Sáng 12/4, lễ khai giảng chương trình đào tạo cử nhân chính quy ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao diễn ra tại ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Trong khóa đầu tiên tuyển sinh và đào tạo, chương trình có 13 sinh viên theo học. Trong đó, 10 người là thành viên đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu các giải quốc tế chính thức. 3 sinh viên là vận động viên cấp một, kiện tướng.
|
13 sinh viên đầu tiên nhập học chương trình đào tạo cử nhân chính quy ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao của ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: N.S. |
Lứa sinh viên đầu tiên gồm những tên tuổi đã đóng góp cho nền thể thao nước nhà như cầu thủ Quang Hải, anh em vận động viên điền kinh Quách Công Lịch, Quách Thị Lan...
Tháng 11/2020, cầu thủ Nguyễn Quang Hải vừa được trao tặng học bổng toàn phần ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời điểm đó, cầu thủ cho biết sẽ sắp xếp thời gian để đi học đại học.
Trước Quang Hải, các cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Quế Ngọc Hải, trung vệ Bùi Tiến Dũng cũng vào đại học.
Tại lễ khai giảng, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế, đã chào mừng các tân sinh viên đặc biệt của trường. Ông cũng chia sẻ sự thấu hiểu về chặng đường vất vả mà các em đã trải qua cùng những khó khăn sắp tới khi các em vừa học tập vừa tham gia tập luyện, thi đấu.
"Các tài năng thể thao của thầy! Chọn con đường trong lĩnh vực thể thao đã khó khăn, chọn con đường trau dồi kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế cũng không kém phần vất vả. Hơn thế nữa, một số bạn vừa phải gánh vác trách nhiệm quốc gia khi đang trong sự nhiệp thi đấu vừa phải tiếp tục học tập trên ghế nhà trường. Thầy hiểu, chia sẻ và cảm thông với các bạn. Thầy tin các bạn đã suy nghĩ rất chín chắn và sáng suốt lựa chọn đúng con đường đi cho mình dẫu có nhiều thách thức ở phía trước", ông Lê nhắn nhủ.
Theo ông Lê, tuổi nghề của một vận động viên thể thao không phải là dài. Chọn đường như này, họ sẽ không bỏ lỡ nhịp trong tương lai khi guồng quay phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đang chạy rất nhanh.
Với những kiến thức từ chương trình, các tài năng thể thao sẽ làm giàu cho mình, người thân và xã hội. Ông cũng kỳ vọng họ sẽ tạo đột phá, kỷ lục mới trong sự nghiệp học tập như cách họ đã làm nên vinh quang trong sự nghiệp thể thao.
Ông cũng hứa hẹn thầy cô, các sinh viên trong trường sẽ hỗ trợ để giúp 13 vận động viên vượt qua khó khăn khi phải cân đối thời gian học tập với thời gian luyện tập, thi đấu, khi họ nản lòng vì học tập kiến thức chuyên ngành mệt mỏi.
"Thầy mong các em đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, hãy nhớ hình ảnh lá cờ tổ quốc tung bay khi bước lên bục nhận huy chương, đặt tay lên trái tim hát quốc ca để nỗ lực học tập. Chúng ta cùng nhau cam kết để đi hết con đường", hiệu trưởng ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.
Đó cũng là những mong mỏi của ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao. Ông kỳ vọng các vận động viên sẽ nỗ lực học tập, thi đấu tốt.
Ông thừa nhận nhiệm vụ trước mắt của các vận động viên rất nặng nề, đặc biệt khi SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Ông cho rằng các tân sinh viên sẽ khó học tốt được như những sinh viên khác. Vì thế, ông mong muốn giảng viên tạo điều kiện cho họ.
Tuy nhiên, ông Phấn mong muốn giảng viên môn Ngoại ngữ sẽ nghiêm khắc bởi với xã hội hiện nay, các tài năng thể thảo chắc chắn phải thành thạo ngoại ngữ và có kiến thức về công nghệ thông tin.
"Thay mặt ngành thể thao, tôi gửi gắm 13 vận động viên cho trường. Tôi cũng hứa với trường sẽ đồng hành cùng các sinh viên để giúp các em vừa tập luyện vừa học được để ra trường", ông Phấn nói.
Tại lễ khải giảng, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, cấp học bổng cho cầu thủ Quang Hải và vận động viên Quách Thị Lan vì là hai sinh viên đầu tiên đăng ký xét tuyển.
Chương trình cử nhân quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao nhằm cung cấp cho xã hội và lĩnh vực thể dục thể thao nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực chuyên môn rộng và sâu trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh, tổ chức sự kiện và truyền thông, hiểu phương pháp nghiên cứu khoa học, có tư duy hiện đại, tư duy phản biện, có tinh thần, năng lực quản trị và khởi nghiệp, có năng lực ngoại ngữ và khả năng thích nghi với môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Nguyễn Sương/ Zing