Khác với Asian Cup, giải U23 châu Á hay thậm chí là AFF Cup, bóng đá tại ASIAD chỉ được nhìn nhận là một môn thể thao song song với bóng rổ, bơi lội, cầu lông... Đội tuyển Olympic với lực lượng U23 cộng thêm ba cầu thủ trên 23 tuổi cũng là một đội tuyển không chính thức, ở một giải đấu không chính thức và không được FIFA công nhận.
Tuy nhiên, ASIAD 2018 vẫn là dấu mốc đáng nhớ với bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, Olympic Việt Nam sẽ bước ra sân chơi châu lục với một vị thế mới. Không còn tham gia để cọ xát và được gọi là ẩn số, bóng đá Việt Nam giờ dự giải châu Á với sự nể trọng thật sự (không phải xã giao) từ phía đối thủ. Vị thế mới, tâm thế khác, nên dĩ nhiên, nhiệm vụ và cách nhìn nhận của các học trò HLV Park Hang Seo cũng rất khác so với thế hệ đàn anh trong quá khứ.
Báo quốc tế nể trọng Olympic Việt Nam
Thành công tại giải U23 châu Á khiến báo chí quốc tế "phải lòng" bóng đá Việt Nam. Trang báo nổi tiếng Daily Mail từng thực hiện bài viết về lễ mừng công của đội tuyển sau kỳ tích ở Thường Châu. Báo Hàn Quốc lấy U23 Việt Nam để đội nhà noi gương, còn truyền thông Trung Quốc đánh giá bóng đá Việt Nam sẽ vượt lên trên bóng đá Trung Quốc trong tương lai gần.
Sau "phải lòng" là "nể trọng". Olympic Việt Nam ở ASIAD năm nay đã được nhìn nhận theo cách rất khác. Tờ Sohu (Trung Quốc) nhận định sức mạnh của các cầu thủ Việt Nam là "không thể coi thường" và Olympic Việt Nam là ứng viên sáng giá cho ngôi đầu bảng.
|
Olympic Việt Nam thắng dễ Olympic Pakistan trong trận ra quân. |
Tờ Pakistan Today đã thán phục trước sức mạnh của thầy trò HLV Park Hang Seo với đánh giá: “Ở trận ra quân ở Asiad 2018, chúng ta đã hứng chịu thất bại với tỷ số 0-3 trước Olympic Việt Nam. Thực tế, đây không phải là kết thúc bất ngờ bởi đối thủ của chúng ta là đội bóng mạnh ở châu lục”.
Xa hơn một bước, Fox Sports Asia gọi Quang Hải là "cậu bé vàng của bóng đá Việt Nam". Tờ Bola (Indonesia) khẳng định Olympic Việt Nam sẽ là đội bóng đáng xem tại ASIAD, còn một tờ báo Trung Quốc khác đánh giá Olympic Việt Nam là ứng viên sáng giá cho huy chương ASIAD.
Olympic Việt Nam xứng đáng được ngợi khen
So với vị thế "ẩn số" ở các kỳ đại hội trước hay ở giải đấu châu lục, Olympic Việt Nam hôm nay đã khác rất nhiều.
Dĩ nhiên, sự tôn trọng của đối thủ không phải món quà từ trên trời rơi xuống. Nói như HLV Fabio Capello khi còn dẫn dắt Juventus (2004-2006) thì sự tôn trọng không phải là thứ muốn là được. Bạn phải chiến đấu, phải giành giật nó. Bóng đá Việt Nam đã đi những bước dài và có lộ trình cụ thể, chứ không ghi dấu trong lòng khán giả châu Á chỉ sau một giải đấu mang tính "hiện tượng" trên đất Thường Châu.
|
Bóng đá Việt Nam tiến bộ rất nhanh trong khoảng 3 năm trở lại đây. |
Cụ thể, trước kỳ tích của U23 Việt Nam, U20 Việt Nam cũng gây tiếng vang khi có vé dự U20 World Cup và giành điểm số đầu tiên ngay ở trận đầu tiên góp mặt, sau khi đã vào đến bán kết giải U19 châu Á. U16 Việt Nam lọt vào vòng 1/8 giải U16 châu Á.
