mới là móc len. Yến nhớ lại: “Mình hứng thú với bộ môn này từ khi xem nhiều video về móc len trên nền tảng TikTok. Sau đó, mình lên YouTube học hỏi và thấy dễ hiểu nên quyết định mua dụng cụ về thực hành. Đối với mình, mọi thứ khởi đầu khá suôn sẻ, dễ dàng”.
Sau một tuần cùng với sự giúp sức của mẹ, Yến cho ra sản phẩm đầu tay là chiếc túi nhiều màu sắc dùng để đựng các loại thẻ như căn cước công dân, thẻ ngân hàng hoặc những món đồ nhỏ khác. Sản phẩm đầu tiên chưa thực sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật nhưng cô bạn rất hài lòng với công sức đã bỏ ra. Việc học thêm kỹ năng móc len giúp Yến rèn luyện tính kiên nhẫn, giải tỏa đầu óc và hoàn toàn “sống chậm” trong thời gian dài ở nhà. Yến cũng mong muốn có thể tự thiết kế cho mình những bộ quần áo độc lạ bằng len trong tương lai.
Ngoài học móc len, cô tân sinh viên còn làm quen với chuyện bếp núc để trở nên độc lập và tiết kiệm tiền ăn ngoài hàng. Sau thời gian luyện tập, Yến đã nấu thành thạo một số món Việt và Hàn như súp, cá kho, bánh gạo, canh rong biển…
Đối với Nguyễn Minh Thư (ngành Kinh tế đầu tư, ĐH Kinh tế TP. HCM), thời gian nghỉ dịch kéo dài hơn hai tháng đã ảnh hưởng nhiều đến những kế hoạch trước đó của cô. Tuy nhiên, Thư nhận thấy đây là khoảng thời gian thích hợp để “đầu tư” cho bản thân bằng việc tìm tòi cách dựng video cũng như thiết kế các ấn phẩm truyền thông.
Chia sẻ về lý do chọn phát triển kỹ năng này, Thư cho biết: “Mình có cơ hội tiếp xúc với việc dựng video từ những năm THPT, sau này vào đại học thì tham gia câu lạc bộ và thấy ấn phẩm truyền thông của các anh chị “xịn” quá nên mình cũng muốn có thể làm giống vậy”.
Trong quá trình học dựng video, cấu hình máy của Thư không đủ mạnh để đáp ứng các tác vụ thực hiện buộc cô phải tìm các ứng dụng thay thế nên mất nhiều thời gian. Đồng thời, việc học kiến thức trên mạng đôi lúc khiến cô bạn bối rối và khó hiểu. Sau tất cả, niềm vui của cô là nhận được lời khen về sự tiến bộ của bản thân. Chia sẻ về những việc làm sắp tới, Thư cho biết mình sẽ cố gắng nghiên cứu một chút về tài chính, đọc những cuốn sách còn dang dở và tiếp tục rèn luyện kỹ năng dựng video để cho ra những sản phẩm “xịn xò” hơn nữa.
Theo Như Mai - Minh Duy/ SVVN