“Ông lớn” đứng sau sự giàu có của nước chủ nhà World Cup 2022

Google News

Qatar đã chi tới gần 300 tỷ USD để chuẩn bị cho World Cup 2022 và phần lớn nguồn kinh phí đó đến từ tiền bán khí đốt của Tập đoàn QatarEnergy..

Qatar - nước chủ nhà World Cup 2022 nằm ở phía đông bán đảo Ả Rập. Qatar chỉ có duy nhất đường biên giới ở đất liền với Saudi Arabia ở phía nam, 3 mặt còn lại đều được bao bọc bởi vịnh Ba Tư. Mặc dù diện tích chỉ khoảng 11.500km2, dân số 3 triệu người nhưng Qatar lại là một trong những nước giàu có nhất thế giới.
Qatar đã chi tới gần 300 tỷ USD trong vòng 12 năm sau khi giành quyền đăng cai World Cup. Phần lớn trong số đó được chi trả bằng doanh thu từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của QatarEnergy.
Theo ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, kiêm Chủ tịch, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu và khí đốt quốc gia QatarEnergy, quá trình phát triển của QatarEnergy được chia làm 3 giai đoạn. Hai giai đoạn đầu tập trung vào xây dựng, sau đó tối đa hóa sản lượng khí đốt trong nước để xuất khẩu và giai đoạn thứ ba là mở rộng ra quốc tế.
Được thành lập vào năm 1974 dưới tên gọi Qatar Petroleum, gã khổng lồ khí đốt này thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
“Ong lon” dung sau su giau co cua nuoc chu nha World Cup 2022
QatarEnergy là đối tác chính thức của FIFA World Cup 2022. Ảnh: FT 
Đầu những năm 1990, QatarEnergy rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và có nguy cơ phá sản khi đặt cược vào việc phát triển các mỏ khí đốt North Field, khu vực có trữ lượng lớn nhất thế giới.
Thời điểm đó, các nước láng giềng của Qatar chỉ tập trung vào dầu mỏ, ít quan tâm đến khí đốt. Do đó, kế hoạch của Qatar được xem như một canh bạc. Năm 1992, tập đoàn dầu khí Anh BP đã rút khỏi dự án North Field với QatarEnergy vì lo ngại về lợi nhuận.
5 năm sau đó, Qatar khánh thành cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên, hợp tác cùng ExxonMobil, TotalEnergies, Mitsui và Marubeni. Đến năm 2006, Qatar vượt Indonesia để trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Hiện tại, QatarEnergy xây dựng danh mục đầu tư toàn cầu với các đối tác thăm dò lớn. Shell, Exxon, ConocoPhilips, Total và Eni đều đã ký kết thỏa thuận mới ở North Field với tập đoàn dầu mỏ quốc doanh của Qatar. Nhờ đó, công suất sản xuất LNG trong nước của QatarEnergy tăng từ 77 triệu tấn lên 126 triệu tấn vào năm 2027.
Bên cạnh đó, hợp tác với Exxon tại Mỹ cũng giúp doanh nghiệp này cung cấp được thêm 16 triệu tấn LNG mỗi năm kể từ 2025.
QatarEnergy cũng xây dựng một danh mục đầu tư thăm dò rộng lớn trong thập kỷ qua, bao gồm góp cổ phần trong các dự án ở Brazil, Canada, Vịnh Mexico của Mỹ, Guyana, Suriname, Namibia, Ai Cập, Angola và Nam Phi.
QatarEnergy đặt mục tiêu tăng sản lượng bên ngoài Qatar từ 45.000 thùng dầu/ngày lên 500.000 thùng/ngày vào năm 2030. Trong nước, tập đoàn này sản xuất hơn 5 triệu thùng/ngày.
Trong thập kỷ tới, QatarEnergy sẽ tập trung vào mục tiêu trở thành một trong những nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nhất thế giới, khi gần như không bao giờ giao thiếu LNG cho khách hàng.

Video: World Cup 2022 trước giờ khai mạc. Nguồn: VTV24


Hoàng Minh (theo FT)