Trên địa hạt bóng đá trong nhà, futsal Việt Nam cũng đánh bại đương kim vô địch Nhật Bản để giành vé đi World Cup, vượt qua vòng bảng World Cup. Bên cạnh đó, sự phát triển của các lò đào tạo trẻ, đặc biệt là PVF với sự xuất hiện của huyền thoại Ryan Giggs trong vai trò giám đốc trung tâm và Paul Scholes trong vai trò cố vấn cũng khiến bóng đá Việt Nam được chú ý hơn.
Vị thế hôm nay được đổi lấy bằng mồ hôi, nước mắt và nỗ lực chuyển động không ngừng của cả một nền bóng đá. Vì thế, Olympic Việt Nam xứng đáng được tận hưởng. Đó là nhu cầu tự nhiên và đứng ở vị trí cao nhất trong "tháp nhu cầu" của Maslow. Những lời khen không phải là "ảo" và mang tính chất ru ngủ, mà nó bắt nguồn từ quá trình quan sát trong thời gian dài.
Nhưng hãy giữ đôi chân trên mặt đất
Có một thực tế không thể chối bỏ: Nhiều khán giả không thích báo Việt Nam khen Olympic Việt Nam, song lại rất hứng thú khi báo quốc tế đánh giá cao đội tuyển của mình. Một phần nguyên nhân nằm ở chỗ "báo ta" khen tuyển ta thì không khác gì "mèo khen mèo dài đuôi", còn "báo tây" khen tuyển ta thì khách quan, công bằng hơn.
|
Những lời khen luôn ẩn chứa nhiều cạm bẫy. |
Nhận định trên không sai. Phải nhắc lại, sự nể phục từ chính đối thủ là món quà mà bất cứ đội bóng nào cũng muốn nhận được. Nhưng dù là "ta" khen hay "tây" khen, những lời khen ấy đều gặp nhau ở một điểm: chúng có thể khiến các cầu thủ nhấc đôi chân khỏi mặt đất.
Đây không phải lần đầu bóng đá Việt Nam được đánh giá cao. Truyền thông quốc tế từng ngỡ ngàng với cú chích bóng của Văn Quyến vào lưới Hàn Quốc ở vòng loại Asian Cup, hay ngả mũ trước danh hiệu vô địch AFF Cup 2008 của tuyển Việt Nam.
Những lời khen cũng như những cơn gió, sẽ đến rồi đi. Do vậy, tận hưởng nó để lấy làm động lực sẽ tốt hơn là sa vào nó và đánh mất mình. Lời khen là vinh quang, nhưng cũng là cạm bẫy.
Giữ vững đôi chân trên mặt đất là điều được thầy Park nhắc đi nhắc lại với các cầu thủ. Chắc chắn, ban huấn luyện Olympic Việt Nam sẽ có cách bảo vệ cầu thủ khỏi "cơn bão" dư luận, dẫu đó là bão chỉ trích hay bão... khen.
Sự tỉnh táo là điều cần thiết, và đây chỉ là "cửa ải" đầu tiên mà Olympic Việt Nam cần phải vượt qua. Từ thế cửa dưới đến thế cửa trên, từ tham gia để học hỏi, cọ xát đến tham gia để tái khẳng định thành công ở giải U23 châu Á vừa rồi không phải thành công nhất thời, bóng đá Việt Nam đã đi chặng đường rất dài.
Mong rằng Olympic Việt Nam sẽ luôn "chân cứng đá mềm" và giữ được sự tập trung để trước hết là hoàn thành nhiệm vụ vượt qua vòng bảng, với mục tiêu là ba điểm trước Olympic Nepal trong trận đấu tối nay.
Theo VTC News